Sói Xám dính vụ A321, Thổ dự mưu "đánh" Nga từ sớm?
Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đang nghi ngờ tổ chức khủng bố “Sói Xám” của Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau vụ đánh bom máy bay A321 của Nga.
FSB nghi “Sói Xám” Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ đánh bom máy bay A321
Nguồn tin từ Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 1-2-2016 cho rằng, nhóm cực đoan “Sói Xám” (Grey Wolves) của Thổ Nhĩ Kỳ có thể có liên quan, thậm chí là trực tiếp tham gia vào vụ đánh bom chiếc máy bay A-321 của hãng hàng không Nga Kogalymavia (Metrojet) hôm 31-10-2015.
Theo Kommersant, FSB tin rằng nhóm “Sói Xám”, có liên kết với Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hoạt động tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Ai Cập, có thể có liên quan đến vụ đánh bom chiếc máy bay mang số hiệu KGL-9268 của hãng hàng không Nga Metrojet.
Thảm họa lớn nhất của lịch sử hàng không Nga và Liên Xô đã xảy ra vào ngày 31 tháng 10, khi chiếc bay A321 thuộc hãng Kogalymavia rời Sharm el-Sheikh đi St. Petersburg bị rơi ở bán đảo Sinai. Toàn bộ 217 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn không một ai sống sót.
Giám đốc cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB), ông Alexander Bortnikov cho biết, nguyên nhân vụ tai nạn là một vụ tấn công khủng bố, có thể do các phần tử liên kết với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tiến hành.
Hôm 28-1, một thợ cơ khí của hãng hàng không EgyptAir và ba người khác bị nghi đã mang quả bom lên chiếc máy bay chở khách A321. Theo dữ liệu của Reuter, tay thợ cơ khí có anh trai cách đây 6 năm đã gia nhập nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS ở Syria.
Nguồn tin cho biết rằng nhà chức trách Ai Cập đã bắt giữ tay thợ cơ khí cũng như 2 cảnh sát và 1 nhân viên bốc xếp ở ga hàng không, những đối tượng có thể đã trợ giúp đưa quả bom tự chế trên cơ sở chất nổ dẻo C-4 lên giấu trong khoang máy bay.
Quả bom dưới dạng một lon Schweppes dung tích 0,33 lít chứa khoảng 200-300 gram chất nổ đã được đặt dưới một chiếc ghế ở phần cuối cabin máy bay. Theo dữ liệu sơ bộ, vụ nổ đã phá thủng một lỗ trên thân máy bay, dẫn đến xả áp đột ngột.
Cũng theo Kommersant, tổ chức khủng bố cực đoan “Sói Xám” được thành lập từ cuối những năm 1960 với mục tiêu đoàn kết tộc người Turk, dưới sự dẫn dắt của Đại tá Alparslan Turkes, người vốn rất ngưỡng mộ các tư tưởng của Aldoft Hitler và nước Đức Quốc Xã.
“Sói Xám” là một tổ chức vô cùng cực đoan, giết người hàng loạt, là một cánh của đảng Phong trào Dân tộc (MHP) cực hữu của Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức theo phương châm chủ nghĩa phát xít mới, chống cộng sản và thường tiến hành hoạt động khủng bố.
Những mờ ám trong quan hệ giữa “Sói Xám” và chính quyền Erdogan
Tổ chức dân tộc cực đoan “Sói Xám” bắt đầu nổi lên tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối những năm 1960, từng tham gia chinh chiến tại nước Cộng hòa Chechnya, phía nam Liên Xô cũ, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí tới khu vực chiến trường.
Vào những năm 1970, thời kỳ cao điểm của cuộc chiến giữa các lực lượng xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức “Sói Xám” đã giết hại hơn 2.000 người, bao gồm các thành viên công đoàn, nhà báo, nhà hoạt động phong trào người Kurd, cộng sản và cả các tổ chức không cùng chí hướng.
Năm 1980, sau cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức “Sói Xám” bị đàn áp, nhiều thành viên bị bắt, các thành viên còn lại chạy sang châu Âu. Trong giai đoạn 1970 tới 1980, đã có khoảng 1.300 thành viên của tổ chức này bị giết chết trong các cuộc đụng độ khác nhau.
Hoạt động khủng bố khét tiếng nhất của tổ chức “Sói Xám” là vụ mưu sát Giáo hoàng John Paul II do Mehmet Ali Agca, một thành viên của tổ chức này thực hiện vào ngày 13-5-1981.
