1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sốc, giận dữ và mệt mỏi vì chiến tranh: Hai năm thống khổ của Ukraine

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Khi ngày kỷ niệm trong 2 năm chiến sự bùng nổ đến gần, sự thất thủ của Avdiivka đã mang lại cho Nga thắng lợi đầu tiên sau nhiều tháng. Ở phía Ukraine, tinh thần đang rạn nứt. Điều gì đang xảy ra?

Sốc, giận dữ và mệt mỏi vì chiến tranh: Hai năm thống khổ của Ukraine - 1

Một người dân đi phương trèo lên cây cầu bị phá hủy trong chiến sự tại làng Kukhari, vùng Kiev, Ukraine tháng 4/2022 (Ảnh: Reuters).

Avdiivka sụp đổ: Tin tức nghiệt ngã với Ukraine

Gần tiền tuyến ở vùng Donetsk của Ukraine, một con đường gập ghềnh đi qua những ngôi làng bị bỏ hoang một nửa. Nó biến thành một con đường lầy lội, ngoằn ngòeo qua những cánh đồng để cuối cùng dẫn đến một căn cứ quân sự ẩn trong rừng.

Ở đó, khi một chiếc ấm đun nước đang sôi trên lò sưởi gas, một người lính Ukraine 39 tuổi mệt mỏi, người chỉ muốn được biết đến bằng biệt danh của mình, Titushko. Anh đã nói về những vấn đề khi chiến đấu với quân Nga trong bối cảnh thiếu đạn dược nghiêm trọng giữa âm thanh của hỏa lực từ các vị trí gần đó vang vọng.

Vào tháng 11 năm ngoái, đồng đội của Titushko ở đơn vị pháo binh thuộc Lữ đoàn xe tăng số 1 của Ukraine, đã nhận được nguồn cung cấp khoảng 300 quả đạn mỗi 10 ngày, nhưng giờ đây họ chỉ có giới hạn bắn là 10 quả mỗi ngày, tức chỉ còn bằng 1/3. "Hồi đó, chúng tôi có thể bắn ngay lập tức mỗi khi nhìn thấy mục tiêu. Bây giờ chúng tôi khai hỏa chỉ nhằm phòng thủ", anh nói.

Dọc chiến tuyến, Ukraine đang trong thế phòng thủ, thiếu đạn dược cũng như binh lính. Hôm 17/2, bộ chỉ huy quân sự Ukraine tuyên bố rút khỏi Avdiivka, trao cho Nga chiến thắng có ý nghĩa lớn đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái. Các quan chức Ukraine mô tả tổn thất này là hậu quả trực tiếp của việc thiếu đạn dược từ phương Tây.

Tin tức nghiệt ngã - xảy ra ngay trước dịp kỷ niệm hai năm xung đột bùng nổ - là một dấu hiệu khác cho thấy năm thứ ba của cuộc chiến có thể là năm khó khăn nhất đối với Ukraine. Tâm trạng rất khác so với một năm trước, khi giữa nỗi kinh hoàng, người Ukraine vẫn phấn chấn trước sự đoàn kết phi thường, đồng thời mong chờ sự nhanh chóng giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát.

Ở Kiev, nhà sử học văn hóa Natalia Kryvda cho rằng sự đoàn kết đáng chú ý trong năm chiến sự đầu tiên, vốn tạo ra một bản sắc dân tộc mới mạnh mẽ và niềm tự hào là người Ukraine, đã dần phai nhạt. Bà nói: "Đó là một điều gì đó rất đẹp đẽ, nhưng tôi lo lắng rằng sự đoàn kết này đang bắt đầu rạn nứt".

 Tâm trạng lo lắng

Sốc, giận dữ và mệt mỏi vì chiến tranh: Hai năm thống khổ của Ukraine - 2

Một bức tượng trong Công viên Vinh quang vĩnh cửu ở thủ đô Kiev của Ukraine (Ảnh: Kasia Stręk/The Guardian).

Ngày 17/2, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhắc nhở Hội nghị An ninh Munich về xã hội Ukraine đã đạt được bao nhiêu trong hai năm qua: "Người Ukraine đã cầm cự được 724 ngày - 724 ngày, liệu 725 ngày trước bạn có tin rằng chúng tôi có thể?"

Nhưng với thương vong ngày càng tăng, nhân lực cũng như nguồn cung cấp pháo binh cạn kiệt trong khi viện trợ tài chính của Mỹ bị đình trệ - viễn cảnh thậm chí còn có thể xấu hơn nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống - người Ukraine đánh dấu dịp tròn 2 năm với sự lo lắng về những gì tương lai có thể xảy ra, cũng như với sự chia rẽ ngày càng rõ rệt trong xã hội.

