Nhật đang tạo sợi xích nóng chặn Trung Quốc trên biển
Sau khi tự cởi trói về vấn đề giới hạn quốc phòng, Nhật Bản đang tiến tới hình thành một cộng đồng cùng chung chí hướng...
Chuỗi đảo của Nhật Bản
Thời gian qua, vấn đề Trung Quốc ngang nhiên thay đổi hiện trạng ở Biển Đông nóng trên mọi diễn đàn quốc tế. Từ đối thoại quốc phòng Shangri-La cuối tháng 5, các cuộc họp của Liên hợp quốc, cho đến Hội nghị thượng đỉnh của G7...
Những hội nghị này thể hiện dấu ấn sâu đậm của Mỹ trong vai trò đi đầu ngăn chặn sự ngang ngược, bất chấp của Trung Quốc, nhưng âm thầm sau đó, còn một quốc gia đang hoạt động vô cùng tích cực - Nhật Bản.
Không rầm rộ ở các diễn đàn quốc tế, chỉ phát biểu với tư cách vừa đủ của mình, tuy nhiên, Nhật Bản đang thể hiện một chính sách ngoại giao con thoi và thể hiện một vai trò lớn hơn trong cục diện ở Biển Đông, hay nhìn rộng ra là toàn châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó có cả biển Hoa Đông.
Song song với việc duy trì và thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ, Nhật Bản đã cho thấy họ vẫn còn nằm trong vòng bảo vệ của người đồng minh có tiềm lực quân sự bậc nhật thế giới. Chưa kể đến tiềm lực quân sự của Nhật Bản là không thua kém quốc gia nào tại châu Á.
Tiếp đến, hồi tháng 2/2015, khi thông tin mà Trung Quốc cải tạo các đảo ở Biển Đông chưa được phanh phui rầm rộ, Nhật đã tính đến việc sẽ cùng Mỹ tuần tra chung ở vùng biển này. Và kế hoạch đó được đẩy mạnh vào tháng 4/2015.
Một quan chức giấu tên của Nhật Bản đã phát biểu với Reuters rằng "nếu chúng tôi khoanh tay đứng nhìn, Biển Đông và tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới sẽ bị Trung Quốc khống chế. Đã đến lúc phải cho Trung Quốc thấy họ không phải chủ sở hữu của Biển Đông."
Ngay sau đó, một loạt bước đi được Tokyo thi triển. Trong cuộc gặp song phương với Philippines, Nhật đề nghị được tuần tra chung, tham gia các chương trình đào tạo hải quân cho quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời đề nghị được sử dụng các căn cứ quân sự chung với Philippines.
Tiếp đến, Nhật tiếp xúc với Úc, đem đến những thông điệp tương tự với một lời kêu gọi đồng minh. Tất nhiên, Canberra chẳng có lý do gì để từ chối Tokyo, bởi họ đã đứng về phe Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương này.
Và diễn biến gần đây nhất, ngày 9/6/2015, Nhật Bản cùng Úc và Ấn Độ đã có cuộc đối thoại quan trọng và Biển Đông là chủ đề nóng trong lần gặp mặt này. Kết thúc cuộc hội đàm, cả ba quốc gia đều thống nhất quan điểm về an ninh khu vực ở Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động cải tạo và nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ấn Độ cũng đồng thuận về việc nâng tầm hợp tác quân sự với hai quốc gia trong hội đàm và xem xét các kế hoạch tập trận chung.
Có thể thấy, nhân cơ hội Trung Quốc làm náo loạn Biển Đông, Nhật đã tranh thủ xây dựng cho mình một lực lượng hậu thuẫn hùng hậu trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Một điều chắc chắn, tuyến hàng hải trị giá 5.000 tỉ USD/năm qua Biển Đông sẽ bị Trung Quốc chi phối. Và người láng giềng khổng lồ này luôn coi Nhật Bản là cái gai trong mắt. Có thế nói rằng sinh mệnh của Biển Đông tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nhật.
Đó là lý do vì sao, Tokyo chủ động tạo ra một chuỗi đảo cho chính mình. Và tất nhiên, chuỗi đảo này là một phần trong mắt xích của chiến lược mà Mỹ đang tung ra để phong tỏa và kìm chế Trung Quốc.
Một điều cần chú ý, khi Washington bị ràng buộc bởi những nguyên tắc về thể chế mỗi quốc gia và tiêu chuẩn dân chủ ở quốc gia đó, thì Tokyo không hề bị tác động bởi điều này. Đó là lý do vì sao người ta sẽ cởi mở hơn với Nhật, thay vì còn nhiều e ngại đối với Mỹ.
Một thực tế đặt ra, để đạt được các thỏa thuận với từng "viên ngọc" trong chuỗi đảo của mình, Nhật Bản không thể là người bàng quan đứng ngoài cuộc. Trên hết, cũng như Mỹ, để gắn kết đồng minh, quốc gia này buộc phải chứng minh họ sẽ sát cánh cùng những người bạn.
Để làm được điều ấy, trong bối cảnh vẫn còn đó Hiến pháp trói buộc khả năng tự do quân sự, Tokyo, mà cụ thể là Thủ tướng Shinzo Abe đã từng bước tự giải phóng cho mình.
Và chiếc chìa khóa thứ ba, quan trọng nhất và cũng khéo léo nhất: Hiến chương hợp tác phát triển (sửa đổi của Hiến chương ODA). Việc sửa đổi này cho phép sử dụng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ quân đội nước ngoài trong những chiến dịch phi chiến đấu như cứu trợ thảm họa, xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển.
Theo phân tích của ông Yoichi Ishii, giáo sư danh dự tại Trường ĐH Kanagawa thì “Chính phủ nói khoản viện trợ này chỉ rót cho các mục đích như cứu trợ sau thảm họa. Cứ cho là tiền viện trợ sẽ được chi cho xe tải, trực thăng nhưng khó bảo đảm chúng chỉ dùng cho mục đích đã nêu. Rất khó để vạch ranh giới rõ ràng giữa mục đích quân sự và phi quân sự”.
Thực tế thì Nhật Bản đã viện trợ tàu tuần tra biển cho Việt Nam, Philippines. Nhật cũng đề nghị Philippines cho phép sử dụng các căn cứ không quân dưới dạng các bài tập cứu trợ thiên tai và hoạt động liên kết đào tạo khác. Trung Quốc đã từng tức tối trước thông tin này, tuy nhiên, Nhật Bản đã tự thanh minh rằng họ làm theo đúng luật pháp quốc gia của họ.
Thực tế thì khi được đặt chân đến các căn cứ không quân của Philippines, đồng nghĩa với việc máy bay của Nhật có vùng hoạt động không thua kém gì Trung Quốc mà không cần đến các tàu sân bay.
Đất Việt