Cách Myanmar ứng xử với tiền bạc Trung Quốc
Đảng NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ phải cân bằng nguồn vốn đầu tư từ TQ với đòi hỏi của cử tri về một bộ máy trong sạch.
Myanmar sẽ chào đón đầu tư từ Trung Quốc?
South China Morning Post ngày 4/12 bình luận, chính phủ mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ phải cân bằng giữa nhu cầu vốn đầu tư từ Trung Quốc, với đòi hỏi của cử tri về một bộ máy chính quyền trong sạch hơn sau nhiều thập kỷ...
Sean Turnell, một nhà kinh tế học Đại học Macquarie từ Úc và là cố vấn của bà Aung San Suu Kyi cho hay: "Đầu tư từ Trung Quốc sẽ được chào đón. Tôi không nghĩ NLD sẽ thù địch với nó, nhưng mọi thứ sẽ được tổ chức với tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với trước đây."
Năm 2011 chính quyền bán quân sự thời Tổng thống Thein Sein đã đình chỉ việc xây dựng đập Myitsone, một dự án gây tranh cãi do Trung Quốc tài trợ và được thực hiện bởi nhà thầu Trung Quốc. Động thái này được xem như gáo nước lạnh dội vào Trung Quốc vốn cần Myanmar như một đối tác địa chiến lược quan trọng.
Bà Aung San Suu Kyi đang có sự ủng hộ sẵn có rất lớn từ quần chúng
Nhiều người xem động thái này là dấu hiệu Myanmar đang kéo mình ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc và mở ra cánh cửa cho phương Tây sau nhiều thập kỷ bị cô lập.
Michael Davis, giám đốc châu Á của tổ chức Global Witness cho biết: Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar vẫn chưa phục hồi hoàn toàn kể từ đó. Việc Myanmar ngừng hoạt động của dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung do một công ty nhà nước Trung Quốc làm chủ thầu đã bồi thêm nỗi thất vọng sâu sắc của Bắc Kinh.
Trong năm 2014 Myanmar quyết định từ bỏ một dự án lớn do Trung Quốc đề xuất, tuyến đường sắt nối Vân Nam với bang Rakhine tổng trị giá 20 tỉ USD. Mặc dù có những thất bại liên tiếp, Trung Quốc vẫn là nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp của Myanmar.
Trong 4 năm qua, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã lúng túng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thay thế. Chính phủ mới của NLD sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn trước những gì người tiền nhiệm chưa làm được.
Sun Yun, một chuyên gia từ chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson, Hoa Kỳ nhận xét: Tổng thống Thein Sein và chính phủ của ông đã phải có một vài cử chỉ với Trung Quốc trước áp lực ông phải chứng minh cho người dân thấy, mình đứng về phía họ chứ không phải nhà thầu Trung Quốc.
Nhưng với bà Aung San Suu Kyi đang có sự ủng hộ sẵn có rất lớn từ quần chúng, bà sẽ có không gian linh hoạt để xử lý mối quan hệ Myanmar - Trung Quốc trên quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của mình.
Bắc Kinh chuyển hướng tiếp cận bà Aung San Suu Kyi
Trung Quốc được xem đã gắn kết từ lâu với chính quyền do quân đội hậu thuẫn tại Myanmar. Việc bầu cử quốc hội kết thúc với chiến thắng dành cho đảng của bà Aung San Suu Kyi, đã buộc Bắc Kinh phải chuyển hướng tiếp cận để tìm kiếm sự ủng hộ khăng khít từ đất nước láng giềng.
Ngày 13/11, phát biểu sau chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã để ngỏ khả năng tìm kiếm quan hệ hợp tác với chính quyền mới của Myanmar.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng sự hỗ trợ của mình, duy trì mối quan hệ bè bạn cũng như các mối quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi với phía Myanmar", ông Hồng Lỗi tuyên bố.
Trước đó 2 ngày tại thành phố Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này hoàn toàn tin tưởng Myanmar sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao thân thiện hữu hảo với Trung Quốc.
Bình luận này được đưa ra ngay sau khi Myanmar tiến gần tới đích công bố chính thức kết quả bầu cử quốc hội, với chiến thắng đang được tiên lượng cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Ông Nghị cũng chia sẻ với người đồng cấp Myanmar, U Wunna Maung Lwin rằng, Bắc Kinh "hài lòng" khi cuộc bầu cử tại Myanmar diễn ra thuận lợi.
Ông Nghị không quên nhấn mạnh rằng, "là một hàng xóm tốt, Trung Quốc thành thực mong muốn chứng kiến một Myanmar ổn định, hòa hợp, phát triển và thống nhất, các đảng phái cùng chung mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, cùng tìm ra con đường phát triển phù hợp cho quốc gia này".
Trung Quốc từng trải thảm đỏ hoan nghênh chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi hồi tháng 6. (Ảnh: AP)
Còn nhớ, hồi tháng 6 khi bà Aung San Suu Kyi sang thăm Trung Quốc trong một chuyến thăm chính thức kéo dài 5 ngày, chính quyền Bắc Kinh đã trải thảm đỏ chào mừng. Thậm chí cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng lên kế hoạch tiếp kiến.
Hành động này của Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị sẵn từ trước và mang đậm màu sắc chính trị. Bởi lẽ trước đó Trung Quốc và chính quyền cựu tổng thống Thein Sein vốn nảy sinh nhiều bất đồng, mâu thuẫn và căng thẳng cả về ngoại giao lẫn quân sự.
Khi nghênh tiếp bà Aung San Suu Kyi, Trung Quốc muốn bảo tồn quyền lợi của mình, vì Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà được dự đoán là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Miến Điện vào tháng 11 sau đó.
Khi tiếp đón lãnh tụ đối lập Myanmar, Trung Quốc cũng muốn chống lại chiến dịch chiêu dụ Myanmar của Hoa Kỳ, qua đó bảo vệ vùng ảnh hưởng của mình.
Theo Hồ Nam (Tổng hợp)
Đất Việt