Tại căn cứ ở vùng Donetsk, Titushko nói về cảm giác bất an mà anh cảm thấy trong hai tuần nghỉ phép ở nhà gần đây. Anh có nửa tháng rời đơn vị sau hơn 1 năm chiến đấu liên tục dưới các cuộc tấn công bằng pháo binh - không quân của đối phương hàng đêm, tránh cái lạnh mùa đông và lũ chuột khổng lồ khiến cuộc sống trong chiến hào thật bức bối.

Titushko nhận thấy cảnh tượng những người dân thường tận hưởng cuộc sống bình thường trong các quán cà phê, nhà hàng và những câu hỏi khi nhìn thấy bộ quân phục của anh thật nhức nhối.

"Họ hỏi bạn những điều ngu ngốc.. Ở đó thế nào? Bạn đã hạ gục bao nhiêu người Nga? Có bao nhiêu người trong chúng ta đã chết?", anh nói. Anh nhìn quanh cuộc sống ở quê nhà tự hỏi tại sao những người đàn ông trên đường lại không ở bên anh, trên tiền tuyến.

Ở giai đoạn này, việc tìm kiếm những người sẵn sàng chiến đấu ngày càng trở nên khó khăn hơn. Lúc trước, mọi người tích cực đăng ký nhập ngũ khi nhận thấy quân đội Ukraine thắng lợi, có thể tiến lên giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất một cách nhanh chóng. Bây giờ, việc tính toán có vẻ khác.

Kiev đã liên tục huy động quân nhân cho nỗ lực chiến đấu trong năm qua và có kế hoạch bổ sung thêm hàng trăm nghìn người trong năm tới. Một số sẵn sàng tòng quân nếu được yêu cầu, nhưng nhiều người khác lại trốn ở nhà vì sợ bị triệu tập trên đường hoặc tìm cách trốn khỏi đất nước.

"Với bản năng tự vệ, hiểu rằng chiến tranh sẽ kéo dài, không ai muốn mạo hiểm mạng sống của những người thân thiết của mình", nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko ở Kiev cho biết. "Mặt khác, chắc chắn rằng chúng tôi cần phải động viên, vì vậy đây là một tình huống phức tạp".

Ông mong đợi chính quyền sẽ giải quyết vấn đề theo từng tháng, thay vì huy động một số lượng lớn người cùng một lúc. Ông nói: "Đơn giản là không có nguồn lực để kêu gọi nửa triệu người cùng một lúc, hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đồng thời đã có vấn đề về nguồn dự trữ lao động".

Ngoài ra còn có câu hỏi về việc những người lính mới được động viên có thể chiến đấu tốt như thế nào. Một nguồn tin quân đội cho biết kế hoạch đang được tiến hành nhằm tăng thời gian huấn luyện từ một lên hai tháng, nhưng thời gian này vẫn chưa đủ để chuẩn bị cho chiến tranh chiến hào. Valentyn, phó chỉ huy đơn vị pháo binh, cho biết: "Vấn đề nằm ở tâm lý hơn là kỹ năng... Những người dân thường chưa có kinh nghiệm ra mặt trận, xa nhà và người thân quá lâu".

Hàng triệu người Ukraine không tham chiến vẫn giúp đỡ nỗ lực chiến tranh bằng công việc tình nguyện hoặc quyên góp, nhưng sự chia rẽ ngày càng đáng chú ý.

Anastasiia Shuba, một luật sư thường xuyên ra mặt trận - với tư cách tình nguyện viên để mang đồ tiếp tế cho quân đội và thăm chồng, một sĩ quan chỉ huy ở miền đông - cho biết, cô đã cắt đứt liên lạc với những người bạn dường như thờ ơ với nỗ lực chiến tranh. Sau những chuyến thăm tiền tuyến, cô nhận thấy sự tương phản ở Kiev - nơi, bất chấp các cuộc tấn công bằng tên lửa thường xuyên của Nga, các cửa hàng, nhà hàng vẫn mở cửa và đường phố nhộn nhịp - thật đáng kinh ngạc.

"Chồng tôi nói: Chính xác là anh ở đây để em cùng con có thể sống bình thường. Anh ấy bảo tôi đi mua sắm, đi nghỉ ở biển với con trai chúng tôi... Nhưng thật khó khi đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn như vậy", cô nói.

Tuy nhiên, cô không bi quan về hướng đi của cuộc chiến như nhiều người khác. "Nếu bạn tin tất cả những gì bạn đọc trên TikTok hay Instagram, thì lựa chọn duy nhất là trùm chăn và bò đến nghĩa trang... Nếu thực sự bắt đầu tin rằng chúng tôi sẽ thua, tôi sẽ suy sụp không thể đứng dậy được nữa".

Có một số điểm sáng trong bối cảnh u ám, Ukraine từng bước giành lại Biển Đen, gây cho Hải quân Nga một số tổn thất cũng như các hoạt động đặc biệt táo bạo đằng sau phòng tuyến của đối phương.

Nhưng bối cảnh quốc tế khiến khó có thể tự tin về triển vọng lâu dài cho việc giành lại lãnh thổ. EU cuối cùng đã vượt qua sự phản đối từ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và phê chuẩn gói tài trợ trị giá 50 tỷ euro, nhưng gói tài trợ khổng lồ của Mỹ vẫn bị đình trệ. Ngay cả khi nó được thông qua, ông Trump vẫn có khả năng thay đổi cục diện cuộc tranh luận chỉ bằng cách trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa chứ chưa nói đến tổng thống.

Vào năm thứ ba của cuộc xung đột, bối cảnh chính trị trong nước cũng có thể rạn nứt. Sự đoàn kết trong năm đầu tiên đã dần tan biến trong những tháng gần đây, khi các đối thủ chính trị của Tổng thống Zelensky ngày càng lên tiếng. Sự mệt mỏi hiện rõ trong xã hội cũng có thể thấy rõ trên các hành lang quyền lực. "Mọi người đều kiệt sức, cả về thể chất lẫn tinh thần, một nhà ngoại giao ở Kiev cho biết. "Ngòi nổ của mọi người đều rất ngắn".

Ông Zelensky vẫn chưa tìm được đường lối điều hành mới sau thời kỳ củng cố ban đầu, nhằm thu hút thêm nhiều người ủng hộ.

"Chỉ có hai người đưa ra quyết định ở đất nước này", một nhà ngoại giao khác nói khi đề cập đến Tổng thống Zelensky và chánh văn phòng của ông, Andriy Yermak.

Việc sa thải tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny hồi đầu tháng này được nhiều người coi là được thúc đẩy bởi tỷ lệ ủng hộ cao của tướng Zaluzhny. Sự thay đổi đã trôi qua mà không có sự phản đối đáng kể nào, với hầu hết người Ukraine hiểu rằng tình trạng bất ổn nội bộ sẽ chỉ có lợi cho Nga, nhưng nhiều người coi Zaluzhny là một thách thức tiềm năng trong tương lai đối với ông Zelensky.

Vào dịp kỷ niệm ngày 24/2, nhóm của ông Zelensky sẽ muốn nhắc nhở các nhà lãnh đạo phương Tây về những ngày đầu tiên của cuộc chiến, khi quân đội Nga tấn công Kiev và nhiều người ở phương Tây cho rằng những ngày Ukraine với tư cách một quốc gia độc lập đã sắp hết. Bất chấp phản ứng chậm chạp của phương Tây, Ukraine vẫn kiên cường, hiện nay ít người tin rằng Nga có khả năng tiến hành một cuộc tấn công mới vào thủ đô.

Thất bại của Ukraine giờ đây giống như một giấc mơ không tưởng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng chiến thắng toàn diện của Kiev - bao gồm cả việc giành lại Crimea, nơi Nga sáp nhập vào năm 2014 - cũng xa vời hơn trong thời gian tới.

Các cuộc đàm phán với Nga từ lâu đã là một chủ đề cấm kỵ, chủ yếu là vì không ai tin rằng Moscow sẽ giữ bất kỳ thỏa thuận nào và chỉ đơn giản coi đó là một khoảng dừng để thở trước khi tiếp tục quẫy đạp.

Nhưng việc chiến đấu kéo dài vô thời hạn cũng không thể bền vững. Nhà phân tích Fesenko nói: "Nếu chúng tôi có thể sống sót trong năm tới, thì có lẽ chúng tôi sẽ buộc phải đàm phán về một hình thức ngừng bắn nào đó".

Đối với nhiều người ở tiền tuyến, việc đồng ý một nền hòa bình mong manh và không hoàn hảo sẽ là một sự nhượng bộ không thể tưởng tượng được sau những nỗ lực, mất mát trong hai năm qua.

Theo The Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine