1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sợ bị rò rỉ thông tin, Nga quay về máy chữ thủ công

(Dân trí) - Sau vụ việc chương trình nghe lén tối mật của chính phủ Mỹ bị tiết lộ, vốn khiến Washington hứng chịu nhiều chỉ trích, điện Kremlin sẽ quay trở lại sử dụng các máy chữ thủ công trong một nỗ lực nhằm tránh bị rò rỉ thông tin từ máy tính.

Sợ bị rò rỉ thông tin, Nga quay về máy chữ thủ công

Một nguồn tin tại Cục bảo vệ liên bang Nga (FSO), cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ các liên lạc tại Kremlin và bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin, cho hay sự trở lại của các máy chữ thủ công bắt nguồn từ các vụ tiết lộ tài liệu mật do trang web WikiLeaks và cựu nhân viên CIA Edward Snowden thực hiện.

Theo đó, FSO sẽ chi khoảng 486.000 rúp (15.000 USD) để mua các máy chữ, trang web mua sắm của chính phủ Nga zakupki.gov.ru đưa tin.

FSO hiện chưa chính thức có bình luận gì về thông tin trên.

Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên của FSO nói với tờ Izvestiya: "Sau các vụ bê bối tiết lộ tài liệu mật từ WikiLeaks và Edward Snowden, và thông tin về việc cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng bị nghe lén trong chuyến thăm Anh dự hội nghị G20 hồi năm 2009, FSO đã quyết định tăng cường việc thảo ra các tài liệu bằng giấy".

Theo nguồn tin trên, không phải tất cả các tài liệu của chính phủ Nga đều được thảo trên máy tính và việc sử dụng máy chữ vẫn đang diễn ra tại Bộ quốc phòng, Bộ khẩn cấp và các cơ quan đặc biệt.

Các tài liệu do Snowden tiết lộ cho thấy Anh đã do thám các phái đoàn nước ngoài, trong đó có Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, vào năm 2009 tại hội nghị G20.

Nga đã nổi giận với các tiết lộ trên. Tuy nhiên, Mátxcơva giờ đây cho biết đã có các biện pháp để bảo vệ chính mình.

Nikolai Kovalev, cựu giám đốc Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSS), nói: "Xét từ góc độ an ninh, bất kỳ phương thức liên lạc điện tử nào cũng dễ bị nguy hiểm. Tất nhiên là có các biện pháp đề phòng nhưng không thể đảm bảo an toàn 100%. Vì vậy, từ góc độ bảo vệ, phương pháp bảo vệ thô sơ nhất là dùng tay, bút hoặc máy chữ".

Tuy nhiên, một chuyên khác cho rằng các tài liệu bằng giấy cũng vẫn không đáng tin cậy, vì chúng có thể bị đánh cắp hoặc bị chụp ảnh, hoặc bị cháy trong trường hợp hỏa hoạn.

An Bình
Theo UPI