1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sóng thần tấn công đảo Solomon

Số người thiệt mạng vẫn tiếp tục tăng

(Dân trí) - Xác chết nổi lềnh bềnh trên biển, và hàng ngàn người dân phải ngủ ngoài trời sau khi sóng thần bất ngờ ập vào các làng ven biển của đảo Solomon hôm qua, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng. Số người chết vẫn tiếp tục tăng.

Được biết một đợt sóng cao tới 15m đã tấn công hòn đảo Choiseul và quét sâu vào trong đất liền khoảng 500m. Những đợt sóng nhỏ hơn, nhưng cũng không kém phần hung hãn, ập vào phía tây của quần đảo nghèo Solomon, gây tổn thất lớn và khiến hàng ngàn người mất nhà cửa.

 

Theo Cơ quan khảo sát địa lý Mỹ, sóng thần bắt nguồn từ trận động đất mạnh 8,0 độ, xảy ra vào lúc 7h39 sáng ngày hôm qua 2/4 dưới lòng đại dương, cách hòn đảo Gizo, tây Solomon khoảng hơn 40km.

 

Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử hơn 3 thập kỷ qua của Solomons. Ngay sau đó, cảnh báo sóng thần đã được đưa ra từ Tokyo đến Hawaii; các bãi biển dọc bờ biển phía đông Australia cũng buộc phải đóng cửa. Và người ta phải xếp phao cứu hộ thành những mảng chắn sóng để bảo vệ khu bãi biển Bondi nổi tiếng của Sydney.

 

Tuy nguy hiểm qua nhanh, nhưng các nhà chức trách từ chối cho rằng họ đã hành động quá thận trọng. Bởi họ rút kinh nghiệm từ bài học thảm hoạ sóng thần năm 2004, cướp đi sinh mạng của 230 ngàn người của hàng chục nước.

 

Tối qua, 4.000 người dân đã phải cắm trại trên một ngọn đồi phía sau Gizo, một thị trấn với khoảng 7.000 người, Alex Lokopio, người đứng đầu tỉnh Phía Tây, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho biết. Do ở gần với tâm chấn nên Gizo không kịp nhận được cảnh báo trước khi sóng thần ập đến. 

 

Nước đã rút, nhưng tổ chức Chữ thập đỏ thống kê khoảng 500 ngôi nhà đã bị tàn phá, khiến 2.000 người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều người đã quá sợ hãi. Họ không dám trở lại bờ biển sau khi có hơn hai chục cơn rung chấn nối tiếp.

 

Theo thông tin ban đầu của tổ chức Chữ thập đỏ, các hòn đảo khác của Solomon cũng phải gánh chịu hậu quả tương tự. Cơ sở hạ tầng như đường điện thoại, điện sinh hoạt, bị phá huỷ nặng nề.

 

Hiện công tác cứu hộ đã bắt đầu được triển khai. Nước sạch và thức ăn tạm đã được đưa đến một số khu vực bị ảnh hưởng. Thủ tướng Solomon ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và kêu gọi được hỗ trợ.

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết một đội cứu trợ nhân đạo đã sẵn sàng tới đảo Solomon để hỗ trợ chính phủ nước này. Australia cam kết viện trợ 1,6 triệu USD, và sẽ gửi trực thăng đến để cứu hộ. Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cũng sẽ hỗ trợ 53.000USD cho tổ chức Chữ thập đỏ Solomon.

 

Đảo Solomon gồm hơn 200 hòn đảo với dân số khoảng 552.000 người, nằm trên bình địa Thái Bình Dương, được mệnh danh là "Vành đai lửa". Đây là vành đai của những ngọn núi lửa và những đường gãy nên thường xuyên xảy ra động đất.

 

Trong lịch sử Solomon đã phải hứng chịu rất nhiều trận động đất mạnh. Năm 1971 xảy ra hai trận động đất mạnh 8,0 và 8,1 độ. Còn năm 2003 xảy ra một trận động đất mạnh 7,3 độ.

 

PV

Theo AP