1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Su-57 Nga tham chiến nã tên lửa, phòng không Ukraine rình cơ hội bắn hạ

Minh Phượng

(Dân trí) - Defence Blog dẫn lời một quan chức Không quân Ukraine giấu tên cho biết, Su-57 có thể đã được Nga sử dụng nhiều trong những tháng gần đây, để tiến hành "hơn 40 cuộc không kích".

Su-57 Nga tham chiến nã tên lửa, phòng không Ukraine rình cơ hội bắn hạ - 1

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga (Ảnh minh họa: Telegram).

Phòng không Ukraine rình cơ hội bắn hạ Su-57 Nga

Su-57 (hay Felon, theo định danh của NATO) - máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên của Nga - được coi là câu trả lời của Moscow cho F-22A Raptor và F-35 Lighting II của Mỹ.

Hiện có nhiều đồn đoán xung quanh khả năng kỹ chiến thuật của Su-57 và khả năng sản xuất loạt lớn của Nga. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nga cho rằng, đây là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của họ cho đến nay và trong cuộc xung đột Ukraine. Chiến đấu cơ tàng hình đã tham chiến bằng cách phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine từ ngoài vùng không phận nguy hiểm.

Đối với Nga, Su-57 hay xe tăng T-14 Armata được sử dụng hạn chế hơn các loại vũ khí cũ ở chiến trường Ukraine như máy bay chiến đấu Su-34, Su-35 hay xe tăng chiến đấu chủ lực T-72.

Tương tự, xe tăng chủ lực T-64 thời Liên Xô hữu ích hơn nhiều đối với Ukraine so với bất kỳ loại xe tăng nào mà NATO đã bàn giao cho họ.

Dù vậy, loại máy bay chiến đấu tiên tiến này có một số vấn đề khiến Nga còn e ngại nên chưa sử dụng rộng rãi.

Không quân Ukraine đã tỏ ra khá hiệu quả trong việc đánh chặn các máy bay chiến đấu Nga, phần lớn là nhờ vào các hệ thống phòng không tối tân do NATO viện trợ .

Nhưng bất chấp điều này, Nga vẫn tiếp tục tận hưởng quyền giành ưu thế lớn trên bầu trời. Tuy nhiên, không phận ở sâu trong lãnh thổ Ukraine chưa thực sự an toàn khiến Moscow hơi lo lắng về viễn cảnh mạo hiểm với những chiếc Su-57 quý hiếm của mình.

National Interest cho rằng, việc sở hữu vũ khí đắt tiền không phải lúc nào cũng là điều tích cực và phương Tây nên học kinh nghiệm của người Nga.

Lý do giải thích điều này rất đơn giản: Su-57 là loại chiến đấu cơ cực kỳ phức tạp và tốn kém để chế tạo. Xung đột Ukraine đã chứng minh rằng, nó là sự kết hợp giữa các cuộc chiến tranh tiêu hao theo kiểu cũ (giống chiến tranh chiến hào của Thế chiến thứ nhất) và công nghệ vũ khí mới, nhưng không phải là công nghệ vượt trội mà phương Tây mong đợi.

Ví dụ, máy bay không người lái đã thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng, định hình trang bị của cả hai bên trong cuộc xung đột này, chúng tương đối rẻ, dễ sử dụng và giá cả không quá đắt đỏ. Trong khi đó, Su-57 được coi là vũ khí hiện đại và đắt tiền, nếu bị tổn thất nhiều trong chiến đấu, việc thay thế chúng sẽ là một gánh nặng.

National Interest cũng nhận định, trước khi bất kỳ ai ở phương Tây trở nên tự mãn với suy nghĩ đó, cần nhớ rằng, ngay cả Mỹ, nếu thiệt hại số máy bay chiến đấu F-22 hoặc F-35 với số lượng đáng kể, thì điều đó cũng sẽ thảm họa đối với ngành sản xuất công nghiệp quốc phòng Mỹ. Do vậy có thể nhận thấy, người Nga ưu tiên đổ nguồn lực của họ vào việc chế tạo các loại máy bay cũ hơn, rẻ hơn, như Su-34 hoặc Su-35.

Bên cạnh đó, Nga lo sợ mất đi công nghệ bí mật trong chiến đấu, như máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của họ, từ đó có thể lộ thông tin chi tiết về bí mật quân sự và làm tổn hại đến uy tín ngành xuất khẩu vũ khí của họ.

