Số phận bi thảm của các tàu sân bay-biểu tượng sức mạnh Mỹ - Kỳ 1
Các tàu sân bay của Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao của chúng là những “ông hoàng” trên các vùng biển, vượt trội hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trên thế giới. Chúng là biểu tượng về sức mạnh trên biển của Mỹ, trị giá hàng triệu USD, có thể mang theo hàng nghìn thủy thủ và nhân viên.
USS Constellation (CV-64)
Đây là tàu sân bay mới nhất phải đối mặt với tình trạng gây tranh cãi. Vào tháng 7 vừa qua, Hải quân Mỹ công bố rằng họ có kế hoạch trả công ty Shipbreaking International ở Texas 3 triệu USD để tháo dỡ con tàu trên. Theo tờ Kitsap Sun, Hải quân Mỹ đã quyết định điều này khi USS Constellation ngốn khá nhiều tiền để trở thành một viện bảo tàng và không một nước nào quan tâm đến việc mua lại con tàu nặng 61.981 tấn, dài 328m này.
USS Constellation (CV-64). Ảnh: US Navy
USS Saratoga
Tháng 5/2014, Hải quân Mỹ đã bán rẻ USS Saratoga (CV-60) - một tàu sân bay phi hạt nhân thời kỳ chiến tranh Việt Nam - cho Tập đoàn Hàng hải ESCO để làm phế liệu. Saratoga ra khơi lần đầu tiên năm 1955. Nó nặng 61.235 tấn và có chiều dài 325m.
USS Saratoga trở về sau chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq. Ảnh: US Navy
Saratoga và Constellation chỉ là 2 tàu mới nhất trong một danh sách dài các tàu sân bay ngừng hoạt động, chiếc đầu tiên ngừng hoạt động là tàu sân bay ra đời trong những năm 1920.
USS Langley (CV-1)
Langley chiếc tàu sân bay đầu tiên bị cho “về vườn”. Ban đầu, tàu này được xây dựng như một tàu chở than và còn gọi là USS Jupiter (AC-3), sau đó nó được chuyển đổi trở thành tàu sân bay nặng 19.670 tấn, dài 165m và được đặt tên là CV-1 vào năm 1920.
USS Langley (CV-1) năm 1926. Ảnh: US Navy
Là một mẫu thử nghiệm tàu sân bay, Langley đã được sử dụng cho các thí nghiệm khác nhau với các khái niệm về hàng không hải quân, và vào năm 1922 một chiếc máy bay Vought VE-7SF Bluebird cánh kép cất cánh thành công từ boong tàu sân bay này. Langley hoạt động đến ngày 27/2/1942 thì bị thải loại do bị tổn hại nghiêm trọng sau khi máy bay Nhật ném bom và đánh đắm.
USS Lexington (CV-2)
Hải quân Mỹ bắt đầu chế tạo chiếc tàu này vào năm 1922 và đi vào hoạt động năm 1925. Lexington nặng 37.000 tấn và dài khoảng 276m, có khả năng mang theo 78 máy bay chiến đấu.
USS Lexington (CV-2) năm 1929.
Đây là tàu sân bay đầu tiên được thiết kế nhằm đối phó với các vụ đánh bom kiểu trận Trân Châu Cảng của Nhật Bản bằng cách mang theo các máy bay để săn lùng máy bay của Nhật Bản. 6 tháng sau, CV-2 đã bị ngư lôi của Nhật Bản đánh chìm trong trận Coral Sea.
USS Saratoga (CV-3)
Saratoga được chuyển đổi thành một tàu sân bay từ một tàu chiến vào năm 1922. Không giống CV-2, CV-3 đã tồn tại sau nhiều lần bị Nhật Bản tấn công trong Chiến tranh Thế giới 2. Tuy nhiên, con tàu này lại bị đánh chìm bởi chính quân đội Mỹ.
USS Saratoga (CV-3).
Trong các vụ thử nghiệm bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini vào tháng 7/1945, “áp lực không khí” của vụ thử đầu gây ra ít thiệt hại, nhưng sau đó một quả bom được thử nghiệm dưới nước khiến con tàu chìm nghỉm. Giờ đây Hôm nay Saratoga là một điểm đến hấp dẫn đối với các thợ lặn.
USS Ranger (CV-4)
Đây cũng là một trong số ít các tàu sân bay may mắn “sống sót” trong Chiến tranh Thế giới 2. Ra mắt vào năm 1933, Ranger là chiếc tàu sân bay đầu tiên được chế tạo hoàn toàn thay vì bị chuyển đổi từ một dạng thân tàu khác. Chiếc tàu này nặng 14.500 tấn, dài 234m và có thể mang tới 86 máy bay P-40.
USS Ranger (CV-4) năm 1944.
Năm 1942, CV-4 đã giúp quân đồng minh phát động một chiến dịch Bắc Phi từ bờ biển của Marốc và sau đó tấn công các tàu vận tải biển của Đức gần Na Uy. Cuối cùng, Ranger bị bán cho công ty đóng tàu Sun và Drydock để rỡ bỏ vào tháng 1/1947.
USS Yorktown (CV-5)
Yorktown đã được đưa vào hoạt động năm 1936 với trọng lượng 19.800 tấn, dài 246m, với thiết kế để chứa 90 máy bay. Vào tháng 1/1942, Yorktown đã tham gia chiến đấu trong các cuộc tấn công Marshall-Gilbert.
USS Yorktown (CV-5) bị hư hỏng nặng trong trận Midway.
(Còn tiếp)
Theo Công Thuận