Tuy nhiên, vào những năm 1990, tổ chức “Sói Xám” đã được phép hoạt động hợp pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức này có xu hướng cực đoan, phát xít mới, với kỳ vọng Ankara sẽ khôi phục lại đường biên giới xuyên châu lục như dưới thời Đế chế Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ thống trị trong khu vực. Do đó, có cùng “ý chí và nguyện vọng” với chính quyền Erdogan.
Chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mặc dù không ưa gì “Sói Xám” và liệt tổ chức này vào danh sách “lực lượng đối lập”, nhưng sẵn sàng sử dụng chúng trong cuộc chiến chống lại người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các hoạt động quân sự ở nước ngoài.
Đây là lý do khiến các thành viên cấp tiến của tổ chức “Sói Xám” trong và ngoài nước, vẫn nhận được sự trợ giúp của chính quyền Erdogan, để tiến hành các hoạt động mà Ankara không tiện nhúng tay vào.
Alparslan Celik, phó chỉ huy Lữ đoàn duyên hải số 1 của nhóm phiến quân Turkmen (gồm người Syria gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria) - kẻ tuyên bố thuộc hạ của mình đã giết phi công máy bay Su-24 Nga bị bắn rơi, là một thành viên của “Sói Xám”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã dự mưu “dằn mặt” Nga từ trước?
Vừa qua, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công khai cung cấp viện trợ quân sự cho tiểu đoàn tình nguyện Noman Celebicihan của Ukraine, trong đó chủ yếu là người Tatar Crimea, có nhiệm vụ bao vây, phong tỏa, không loại trừ trường hợp gây bạo loạn để phá hoại an ninh và đời sống nhân dân trên bán đảo.
Không những thế, vấn đề quan trọng nhất nằm ở việc cơ quan tình báo Nga đã điều tra việc các thành viên cực đoan thuộc đảng Phong trào Dân tộc cực hữu “Sói Xám” (Grey Wolves) của Thổ Nhĩ Kỳ sang hỗ trợ chính quyền Kiev.
Điều này xuất hiện từ tin, ảnh trên facebook của ông Lenur Islyamov - một trong những nhà lãnh đạo chiến dịch phong tỏa bán đảo Crimea cho biết, những người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm Bozkurtkar, Turk ulkuculeri (tức “Sói Xám”), đã tới thăm họ ở vùng phong tỏa Crimea.
Qua một số bức ảnh Islyamov chụp với một số người Thổ Nhĩ Kỳ giơ tay làm ký hiệu “đầu sói” đặc trưng của Grey Wolves, một số chuyên gia Nga cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy, chính quyền Ukraine đang “nhận viện binh từ khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ” để phong tỏa và phá hoại cuộc sống ở bán đảo Crimea.
Thêm nữa, sau vụ các tay súng Turkmen bắn chết phi công Su-24 Nga, Moscow đã nổi giận và ném bom tàn phá dữ dội vùng kiểm soát của Turkmen, đồng thời quân đội Syria cũng đánh bật nhóm này khỏi vùng kiểm soát ở bắc Latakia, chạy về Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 28-1 vừa qua, thủ lĩnh Alparslan Celik đã bỏ chạy về Istanbul. Do đó, có thể trong thời gian tới “Sói Xám” sẽ điều một số tay súng Turkmen thiện chiến đang “rảnh rỗi” đến giúp Ukraine hoàn thành ước mơ thu hồi bán đảo này và xây dựng nó thành khu tự trị của người Tatar ở Crimea.
Tiêu chí và phương thức hoạt động của “Sói Xám” được coi là tương tự như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nên sự tham dự của tổ chức khủng bố khét tiếng tàn ác của nước này ở miền nam Ukraine, giáp với Crimea là dấu hiệu hết sức nguy hiểm.
Nếu FSB xác định được đúng là “Sói Xám” có can dự vào vụ đánh bom chiếc A321 của Nga thì chứng tỏ có kẻ đã âm mưu dằn mặt Nga ngay từ cuối tháng 10 nhưng không làm giảm được nhuệ khí của Moscow nên mới dẫn đến vụ bắn rơi Su-24 vào 24-11.
Điều này cũng chứng tỏ rằng, sau khi Nga mở chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, đã có âm mưu rất lớn nhằm chống phá Nga một cách toàn diện trong các lĩnh vực từ chính trị đến quân sự, kinh tế; trên không gian trải dài từ Syria đến Crimea.
Theo Huy Bình
Đất Việt