1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Số phận "long đong" của Su-33 trong vai trò tiêm kích trên tàu sân bay Nga

Đầu những năm 2000, Su-33 nổi bật vào với vai trò máy bay chiến đấu trên tàu sân bay uy lực nhất của Nga. Tuy nhiên sau đó, Su-33 bị lu mờ bởi một đối thủ nhỏ hơn và linh hoạt hơn.

Số phận long đong của Su-33 trong vai trò tiêm kích trên tàu sân bay Nga - 1

Một chiếc Su-33 cất cánh từ tàu Đô đốc Kuznetsov ở biển Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria, ngày 10/1/2017 (Ảnh: TASS/Getty Images).

Trong giai đoạn sau của Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia Liên Xô đã lên kế hoạch về một nền tảng uy lực mới để bảo vệ biên giới Á-Âu rộng lớn của Liên Xô, đồng thời cạnh tranh với các nhóm tấn công tàu sân bay của NATO: "tàu tuần dương hàng không hạng nặng", hoặc sự lai tạo giữa tàu sân bay và thiết giáp hạm được trang bị vũ khí hạng nặng.

Ban đầu, các tàu tuần dương hạng nặng này mang theo máy bay chiến đấu Yak-38 VTOL (cất cánh thẳng đứng). Tuy nhiên, Yak-38 đã được cho "nghỉ hưu" ngay lập tức vì hiệu suất kém và có nhiều vấn đề kỹ thuật.

Hải quân Liên Xô đã tìm kiếm một giải pháp mới, có khả năng hoạt động hiệu quả hơn trên tàu sân bay, với tầm hoạt động xa hơn và khả năng chịu tải lớn hơn cho các nhiệm vụ cường độ cao.

Từ bảo bối trở thành kẻ thất thế

Vào cuối những năm 1970, Liên Xô quyết định phát triển một loại biến thể khác của Su-27 Flanker. Ban đầu được đặt tên là Su-27K, biến thể mới này sau đó được đổi tên thành Su-33 khi chính thức ra mắt vào mùa hè năm 1998.

Mặc dù bề ngoài có những điểm giống nhau, nhưng trên thực tế Su-33 có nhiều thay đổi so với Su-27: gầm được gia cố, thiết bị hạ cánh chắc chắn, cánh gập, sải cánh lớn hơn đáng kể và động cơ AL-31F3 mạnh hơn một chút.

Những đặc điểm thiết kế này phù hợp với không gian và đường băng nhỏ hơn trên tàu sân bay. Dù kho vũ khí cũng khá giống với Su-27, nhưng Su-33 nổi bật hơn ở khả năng tương thích với tên lửa chống hạm Kh-41/Kh-31.

Mặt khác, Su-33 có vẻ hơi lớn để có thể hoạt động linh hoạt trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Dù được trang bị tên lửa chống hạm, nhưng không ai có thể phủ nhận Su-33 vẫn là một tiêm kích chủ yếu tấn công trên không.

Cũng giống như "người anh em" Su-27, việc không thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tấn công mặt đất đã làm giảm đáng kể giá trị hoạt động của Su-33 trong vai trò là máy bay chiến đấu chủ lực trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Năm 2009, hải quân Nga quyết định thay thế 30-35 chiếc Su-33 hiện đang biên chế bằng MiG-29K cạnh tranh hơn và giá rẻ hơn. Về mặt nào đó, việc chuyển đổi từ Su-33 sang MiG-29K được xem là "hạ cấp", nhất là vì Su-33 có phạm vi hoạt động và khả năng cơ động cao hơn đáng kể so với MiG-29K.

Tuy nhiên, MiG-29K lại hiệu quả hơn trong khả năng cường kích (tấn công mặt đất) và đa nhiệm với khả năng mang cả tên lửa phòng không và bom dẫn đường.

Số phận long đong của Su-33 trong vai trò tiêm kích trên tàu sân bay Nga - 2

Su-33 (trái) và MiG 29K (phải) trên tàu Đô đốc Kuznetsov ở biển Địa Trung Hải, ngày 8/1/2017 (Ảnh: TASS/Getty Images).

Ngoài ra, MiG-29K được trang bị hệ thống đối kháng điện tử (ECM), công nghệ quan sát thấp và radar đa chức năng Zhuk-M tương đối tinh vi để có khả năng tấn công mặt đất mạnh mẽ hơn đáng kể.

Su-33 có trở lại?

Một số máy bay chiến đấu Su-33 được cho là đang trong quá trình nâng cấp để biến nó trở thành máy bay chiến đấu đa năng hiệu quả hơn.

Hiện vẫn chưa rõ phạm vi và thời hạn của gói nâng cấp này. Tuy nhiên tương lai của Su-33 vẫn gắn bó chặt chẽ với tàu sân bay duy nhất của Nga, tàu Đô đốc Kuznetsov hiện đang được đại tu và tái trang bị sau 2 vụ tai nạn thảm khốc trong vài năm qua.

Theo Business Insider, quá trình tân trang tàu Đô đốc Kuznetsov bao gồm cải tiến sàn đáp hiệu quả và đáng tin cậy hơn, có khả năng triển khai cả các biến thể Su-33 và MiG-29K mới nhất.