1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Siêu tăng Mỹ nạp đạn bằng tay

Dù phần lớn xe tăng hiện đại trên thế giới có hệ thống nạp đạn tự động nhưng trên dòng tăng M1A2 Abrams, Mỹ vẫn trung thành với nạp đạn thủ công.

Trong đoạn video được Mỹ công khai cho thấy, pháo thủ nạp đạn nhấc một viên đạn M831A1 TP-T (đạn vạch đường bắn tập), đẩy vào buồng nòng và đóng khóa. Trưởng xe, ở bên phải pháo thủ, đã hạ lệnh “Bắn!”.

Sau khi pháo thủ khai hỏa, buồng nòng trượt về phía sau, hướng về camera, khóa nòng mở và hất vỏ đạn ra.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ là một trong những loại xe tăng hiện đại cuối cùng trên thế giới còn sử dụng pháo thủ nạp đạn.

Trong khi, hầu hết các loại xe tăng khác, gồm cả T-90 và T-14 Armata của Nga đều có hệ thống máy nạp đạn tự động.

Siêu tăng Mỹ nạp đạn bằng tay - 1

Tăng M1A2 SEP.

Hệ thống máy nạp đạn tự động sẽ chiếm ít diện tích hơn so với các xe tăng nạp đạn “bằng cơm”, cho phép giảm kích thước xe, đồng thời giảm số người trong kíp xe, tiết kiệm được chừng 25% ngân sách lương bổng và nhất là không phải chiêu mộ thêm lính nghĩa vụ vốn đang ngày càng khan hiếm.

Mặc dù lợi thế này khá hấp dẫn, tuy nhiên, không hẳn là nạp đạn bằng tay không có những điểm ưu việt. Xe tăng LeClerc mới nhất của Pháp có hệ thống nạp đạn tự động với tốc độ 12 viên/phút hay mỗi viên chỉ mất 5 giây. Nghe có vẻ nhanh, nhưng trên thực tế, nạp đạn bằng sức người còn nhanh hơn.

Các pháo thủ nạp đạn đầy kinh nghiệm của Mỹ có thể nạp mỗi viên đạn chỉ mất 3 giây. Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1, một chiếc M1 Abrams đã diệt 3 xe địch chỉ trong vòng có 10 giây. Xét trên khía cạnh khác, có thêm người, kíp xe cũng “dễ thở” hơn, bởi họ chia nhau bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh nhanh hơn, giúp duy trì hệ số kỹ thuật của xe tốt hơn.

Trong thực tế chiến đấu, kíp xe 4 người có thể “để dành hẳn 1 người” nhô ra ngoài xe để quan sát, trong khi các thành viên còn lại vẫn thừa sức đảm bảo vận hành mọi tính năng cơ bản của xe.

Ngược lại, kíp xe 3 người sẽ phải “trích ra” hoặc pháo thủ, lái xe hoặc trưởng xe ra ngoài, điều đó có nghĩa là xe sẽ không thể chạy cũng chẳng thể bắn, hoặc trưởng xe không thể kịp thời ra lệnh cho kíp xe. Các kíp xe tăng của Mỹ thường nghi ngờ hiệu quả các loại xe tăng không sử dụng phương thức nạp đạn “bằng cơm”.

Trong chiến tranh lạnh, đã có một chuyện hài hước rằng máy nạp đạn tự động trên một chiếc T-72 của Liên Xô đã gặp phải một lỗi ngớ ngẩn là thỉnh thoảng nhầm tay của thành viên kíp xe là đạn và cố nhét cánh tay của anh ta vào buồng nòng!

Và trong quá trình phát triển hệ thống pháo bọc thép XM-8 (gần như một loại xe tăng nhẹ), máy nạp đạn tự động đã vấp phải sự chế nhạo là khi đạn bị kẹt, thành viên kíp xe phải trèo ra ngoài mới xử lý được, điều đó đồng nghĩa với việc anh ta sẽ phơi mình trước mọi loại hỏa lực của đối phương.

Clip tăng M1A2 bắn đạn thật:

Theo Đan Nguyên

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm