Sợi xích nóng Mỹ-Úc-Nhật chặn Trung Quốc trên biển Đông
Mỹ, Úc dự tính đưa tàu, máy bay đến Biển Đông, trong khi Nhật cũng cân nhắc hỗ trợ hậu cần cho hải quân Mỹ trong khu vực.
Sợi xích nóng chặn Trung Quốc
Phó đô đốc David Johnston của Australia nói nước này hiện có tàu và máy bay tuần tra hoạt động ở Biển Đông và khẳng định đó là các hoạt động thông thường đã diễn ra trong nhiều năm.
"Chúng tôi có các hoạt động thông thường ở biển Đông và đã làm những việc này trong nhiều năm”, ông Johnston phát biểu trước báo giới ở Canberra.
Đây là cuộc tập trận mang tên Bersama Shield, dựa trên kịch bản giúp Malaysia và Singapore phòng thủ. Lực lượng của Australia tham gia cuộc tập trận có tàu ngầm HMAS Rankin, tàu khu trục HMAS Perth và máy bay RAAF.
Giới lãnh đạo Úc đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông. Mới đây nhất, hôm 11/6, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop phát biểu tại Viện Lowy ở Sydney nước này cần lên tiếng phản đối nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã đề cập đến khả năng điều các phi cơ và tàu quân sự trong phạm vi khoảng 22km xung quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cải tạo. Còn về phía Nhật, Chính phủ của ông Shinzo Abe tuyên bố Biển Đông là một vấn đề quan trọng đối với lợi ích quốc gia và cân nhắc hỗ trợ hậu cần cho hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc thông qua các hoạt động giám sát, tuần tra và các kênh ngoại giao.
Sự liên kết giữa ba cường quốc Mỹ-Úc-Nhật Bản chắc chắn sẽ tạo ra một liên minh quân sự vô cùng mạnh mẽ, đối phó với sự ngông cuồng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Biển Đông không còn là tranh chấp song phương
Sự quan tâm của dư luận quốc tế cùng sự tham gia của ngày càng nhiều quốc gia vào vấn đề Biển Đông dù không phải là một bên trong tranh chấp cho thấy nó đã không còn là vấn đề giữa Trung Quốc và từng quốc gia nữa. Điều này có thể lý giải rằng Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới, chứa các tuyến đường hàng hải sống còn, bởi thế nó đã trở thành vấn đề nóng của quốc tế, điều Trung Quốc không hề mong muốn.
Một nhà báo quốc tế từng sử dụng cụm từ chiến lược "lát cắt salami" để mô tả "các hành động nhỏ, không đủ để khơi mào cho một cuộc chiến, mà nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn". Trung Quốc đang dần giành quyền kiểm soát các bãi cạn và đảo nhỏ trên Biển Đông, tăng cường sự hiện diện và củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại đây. Đặc biệt, hành động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây và cả khả năng triển khai vũ khí đến những đảo nhân tạo của Trung Quốc khiến quốc tế cực kỳ lo ngại.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố chỉ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng đàm phán trực tiếp với các bên có tranh chấp. Thế nhưng, thực tế cho thấy, với động thái của các cường quốc Mỹ, Úc, Nhật Bản và rất nhiều nước khác, kế hoạch "lát cắt salami" hay "tằm ăn lá dâu" của Trung Quốc đã thất bại.