1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sợ ly dị, đàn ông Nhật học cách nói “Anh yêu em”

(Dân trí) - Để cứu vãn cuộc hôn nhân đang có nguy cơ đổ vỡ, nhiều nam trung niên Nhật đã quên đi sự xấu hổ, dũng cảm đứng giữa chốn đông người để cam kết sửa đổi tật xấu và học cách nói “Anh yêu em” - lời ngọt ngào mà họ đã quên từ bấy lâu nay.

Người Nhật Bản vốn không có thói quen nói về cuộc sống riêng tư của họ, vì thế mà chuyện những người đàn ông này cố gắng đứng dậy và thề nguyện với vợ trước công chúng là điều hiếm thấy.

Một người đàn ông ăn vận chỉnh tề thú tội vào một ngày chủ nhật gần đây ở Shimbashi, Tokyo: “Anh xin lỗi anh thường quên đậy nắp bệ xí”.

 

Một người khác nói với vợ anh ta giữa đám đông những người qua đường tò mò: “Anh đứng đây tuyên bố với em rằng anh sẽ không tới quán bar nữa”.

 

20 nam giới đã tham gia tham gia vào một “cuộc mít tinh” để hô vang những khẩu hiệu của họ: “Đừng do dự khi nói “cảm ơn”, đừng sợ sệt khi nói “xin lỗi”, đừng ngại ngùng khi nói “anh yêu em”. Đây là sáng kiến của ông Shuichi Amano, tổng biên tập một tờ báo ở Fukuoka, thành phố thuộc miền nam Nhật Bản và là người sáng lập ra tổ chức Hiệp hội những người đàn ông vô sinh. Hiệp hội tập hợp những thành viên đồng cảnh ngộ lại với nhau để trao đổi kinh nghiệm hôn nhân.

 

Ông Amano thành lập tổ chức này vào năm 1999 khi ông cảm thấy cần thiết phải làm một điều gì đó để cứu vãn cuộc hôn nhân của chính mình khỏi nguy cơ đổ vỡ sau 20 năm chung sống. Khi đó, ông Amano đang ở độ tuổi xấp xỉ 50 và nhận thấy rằng nhiều bạn bè cùng giới cũng đang đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ hôn nhân và ly dị.

 

Ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản muốn ly dị khi người chồng về hưu. Mục đích của họ là để chấm dứt những vấn đề tồn tại từ lâu gây ra do những khác biệt giữa hai vợ chồng cũng như sự lười biếng của người đàn ông trong gia đình.

 

Sợ ly dị, đàn ông Nhật học cách nói “Anh yêu em” - 1

 Các ông chồng đang đứng ngoài trời và hô vang các khẩu hiệu "thần chú" mà họ cho là sẽ giúp bảo vệ cuộc hôn nhân của họ.

 

Theo sáng kiến của ông Amano, để cứu vãn nguy cơ hôn nhân đổ vỡ, người đàn ông trong gia đình phải thay đổi để làm hài lòng vợ. “Chúng tôi phải chứng minh khả năng thay đổi chính mình vì gia đình. Hôn nhân giống như một cuộc thi ba môn phối hợp. Thắng hay thua không quan trọng mà bạn phải vượt qua mọi trở ngại trên đường để hoàn thành cuộc thi”, ông Amano tâm sự.

 

Ông Amano đã cố gắng nỗ lực hết mình để làm hài lòng vợ như giặt quần áo, rửa bát và ông công nhận là phải giả vờ lắng nghe thậm chí khi vợ nói những câu chuyện mà ông không cảm thấy hứng thú.

 

Qua rất nhiều các cuộc phỏng vấn với phụ nữ, ông Amano nhận ra rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp nếu người chồng biết cách nói “3 cụm từ thần chú”: Cảm ơn, Xin lỗi và Anh yêu em một cách thường xuyên hơn.

 

Teruo Manabe, 67 tuổi, người gần đây đã tham gia hiệp hội cho biết ông đã học được cách khen vợ trước mặt người khác. Bà Shinko Manabe, vợ ông Teruo, đã nhận thấy những thay đổi từ người chồng: “Giờ thì ông ấy thường nói cảm ơn và cũng bắt đầu nói xin lỗi nhưng tôi vẫn chưa nghe thấy ông ấy nói yêu tôi”.

 

Ly dị ngày càng trở thành bình thường trong xã hội Nhật Bản mặc dù tỉ lệ này vẫn thấp hơn hầu hết các nước phương Tây. Tỉ lệ ly dị ở tuổi trung niên đặc biệt gia tăng, khoảng 42.000 cặp vợ chồng kết hôn hơn 20 năm đã “đường ai nấy đi” trong năm 2002 - cao gấp 3 lần so với 3 thập kỷ trước.

 

Năm nay, luật pháp Nhật Bản đã sửa đổi, cho phép phụ nữ về hưu có quyền hưởng một phần lương hưu của chồng cũ. Hệ thống lương hưu của Nhật Bản lại đang bị áp lực ngày càng tăng do dân số nước này già đi nhanh chóng trong khi nhiều bạn trẻ lại thích lập gia đình muộn.

 

Ông Amano cho rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ nhiều nam giới Nhật Bản lớn tuổi tin rằng họ sinh ra là để trở thành người lao động chính trong gia đình và các bà vợ, giống như mẹ của họ, nên chăm sóc nhà cửa mà không được phàn nàn. Hơn 80% phụ nữ Nhật đã kết hôn cho biết họ phải làm hầu hết công việc nhà như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Điều này đã tạo ra những áp lực cho người vợ và làm nảy sinh những bất đồng.

 

Ông Amano cho biết, giới trẻ tại Nhật Bản đang học tập và làm việc trong những môi trường mà phụ nữ với nam giới đều bình đẳng. Nhưng cũng theo ông Amano, sự thay đổi thực sự trong xã hội sẽ không diễn ra nếu không có sự thay đổi trong chính các gia đình. Để có được sự bình đẳng giới, người chồng phải thay đổi, sau đó gia đình thay đổi và Nhật Bản sẽ thay đổi toàn diện.

 

Tổ chức của ông Amano hiện nay có khoảng 4.000 thành viên trên khắp cả nước, một con số tương đương với những hứa hẹn mà họ cam kết sẽ làm như không tới quán bar hay nhớ đậy nắp bệ xí. Độ tuổi của những người tham gia từ 20 đến 60 và không một thành viên nào trong số này đã ly hôn. Họ đã học được cách vượt qua những khó khăn, từ những việc nhỏ nhặt trong gia đình tới những vấn đề nghiêm trọng như đánh nhau trước mặt con cái, thoả mãn đời sống tình dục vợ chồng và những vấn đề ngoại tình.

 

Nhóm của ông Amano đã lập ra 10 cấp độ để đánh giá người chồng tốt. Cấp độ đầu tiên là người chồng vẫn còn yêu vợ. Ông Amano, mặc dù là người thành lập của nhóm, cũng chỉ thừa nhận rằng ông mới chỉ đạt đến cấp độ 5 - có thể tay trong tay đi dạo với vợ. Ông Amano đang nỗ lực để đạt đến cấp độ 10, tức là không cảm thấy xấu hổ khi nói: “Anh yêu em”.

 

VTH

Theo AFP