1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu hàng không mẫu hạm mới của Nga uy lực tới mức nào?

(Dân trí) - Dù đã tiết lộ kế hoạch chế tạo siêu tàu sân bay mới nhưng Nga còn phải vượt qua nhiều khó khăn để hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này.


Một tàu sân bay của Nga (Ảnh minh họa:

Một tàu sân bay của Nga (Ảnh minh họa: National Interest)

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ IHS Jane's - một ấn phẩm quốc phòng hàng đầu thế giới, ông Valery Polyakov, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Krylov, một trung tâm nghiên cứu của chính phủ Nga, cũng đồng thời là công ty thiết kế loại tàu mới đã tiết lộ một số chi tiết về chiếc “siêu” hàng không mẫu hạm trong Dự án 23000E hay còn biết đến với cái tên là Shotorm (Storm).

Theo ông Polyakov, chiếc hàng không mẫu hạm mới sẽ có trọng lượng dao động trong khoảng từ 90-100 ngàn tấn, gần gấp đôi kích cỡ của bất cứ chiến hạm nào của Nga từ trước tới nay. Độ dài của tàu vào khoảng 330m, rộng 40m. Tốc độ hành trình của siêu tàu là 20 kt (tương đương với 40km/h) và có thể đạt tốc độ tối đa là 30 kt (tương đương 60km/h). Con tàu được thiết kế để có thể hoạt động 120 ngày liên tục và cần có một đội thủy thủ từ 4.000 đến 5.000 người.

Tờ tạp chí quốc phòng Jane’s cho biết, chiếc mẫu hạm này theo thiết kế có thể chứa được từ 80 đến 90 máy bay chiến đấu các loại, phù hợp với nhiều loại máy bay khác nhau kể cả siêu máy bay Sukhoi PAK FA T-50 và MiG-29Ks cũng như máy bay cảnh báo địch vụ và máy bay trực thăng hải quân Ka-27. Mô hình chiến hạm do Trung tâm nghiên cứu quốc gia Krylov xây dựng sẽ được trưng bày tại Show trình diễn quốc phòng hàng hải quốc tế năm 2015 từ ngày 1-5/7 tới tại St. Petersburg.

Theo mô hình, chiếc tàu mới có có 4 vị trí khởi động, 2 trong số đó nằm ở đường băng trượt di động, còn 2 vị trí còn lại là hệ thống khởi động máy bay bằng điện từ (EMALS), đây là hệ thống khởi động mà Hải quân Mỹ vừa thử nghiệm tuần trước. 

Theo đại diện lực lượng Hải quân Mỹ, EMALS có nhiều lợi thế hơn hẳn các hệ thống khởi động bằng hơi nước truyền thống. Bằng việc sử dụng công nghệ điện từ, hệ thống mới đã đem lại những bước cải tiến quan trọng trong việc duy trì hệ thống, tăng độ an toàn và hiệu quả, tăng công xuất khởi động và điều khiển tốc độ chính xác đồng thời giúp quá trình tăng tốc êm ả hơn ở cả tốc độ di chuyển nhanh hoặc chậm. Ngoài ra, bộ phận phóng máy bay điện từ cũng tạo ra ít lực tác động vào các phi cơ chiến đấu hơn.

Mặc dù vậy, theo Giám đốc Polyakov, thiết kế hiện tại của chiếc siêu tàu vẫn có những lỗi cơ bản. Đó là nó sẽ được khởi động bằng hệ thống  phát điện thông thường chứ không phải bằng hệ thống điện hạt nhân.Tuy nhiên, chi tiết này có thể sẽ được thay đổi tùy vào yêu cầu của khách hàng.

Chiếc mẫu hạm đa năng được thiết kế để có thể hoạt động cả ở những khu vực đại dương xa xôi và có thể giao chiến với những mục tiêu cả ở đất liền lẫn trên biển, đảm bảo sự ổn định hoạt động của lực lượng hải quân cũng như bảo vệ các đội bộ binh và phòng không không quân.
 
Những báo cáo về kế hoạch xây dựng chiến hạm mới này được báo chí đưa tin vào tháng 2 vừa qua, và ngay sau đó đã được Bộ tư lệnh hải quân Nga xác nhận lại. “Lực lượng hải quân sẽ được trang bị một chiếc tàu sân bay mới. Các cơ quan nghiên cứu đang tích cực làm việc và tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu từ Tổng tư lệnh”, ông Viktor Chirko, một quan chức cấp cao hải quân Nga, cho biết.

Hiện tại Nga có một chiếc tàu mẫu hạm duy nhất có tên Admiral Kuznetsov được đưa vào sử dụng từ năm 1985 dưới thời  Liên Xô cũ. 
 
So với những quốc gia khác có ít kinh nghiệm về hàng hải hơn như Trung Quốc, Nga sẽ có nhiều thuận lợi khi đóng một chiếc tàu sân bay hơn. Tuy nhiên, để xây dựng chiến hạm mới này, Nga sẽ gặp khó khăn gấp rất nhiều lần so với việc xây dựng những con tàu mà Liên Xô trước đây và Nga ngày nay đã từng xây dựng. 

Vì vậy, dường như là việc có được chiếc Shtorm không phải là một điều dễ dàng gì, đặc biệt là trong bối cảnh những khó khăn chồng chất của Nga trong năm tài khóa này. Như lời chỉ dẫn khôn ngoan của Jim Holmes, giáo sư thuộc Trường chiến tranh hàng hải Mỹ rằng: “Đừng mất công quá nhiều vào việc này”.
 
Uyên Châu
Theo National Interest