1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Sứ giả chiến tranh" Tomahawk tái xuất ở Syria

Ngày 7-4 vừa qua, 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục USS Ross và USS Poter ở phía Đông Địa Trung Hải, nhằm vào một số mục tiêu ở căn cứ Shayrat, tỉnh Homs của Syria.

Việc sử dụng tên lửa Tomahawk cho thấy, Lầu Năm Góc muốn tấn công Syria từ khoảng cách an toàn, dựa trên loại vũ khí tầm xa chủ lực của hải quân Mỹ.

Tên lửa đa nhiệm hàng đầu thế giới

Tên lửa hành trình Tomahawk được phát triển từ thập niên 1980 bởi tập đoàn Raytheon của Mỹ. Với trọng lượng 1.300kg và chiều dài 5,56m ở phiên bản thường và trọng lượng 1.600kg, chiều dài 6,25m ở phiên bản tăng cường, Tomahawk mang được đầu đạn nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80.

Tomahawk là một trong những tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới. Ưu điểm lớn nhất của loại tên lửa này là không đòi hỏi tàu chiến Mỹ phải tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách nguy hiểm. Chúng có thể phóng đi từ khu trục hạm cách xa mục tiêu tới 1.600km, khoảng cách đủ an toàn trước tên lửa phòng không và diệt hạm của đối phương.

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu chiến của Mỹ. Ảnh: Wordpress.com
Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu chiến của Mỹ. Ảnh: Wordpress.com

Dù tầm bắn lên tới 2.500km và đạt tốc độ 880 km/giờ, Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu khi đang di chuyển. Cặp cánh dài độc đáo giúp Tomahawk linh hoạt trong quá trình bay. Không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của Tomahawk rất cao.

Trên thực tế, phát hiện được loại tên lửa này bằng radar hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó. Thêm vào đó, hệ thống dẫn đường phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ khác nhau giúp Tomahawk trở nên chính xác vượt trội trong mọi điều kiện tác chiến.

Không chỉ vậy, Tomahawk còn có thể đọc địa hình theo chiều thẳng đứng để so sánh với bản đồ số được nạp sẵn, giúp tên lửa di chuyển an toàn và chính xác hơn.

Hệ thống so sánh điện tử với mắt thần giúp Tomahawk lao vào mục tiêu với sai số dưới 10m. Sau khi nạp sẵn dữ liệu mục tiêu, hệ thống điện tử của Tomahawk sẽ so sánh các bức ảnh mà mắt thần chụp lại để xác định mục tiêu.

Với tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu trong thực chiến đạt tới hơn 90%, tên lửa Tomahawk sở hữu sức mạnh đáng mơ ước đối với bất kỳ loại tên lửa hành trình nào khác. Hiện nay, Hải quân Mỹ có trong kho khoảng 3.500 tên lửa hành trình Tomahawk với tổng giá trị xấp xỉ 2,6 tỷ USD.

“Sứ giả chiến tranh”

Tên lửa Tomahawk được gọi là "sứ giả chiến tranh" bởi Mỹ thường sử dụng loại tên lửa này để đánh phủ đầu đối phương trong nhiều cuộc chiến tranh.

Loại tên lửa này được Mỹ sử dụng lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (năm 1991). Trong cuộc chiến này, quân đội Mỹ đã sử dụng 297 tên lửa Tomahawk, trong đó 282 tên lửa phóng thành công, 9 tên lửa bị “xịt" không thể rời ống phóng, 6 tên lửa bị rơi xuống nước ngay sau khi rời ống phóng. Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, Mỹ đã phóng kỷ lục 725 tên lửa Tomahawk nhằm vào các mục tiêu trên khắp Iraq.

Mỹ sử dụng Tomahawk lần đầu tiên để tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào ngày 23-9-2014. Trong chiến dịch mở đầu này, có tổng cộng 47 quả tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ hai tàu chiến USS Philippine Sea và USS Arleigh Burke của Hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đỏ và Bắc Vịnh A-rập.

Lần gần đây nhất, Tomahawk được sử dụng là vào tháng 10-2016, khi quân đội Mỹ phóng một loạt tên lửa loại này nhằm vào 3 địa điểm đặt radarven biển tại Yemen để trả đũa việc các tay súng Houthi liên tục phóng tên lửa vào các tàu Mỹ.

Theo tờ Washington Post, quyết định dùng Tomahawk tấn công một số mục tiêu ở căn cứ Shayrat, tỉnh Homs ngày 7-4 có thể xuất phát từ một số lo ngại chính trị. Sân bay gần nhất mà Mỹ có thể sử dụng trong khu vực là căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thực hiện một chiến dịch chống Chính phủ Syria từ đây, nước này sẽ cần phải được Thổ Nhĩ Kỳ đồng thuận.

Mỹ cũng có máy bay tấn công ở nhiều nước tại Trung Đông nhưng nếu sử dụng có thể gây ra các vấn đề ngoại giao…

Hai ngày sau khi Mỹ sử dụng Tomahawk tấn công một số mục tiêu ở Syria, ngày 9-4, Lầu Năm Góc đã điều biên đội tàu sân bay Mỹ CVN-70 USS Carl Vinson tới gần bán đảo Triều Tiên.

Biên đội tàu sân bay Carl Vinson bao gồm tàu sân bay lớp Nimitz, USS Carl Vinson (CVN 70), phi đội bay CVW-2 (Carrier Air Wing 2), các tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke DDG-108 USS Wayne E. Meyer và DDG-112 USS Michael Murphy, cùng với tuần dương hạm lớp Ticonderoga CG-57 USS Lake Champlain.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa tàu sân bay áp sát vùng biển bán đảo Triều Tiên. Trước đó, trong các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống đã xuất hiện tại khu vực trên.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trong lần này là hai tàu khu trục Mỹ có thể mang tới 128 quả tên lửa hành trình Tomahawk, còn tuần dương hạm lớp Ticonderoga mang tới 122 quả tên lửa Tomahawk.

Theo nhận định của một số chuyên gia quân sự, khả năng Mỹ sử dụng Tomahawk tiến hành một vụ không kích vào Triều Tiên tương tự vụ Syria là không cao, do Bình Nhưỡng là một đồng minh thân cận của Trung Quốc, cộng với việc tên lửa của Triều Tiên đủ sức đe dọa các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Đông Á.

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm