So sánh không quân Ấn Độ và Pakistan: Đối đầu trực diện sẽ nảy lửa
(Dân trí) - Mặc dù Ấn Độ và Pakistan thiếu nhiều vũ khí tối tân vốn định hình nên lực lượng không quân tốt nhất thế giới, nhưng mỗi nước đều có hàng nghìn máy bay tiên tiến và phi công lành nghề.

Hai dòng tiêm kích chủ lực gồm Su-30MKI của Ấn Độ (bên dưới) và JF-17 Thunder bên phía Pakistan (Ảnh: Militarycognizance).
Trong đợt giao tranh gần nhất giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 2019, hai bên đã tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng lực lượng không quân của họ đã có một loạt các cuộc không chiến nhỏ.
Kịch bản này dường như đang lặp lại khi rạng sáng 7/5, Không quân Ấn Độ đã tiến hành "Chiến dịch Sindoor" nhằm vào cơ sở hạ tầng của những kẻ mà họ cáo buộc là "khủng bố" tại Pakistan và khu vực Jammu & Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, nếu hai bên tiến hành không chiến, ai sẽ giành chiến thắng?
Trong mọi trường hợp, chất lượng cũng như số lượng vũ khí chưa phải là tất cả, con người thể hiện qua cách đánh (chiến thuật) và lòng quyết tâm mới là yếu tố quyết định. Dù vậy, việc so sánh sức mạnh không quân của họ với nhau dựa trên những con số là điều cần thiết.
Không quân Ấn Độ
Ấn Độ có lực lượng không quân vượt trội hơn Pakistan. Không quân Ấn Độ (IAF), với khoảng 2.300 máy bay và 135.000 quân nhân đang tại ngũ, đứng thứ 4 thế giới và thường được xếp hạng trong top 5 toàn cầu về sức mạnh chiến đấu.
IAF không có đủ năng lực hoặc vũ khí trang bị để theo kịp Không quân Mỹ, nhưng lực lượng này vẫn được trang bị nhiều máy bay chiến đấu hiện đại.
IAF vẫn chưa có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, tương tự như Pakistan. Những gì IAF nắm trong tay là nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đáng tin cậy, chủ yếu là hàng nhập khẩu và được sản xuất theo giấy phép từ Nga và Pháp, gồm: Rafale (36 chiếc) và Mirage 2000 (46 chiếc) của Pháp hay Su-30MKI (259 chiếc), MiG-29 (59) và MiG-21 (40) do Liên Xô/Nga chế tạo. IAF cũng vận hành máy bay chiến đấu nội địa của riêng mình, HAL Tejas (35 chiếc).
Mặc dù có một phi đội máy bay chiến đấu mạnh mẽ, IAF vẫn có một số thiếu sót rõ ràng. Đáng chú ý là không có máy bay nào của IAF có khả năng tàng hình, khiến việc tham gia vào các hoạt động tấn công trong không phận của đối phương trở nên cực kỳ khó khăn.
Thật vậy, trong các cuộc đụng độ năm 2019, một chiếc MiG-21 của Ấn Độ đã bị bắn hạ trên không phận Pakistan sau một cuộc không chiến với chiến đấu cơ đối phương.
Đáng chú ý là IAF không có máy bay ném bom chiến lược. Điều này hạn chế khả năng khẳng định mình trong bất kỳ chiến dịch tấn công nào. Tóm lại, IAF từ lâu đã được hiệu chỉnh theo hướng phòng thủ hơn là tấn công, khiến việc tiến hành một cuộc tập kích vào Pakistan trở nên khó khăn.

Hai dòng tiêm kích chủ lực gồm Su-30MKI của Ấn Độ (bên dưới) và F-16 bên phía Pakistan (Ảnh: LongShot).
Không quân Pakistan
Pakistan có phi đội máy bay quân sự lớn thứ 7 trên thế giới. Và mặc dù quy mô phi đội không nhất thiết tương đương với hiệu quả, nhưng Không quân Pakistan (PAF) thường được coi là có 1 trong 10 lực lượng hàng đầu thế giới.
Với 1.434 máy bay quân sự và khoảng 70.000 quân nhân đang phục vụ, PAF nhỏ hơn so với đối thủ Ấn Độ của mình, nhưng giới chuyên gia cho rằng chắc chắn quy mô đó đủ để bảo vệ lãnh thổ Pakistan một cách thuyết phục.
Đội bay PAF hùng mạnh nhất là 75 chiếc F-16 Fighting Falcon, được nhập khẩu từ Mỹ. F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 huyền thoại với khả năng đa nhiệm. Tuy không được trang bị công nghệ tàng hình, nhưng nó đã chứng minh được khả năng chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và áp chế phòng không đối phương (SEAD).
Ngoài F-16, PAF sử dụng tiêm kích thế hệ thứ 4 Chengdu J-10 Vigorous Dragon (20 chiếc) và JF-17 Thunder (156 chiếc) mua từ Trung Quốc. Các loại chiến đấu cơ và cường kích khác của PAF kém ấn tượng hơn, chủ yếu gồm máy bay nhập khẩu từ Pháp và Trung Quốc. Cả hai dòng Mirage 5 (78 chiếc) và Mirage III (58 chiếc) đều thuộc thế hệ thứ 3, lần đầu tiên bay vào năm 1967 và 1958, vẫn nằm trong biên chế của PAF.
Giống Ấn Độ, PAF thiếu cả máy bay tàng hình lẫn máy bay ném bom chiến lược, khiến các cuộc tấn công vào lãnh thổ đối phương trở nên khó khăn, đặc biệt là khi Ấn Độ sở hữu các hệ thống đánh chặn tinh vi như tên lửa phòng không tầm xa S-400.
Mặc dù Ấn Độ và Pakistan thiếu nhiều vũ khí trang bị tiên tiến định hình nên lực lượng không quân tiên tiến nhất thế giới, mỗi nước đều có lực lượng không quân lớn gần tương đương nhau, nên một khi giao chiến, chắc chắn đôi bên sẽ có thiệt hại nặng.
Một yếu tố phức tạp khi bùng nổ cuộc đối đầu trên không giữa Ấn Độ và Pakistan là cả 2 quốc gia đều có máy bay có thể triển khai vũ khí hạt nhân, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu bị mất kiểm soát.