1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

START - Nút điều chỉnh quan hệ Nga-Mỹ

(Dân trí) - Nút “điều chỉnh” quan hệ Nga - Mỹ dường như đã bắt đầu được khởi động ngay trước chuyến thăm Mátxcơva của Tổng thống Mỹ, khi động cơ chính của nút này là START I vừa được các quan chức loan báo là đã đạt được sự nhất trí của cả hai bên.

START - Nút điều chỉnh quan hệ Nga-Mỹ - 1

Tổng thống Obama cùng phu nhân vừa đến Nga.

Các quan chức Nga và  Mỹ hôm nay xác nhận hai bên đã nhất trí về văn bản của tuyên bố sẽ được Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama, đang có chuyến thăm Mátxcơva trong hai ngày 6-7/7, ký nhằm tạo ra một thỏa thuận khung cho việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START I) có từ thời Chiến tranh Lạnh. Như vậy, kết quả chủ yếu của cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga-Mỹ đã nằm trong tầm tay, đồng nghĩa với quan hệ hai nước nhiều triển vọng thoát khỏi bóng ma Chiến tranh Lạnh. 

 

Nhưng tiến trình Mátxcơva-Washington đạt được một hiệp ước mới thay thế START I khi nó hết hiệu lực vào ngày 5/12 vẫn là phép thử đầu tiên với quan hệ của hai cường quốc này.

 

Ý nghĩa với cả hai bên

 

START-1 bắt đầu có hiệu lực năm 1994, là một văn kiện phức tạp, quy định việc cắt giảm số đầu đạn hạt nhân, phương tiện chuyên chở cũng như các thủ tục chi tiết đối với việc thẩm tra quá trình giải giáp vũ khí, từng làm cơ sở cho sự hợp tác song phương về loại bỏ nguyên liệu hạt nhân. Nga và Mỹ hiện muốn đơn giản hóa một số thủ tục thẩm tra và giảm hơn nữa số đầu đạn hạt nhân hiện có. 

 

Lý do thứ nhất khiến cả hai bên muốn tiến tới những hạn chế vũ khí nghiêm ngặt hơn so với START-1 là hồi tháng 12/2001, cả Mỹ lẫn Nga đều tuyên bố đã thực thi đầy đủ các điều khoản của START-1. Cụ thể, START-1 quy định mỗi bên phải giảm số phương tiện mang đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.600 và số đầu đạn xuống còn 6.000. Theo ước tính gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến ngày 1/1/2009, Nga có 814 phương tiện phóng và 3.909 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ có 1.198 phương tiện và 5.576 đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, một lý do nữa là cả hai khó có thể duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn như vậy trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đang làm lao đao bất cứ quốc gia giàu có nào.

 

Nếu START-1 không được nâng cấp và cải tiến một cách thỏa đáng, Nga sẽ dựa vào đó để khẳng định rằng cả  hai nước có thể "nói lời chia tay" với thỏa thuận vũ khí hạt nhân song phương mà  Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký năm 2002. Theo thỏa thuận  này, hai nước sẽ cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược xuống 1.700-2.200 đầu đạn hạt nhân vào năm 2012. 

 

Đối với cả Mátxcơva và Washington, văn kiện mới thay thế START-I có ý nghĩa thực tế đáng kể đối với việc "điều chỉnh" quan hệ song phương. Khả năng hai bên không kịp soạn thảo và thông qua văn kiện mới để thay thế START-I đồng nghĩa với thực tế là hai nước chưa có biến chuyển gì trong quan hệ song phương. 

 

Vẫn là  phép thử

 

Khi đàm phán về vấn  đề cắt giảm vũ khí hạt nhân, quan điểm của Nga và Mỹ thường mâu thuẫn. Cả Nga và Mỹ đều nhất trí rằng hai nước nên giảm số đầu đạn hạt nhân và sửa đổi START-1, tuy nhiên, khó có thể nâng cấp START-1 vì Washington hiện chưa hoàn tất việc sửa đổi chiến lược hạt nhân trước tháng 8 tới. Để hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào ngày 5/12, chính phủ hai bên sẽ phải ký kết một thỏa thuận trong tháng 8/2009.

 

Trong khi đó, thậm chí ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận mang tính nguyên tắc về văn kiện mới này trước cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ vào ngày 6/7 này, thì cả hai cũng khó mà hoàn thành được văn bản trước tháng 12/2009. Điều đó đòi hỏi không ít thời gian. 

 

Thêm một cản trở cơ bản là lập trường chính trị khác nhau giữa Nga và Mỹ. Ngay trước chuyến thăm của Obama, Nga tuyên bố sẽ thảo luận với Mỹ về START I và Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ ở châu Âu cùng lúc. Nga cho rằng mặc dù cả Mátxcơva và Washington đều quan tâm đến việc ký văn kiện mới thay START I, nhưng Nga tin chắc rằng START và NMD của Mỹ là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau. Thư ký báo chí thủ tướng Nga Dmitry Peskov hôm 2/7 còn loan báo tại cuộc gặp Medvedev-Obama ở Mátxcơva, hai bên sẽ thảo luận kỹ hai vấn đề này.

 

Quan điểm trên đây của Nga có thể cản trở việc soạn thảo và ký kết văn kiện mới thay thế START-I nếu như chính quyền Obama không xem xét lại kế hoạch NMD tại châu Âu. Trong khi đó, Washington đã nhiều lần tuyên bố rằng số phận NMD ở Đông Âu phụ thuộc vào tính hiệu quả của nó. Dù sao, trong mọi trường hợp, việc gắn NMD với START-I sẽ làm cho cuộc đàm phán kéo dài thêm và giảm bớt đáng kể cơ hội soạn thảo xong văn kiện mới trước tháng 12 tới.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm