1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Sóng ngầm" trong quan hệ Mỹ - Trung

(Dân trí) - Mặc cho những kế hoạch hợp tác đầy tham vọng và tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế giữa 2 nước, Mỹ và Trung Quốc hiện tại vẫn đang đối mặt với sự rạn nứt lớn dần trong quan hệ ngoại giao song phương do hàng loạt các vấn đề, trong đó có vấn đề Triều Tiên.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Sky)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Sky)

Sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã có những bước phát triển nhất định. Trong các cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Mỹ đã vạch ra bản kế hoạch hợp tác kinh tế 100 ngày đầy tham vọng với mục tiêu phát triển dịch vụ tài chính, đầu tư, năng lượng và thương mại.

Theo ông Evans Revere, chuyên gia phân tích thuộc viện nghiên cứu Brookings, cả 2 bên đều khẳng định “kế hoạch diễn ra đúng tiến độ”. Còn theo ông Jake Parker, phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, "những kết quả trong 100 ngày sẽ cải thiện quan hệ thương mại giữa 2 nước theo chiều hướng tích cực”.

Gần đây, khi phát biểu tại Paris hôm 13/7, Tổng thống Donald Trump đã gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một “người bạn” mà ông rất tôn trọng.

Tuy nhiên, mặc cho những triển vọng về kinh tế, quan hệ giữa 2 nước đang đối mặt với rạn nứt đến từ những vấn đề ngoại giao. Về phía Mỹ, nước này bày tỏ sự thất vọng với Trung Quốc trong việc gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng sau thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây, cũng như việc Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng giao thương 10,5% với Triều Tiên mặc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Mới đây, Mỹ đã tiếp tục ban hành lệnh trừng phạt với một số công ty Trung Quốc vì có quan hệ với chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Trong khi đó, Bắc Kinh giận dữ việc Hải quân Mỹ hoạt động ở Biển Đông, bán vũ khí cho Đài Loan và những cáo buộc của Washington về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền.

Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ đã điều tàu chiến đi vào khu vực bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa để diễn tập, và tiếp đến vào tháng 7, Mỹ cử 2 máy bay ném bom B1 bay qua Biển Đông. Trung Quốc cho rằng, đây là những hành động khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng.

Gần đây, việc Mỹ đồng ý bán vũ khí trị giá 1,3 tỷ USD cho Đài Loan cũng đã khiến Trung Quốc bày tỏ sự phản đối. Ngoài ra, việc Mỹ đưa ra bản báo cáo chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền cũng đã khiến Bắc Kinh lên tiếng phủ nhận.

Cuối cùng, nhận xét trước việc ông Trump liên tục “ca ngợi” lãnh đạo Trung Quốc gần đây, chuyên gia Evans Revere cho rằng đó là nỗ lực giữ mối quan hệ Mỹ - Trung trên nền tảng ổn định, phòng khi Trung Quốc “đảo chiều” về vấn đề Triều Tiên.

Đức Hoàng

Theo Japan Times