1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sống sót nhờ uống nước tiểu sau hơn 80 giờ bị vùi lấp do động đất

(Dân trí) - Một thanh niên 28 tuổi đã sống sót thần kỳ, sau hơn 80 giờ bị mắc kẹt trong đống đổ nát tại Nepal, dù không có thực phẩm hay nước uống. Người này cho biết đã phải uống nước tiểu của chính mình.

Nạn nhân may mắn này có tên Rishi Khanal, được nhóm cứu hộ của các nhân viên người Pháp và Nepal cùng phối hợp đưa ra, từ bên dưới đống đổ nát của một căn hộ chung cư hôm 28/4, sau 5 giờ nỗ lực giải cứu.

Xem clip


Khanal không hề có thực phẩm hay nước uống trong suốt thời gian mắc kẹt, sau khi trận động đất xảy ra tại Nepal trưa ngày thứ Bảy, và đến nay đã khiến ít nhất 5.000 người thiệt mạng.

“Cậu ấy bị kẹt vào một cánh cửa và không thể nhúc nhích. Cậu ấy cũng không có gì để ăn hoặc uống. Không còn lựa chọn nào khác cậu ấy phải uống nước tiểu của chính mình”, một người bạn của nạn nhân cho biết.

“Có vẻ như cậu ấy sống được chỉ là do lí trí”, bác sỹ Akhilesh Shrestha, một trong những người điều trị cho Khanal nhận định.

Trước đó, thanh niên này đang ở tầng hai của một tòa nhà 7 tầng thì động đất xảy ra. Các tầng phía trên tòa nhà còn nguyên vẹn và các đội cứu hộ đã khoan tới vị trí của Khanal sau khi nghe tiếng kêu cứu, và trả lời các câu hỏi bằng tiếng Nepal.

Rất đông người Nepal vẫn đang xếp hàng mua vé xe rời thủ đô (Ảnh:
Rất đông người Nepal vẫn đang xếp hàng mua vé xe rời thủ đô (Ảnh: CNA)

Các bác sỹ cho rằng Khanal có vẻ bị gãy một chân.

Trước đó, lực lượng cứu hộ cũng đã giải cứu một phụ nữ mắc kẹt giữa 2 phiến bê tông suốt 50 giờ, bên dưới một tòa nhà 5 tầng. Hiện bà đã đoàn tụ với gia đình tại một nơi trú ẩn tạm thời cùng chồng và 2 con trai, những người may mắn thoát được trận động đất.

“Có cảm giác như tôi đã tới một thế giới khác”, Sunita nói sau khi được Lực lượng ứng cứu thảm họa quốc gia Ấn Độ đưa ra ngoài.

Trong khi đó, tại các khu vực khác ở Nepal, công tác cứu hộ vẫn đang tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh Liên Hợp Quốc kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 415 triệu USD cho quốc gia này.

Những hàng hóa thiết yếu nhất lúc này là nơi trú ẩn, nước uống, thực phẩm và thuốc men. Thông cáo của cơ quan này khẳng định hàng triệu người đang cần thực phẩm.

Giao thông khó khăn khiến lực lượng cứu hộ cũng mặc kẹt trên đường (Ảnh: CNA)
Giao thông khó khăn khiến lực lượng cứu hộ cũng mặc kẹt trên đường (Ảnh: CNA)

Uwocs tính, khoảng 70.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và 530.000 căn khác bị hư hại tại 39 khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,8 độ richter.

Tại Kathmandu, sau 4 ngày hỗn loạn vì thảm họa kinh hoàng nhất 80 năm qua, người dân đang dần gượng dậy, khi một số cửa hàng thực phẩm mở cửa trở lại.

Tuy vậy, tại các bên xe chính, dòng người xếp hàng mua vé để rời thủ đô vẫn đông nghẹt. Một số người muốn về quê để giúp người thân khắc phục hậu quả động đất, số khác muốn đi nơi khác tìm việc làm. Lo ngại lộn xộn xảy ra, quân đội Nepal đã được triển khai tới các bến xe chính để đảm bảo an ninh.

Thanh Tùng
Theo NDTV, AFP, CNA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm