Số phận sắc lệnh di trú của Trump sẽ đi về đâu?
Ngày 9/2/2017, Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 đã ra phán quyết bảo lưu đình chỉ thi hành sắc lệnh di trú mà Tổng thống Donald Trump ký.
Điều này cũng có nghĩa là bước lùi đối với chính quyền của ông Trump, vì tòa bác đơn kháng án của chính quyền Trump nhằm khôi phục sắc lệnh cấm nhập cư đối với công dân bảy quốc gia Hồi giáo mà ông ký hôm 27/1/2017.
Theo Reuters, ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 đều nhất trí cho rằng chính quyền Trump đã không thể đưa ra bất kỳ chứng cứ nào thuyết phục nhằm khôi phục lệnh cấm nhập cảnh vì lý do an ninh quốc gia.
Phiên tòa bảo lưu quyết định của thẩm phán liên bang James Robart (của Tòa án Liên bang thuộc Địa hạt phía Tây bang Washington) hôm 3/2, tạm dừng thi hành sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump, nhưng chưa giải quyết vụ kiện.
Phán quyết của tòa phúc thẩm chỉ liên quan tới việc ngừng thi hành khẩn cấp sắc lệnh của Tổng thống Trump mà thẩm phán James Robart ban hành hôm 3/2.
Về số phận của sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump, tòa phúc thẩm cho biết họ cần thêm các chi tiết để ra quyết định.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu lại phán quyết của tòa và sẽ có phương án sau đó. Trong tương lai, Bộ này có thể đề nghị tòa xem xét lại phán quyết, hoặc đệ trình vụ kiện lên Tối cao Pháp viện.
Trước đó, ngày 30/1, Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson kiện Tổng thống Trump lên Tòa án Liên bang thuộc Địa hạt phía Tây bang Washington. Nội dung đơn kiện bao gồm đề nghị tuyên sắc lệnh của Tổng thống Trump là vi hiến, cụ thể vi phạm các Tu chính án số 1 (quyền tự do tôn giáo), số 5 (chuẩn mực tố tụng), và số 14; vi phạm các đạo luật liên bang. Trong lúc đơn kiện được thụ lý, ông Ferguson đề nghị tòa ra lệnh đình chỉ thi hành sắc lệnh của Tổng thống trên toàn quốc.
Số phận sắc lệnh gây tranh cãi và chia rẽ
Phản ứng sau phán quyết của tòa phúc thẩm, ông Trump đã nổi giận và đăng tin trên Twitter: “Hẹn gặp lại các vị tại tòa, an ninh đất nước đang lâm nguy!”.
Hai trong số ba thẩm phán của Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 được Tổng thống Jimmy Carter và Barack Obama bổ nhiệm; vị còn lại được Tổng thống George W. Bush (con) bổ nhiệm.
Chính phủ Trump có thể yêu cầu Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 mở rộng thêm danh sách hội thẩm để nghiên cứu về quyết định của tòa, hoặc kháng án trực tiếp lên Tối cao Pháp viện (Tòa án Tối cao) để định đoạt kết quả cuối cùng của vụ kiện.
Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Kellyanne Conway trả lời trên Fox News: “Đây chỉ là phán quyết tạm thời và chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng, giờ đây chúng tôi sẽ ra tòa và có cơ hội tranh luận về vấn đề mà chúng tôi sẽ chiếm ưu thế”.
Nếu như chính quyền Trump kháng án lên Tối cao Pháp viện, họ cần tới 5 trong số 8 thẩm phán của tòa này bỏ phiếu thuận để giành phần thắng. Đây dường như là một đòi hỏi quá cao so với thực tế, vì thông thường các phán quyết của tòa luôn chia đều ở mức 4-4 giữa hai bên cấp tiến và bảo thủ. Điều này có nghĩa là chính quyền Trump cần giành được ít nhất một phiếu từ phía các thẩm phán theo hướng cấp tiến.
Hiện nay, tại Tối cao Pháp viện Mỹ có 4 thẩm phán theo xu hướng cấp tiến, bao gồm Elena Kagan, Sonia Sotoyayor, Ruth Bader Gingsburg, Stephen Breyer; 2 thẩm phán bảo thủ ôn hòa gồm Anthony Kennedy và John Roberts; 2 thẩm phán còn lại theo xu hướng bảo thủ là Clarence Thomas, Samuel Alito. Vị trí thẩm phán còn lại vẫn còn khuyết.
Tổng thống Trump đã đề xuất thẩm phán trẻ tuổi và bảo thủ Neil Gorsuch bổ khuyết vị trí này. Tuy nhiên, phe Dân chủ đã lên kế hoạch cản trở việc thông qua ứng cử viên Gorsuch. Một trong những nguyên nhân là vì trước đó, Tổng thống Obama muốn đề cử thẩm phán theo hướng ôn hòa Merrick B. Garland, nhưng đã bị đảng Cộng hòa cố tình trì hoãn đề cử này trong một năm liền.
Trước mắt, với danh sách này (dù còn khuyết một ghế), nhiều người cho rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện khó có xu hướng thay đổi đột ngột hoặc đáng kể so với các chiếu hướng ý thức hệ trước đó, như dưới thời chính quyền Tổng thống Obama.
Về nguyên tắc, các thẩm phán trong Tối cao Pháp viện có nhiệm kỳ đến hết đời. Tuy vậy, về lâu dài, Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa có thể thắng thế, khi mà hai thẩm phán Ginsburg và Breyer đều đã rất cao tuổi. Trong trường hợp bất kỳ vị nào không thể tiếp tục công việc, chính quyền Trump hoàn toàn có thể đề xuất ứng cử viên có lợi cho họ, và việc phê chuẩn không gặp phải quá nhiều trở ngại khi đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát lưỡng viện.
Theo Lê Thu
Vietnamnet