Su-57 Nga tham chiến nã tên lửa, phòng không Ukraine rình cơ hội bắn hạ - 2

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Phương Tây không nên đánh giá thấp Su-57

Su-57 là chiến đấu cơ có tính năng kỹ chiến thuật tương đối cao, nó có thể chưa sánh được với F-22, nhưng có vẻ giống với F-35 của Mỹ hơn. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của Nga về việc triển khai Su-57 một cách thường xuyên trên chiến trường Ukraine có thể khiến nhiều khách hàng tiềm năng ngần ngại mua một loại máy bay chưa được chứng minh rõ nét trong thực chiến.

Một lần nữa, sự im lặng của người Nga là có cơ sở, vì ngay cả những máy bay chiến đấu tiên tiến thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-22 hay F-35, cũng có thể bị bắn hạ bởi một hệ thống phòng không bình thường.

Điều này cũng được chứng minh trong cuộc chiến Nam Tư năm 1999, khi hệ thống phòng không S-125 Pechora, có tuổi đời cỡ 30 năm, đã bắn hạ máy bay ném bom tàng hình F-117A của Không quân Mỹ.

Khách quan mà nói, Su-57 cũng không phải chế tạo ra để "làm màu", Nga đã sử dụng máy bay này trong chiến đấu, mặc dù họ không hề công bố rộng rãi.

Theo một số phán đoán, dòng tiêm kích tàng hình này có thể được Không quân Nga sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, đặc biệt là sử dụng tên lửa hành trình Kh-69, tấn công các mục tiêu Ukraine từ trong không phận Nga, thay vì bay vào vùng trời Ukraine.

Những cuộc tấn công này được cho là phần lớn đều thành công, điều này cho thấy Su-57 là một loại máy bay có tính năng kỹ chiến thuật rất cao, nên phương Tây không thể đánh giá thấp.

Su-57 Nga tham chiến nã tên lửa, phòng không Ukraine rình cơ hội bắn hạ - 3

Tên lửa hành trình Kh-69 được Nga giới thiệu tại ARMY-2024 (Ảnh: Tiến Tuấn).

Su-57 đã thực hiện bao nhiêu cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine?

Trên thực tế, có rất ít thông tin "đã được xác nhận" máy bay Su-57 đã được triển khai trong chiến đấu. Tuy nhiên, vào ngày 12/9, trang Defence Blog dẫn lời một quan chức Không quân Ukraine giấu tên cho biết, Su-57 có thể được Nga sử dụng nhiều trong những tháng gần đây, để tiến hành "hơn 40 cuộc không kích", nhằm vào các mục tiêu bên trong Ukraine.

Thông tin cho biết thêm, "những máy bay chiến đấu tàng hình này trở thành công cụ thường xuyên hơn, trong chiến dịch trên không của Nga, với số lượng các cuộc tấn công bằng tên lửa được ghi nhận tăng lên kể từ cuối tháng 2/2024. Mặc dù trước đây Nga triển khai Su-57 một cách rời rạc, nhưng cường độ và tần suất sử dụng rõ ràng tăng lên đáng kể".

Theo Bộ Quốc phòng Anh, kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, thì Su-57 chỉ được Không quân Nga sử dụng một số ít lần.

Nhưng theo Defence Blog công bố và được National Interest trích dẫn, việc sử dụng Su-57 trong năm nay tăng lên đáng kể, dòng tiêm kích được sử dụng để phóng hơn "30 tên lửa hành trình", chủ yếu là tên lửa hành trình tàng hình Kh-69, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ, được bảo vệ tốt ở tầm xa hơn 300km". Nguồn tin cho biết, tên lửa Kh-69 được Nga sử dụng vào ngày 11/4/2024, để phá hủy Nhà máy nhiệt điện Typillia, ở ngoại ô Kiev.

Phía Ukraine xác nhận, tên lửa Kh-69 là loại vũ khí được sử dụng để tấn công nhà máy điện Typillia và được phóng từ bên ngoài không phận Ukraine. Các thông tin trước đây không chỉ ra loại máy bay nào phóng tên lửa này, nhưng người ta nghi ngờ, nó được phóng đi từ máy bay Su-57.

Đặc điểm nổi bật là tên lửa hành trình Kh-69 có khả năng tránh bị hệ thống phòng không phát hiện và đánh chặn. Một khi "song kiếm hợp bích" với Su-57, nó có thể dễ dàng xuyên thủng các lưới lửa của Ukraine.

Tạp chí National Interest không thể xác nhận Su-57 đã được sử dụng bao nhiêu lần để phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Ukraine nhưng dường như Nga vẫn tiếp tục sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ thứ năm này trong không phận của mình, để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ đối phương khiến Ukraine và các hệ thống trinh sát hiện đại của NATO không thể phát hiện.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm