Siêu hạm như phim viễn tưởng của hải quân Anh
Vừa qua, hải quân Anh đã đưa ra ý tưởng thiết kế một siêu chiến hạm tương lai có tính năng vô cùng hiện đại, “như trong phim viễn tưởng”.
Siêu hạm HMS Dreadnought 2050 có thiết kế 3 thân, được đánh giá hiện đại như khu trục hạm lớp Zumltwat của Mỹ
Hải quân Anh hướng tới tương lai 35 năm sau
Một chuyên viên nghiên cứu của hải quân Anh gần đây tiết lộ một thông tin chấn động là hải quân Anh đang ấp ủ giấc mơ chế tạo một siêu hạm còn tối tân hơn cả khu trục hạm lớp DDG-1000 Zumltwat của hải quân Mỹ, mang tên HMS Dreadnought 2050.
Thông tin cho biết, Bộ quốc phòng và hải quân Anh đã ủy thác cho một nhóm hỗn hợp các chuyên gia quân sự và dân sự thiết kế một chiến hạm cho tương lai 35 năm sau, được xếp loại cực kỳ hiện đại, trong bối cảnh kinh phí quốc phòng hạn hẹp.
Nhóm chuyên gia được quy tụ trong cơ quan phụ trách giám sát dự án trực thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã đưa ra ý tưởng thiết kế một siêu hạm, giống như những con tàu trong phim viễn tưởng “Chiến tranh giữa các vì sao”, được trang bị hệ thống động lực hạt nhân hoặc turbine khí tiên tiến.
Theo tuyên bố của Startpoint, siêu hạm Deadnought 2050 được cho là có những đặc tính giống tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt của Hải quân Mỹ. Nó được lấy lại tên của chiến hạm HMS Dreadnought, một tàu chiến Anh ra đời năm 1906, có trình độ công nghệ vượt trội so với các chiến hạm lúc bấy giờ.
Muir Macdonald, một lãnh đạo cấp cao của Startpoint thẳng thắn cho biết, một vài công nghệ được mô tả hiện vẫn chưa ra đời và là thách thức với khoa học kỹ thuật hiện nay, nhưng trong tương lai vài chục năm nữa, chắc chắn những công nghệ này sẽ hoàn thiện và được tích hợp trên con tàu.
Thiết kế khoang chuyên chở hải quân đánh bộ hoặc thiết bị lặn không người lái
Thiết kế đột phá
Dreadnought 2050 là một thiết kế đột phá cả về kiểu dáng, khoa học kỹ thuật và công nghệ vật liệu. Tàu được thiết kế 3 thân kiểu xuyên sóng, giúp nó vừa có khả năng tàng hình, vừa nâng cao tốc độ, đồng thời tăng tính ổn định trong khi hành trình cho tàu.
Phần đuôi tàu của thân giữa có thiết kế kiểu khoang rỗng, có thể dùng để vận chuyển lính thủy đánh bộ trong hoạt động tác chiến đổ bộ hay chuyên chở các tàu ngầm mini hoặc tàu lặn không người lái dùng trong nhiệm vụ rà, quét lôi.
Khoang nhiên liệu của con tàu được đặt chìm dưới đáy nên khi bơm đầy, phần thân dưới ngập hoàn toàn trong nước, mặt cắt trên mặt nước mỏng, tiết diệt phản xạ radar giảm cực đại, đồng thời làm giảm nguy cơ cháy nổ khi tàu không may bị trúng đạn.
Siêu hạm tương lai của Anh có cột buồm dạng tháp thiết kế kiểu tàng hình chính là một radar mảng pha đa nhiệm kiểu vô hướng, có góc quan sát 360 độ, chỉ nhô lên mặt boong tàu một chút.
Trên đỉnh cột buồm có một thiết bị quan trắc giống như 1 UAV, có khả năng được thả lên không bằng hệ thống cáp như một con diều, nhằm nâng cao phạm vi quan sát, đo đạc.
Cột buồm kiêm radar mảng pha đa nhiệm vô hướng và thiết bị quan trắc kiểu UAV được thả lên không như một con diều
Trên tàu có một sân đáp nhỏ hơn rất nhiều so với các chiến hạm hiện nay, đón đầu công nghệ UAV siêu nhỏ, dành cho những máy bay không người lái có thiết kế kiểu đĩa bay kỳ dị, trang bị các hệ thống quan trắc và cảm biến laser để phát hiện mục tiêu.
Công nghệ vật liệu tiên tiến
Các tàu này sẽ được làm bằng vật liệu tổng hợp (composite) Graphene, là một siêu vật liệu, được cấu tạo từ một mạng tinh thể carbon xếp thành các lớp chỉ dày bằng một nguyên tử, khiến nó nhẹ hơn rất nhiều so với các loại vật liệu chế tạo tàu tiên tiến hiện nay.
Loại vật liệu tốt nhất thế giới hiện nay và trong tương lai, có tính năng siêu nhẹ, siêu mỏng, siêu bền và siêu dẫn điện này sẽ giúp con giảm tải trọng, tăng tốc độ và dễ dàng lắp đặt, tích hợp các thiết bị trong thân.
Toàn thân chiến hạm Dreadnought 2050 sẽ được phủ một lớp sơn tổng hợp công nghệ nano, giúp nó hầu như vô hình trước các loại radar.
Ngoài ra, tính năng siêu dẫn của nó còn giúp lớp vỏ tàu có thể chuyển từ trạng thái không thấu quang sang trong suốt khi có dòng điện chạy qua, cho phép thủy thủ đoàn nhìn xuyên qua thân tàu, nâng cao khả năng kiểm soát trong cận chiến và cải thiện tầm quan sát khi cơ động.
Hệ thống chỉ huy điều khiển hiện đại
Trung tâm chỉ huy lập thể được trang bị màn hình "Google Glass" để hiển thị thông tin chiến thuật. Hình ảnh laser ba chiều cho phép đội ngũ sĩ quan chỉ huy có thể hình dung ra bức tranh toàn cảnh của chiến trường, cả trên đất liền, trên mặt biển, dưới đáy biển, trên không, thậm chí là cả vũ trụ.
Kết nối dữ liệu siêu nhanh với sở chỉ huy hải quân và các quân, binh chủng khác cho phép trung tâm chỉ huy có thể điều khiển tàu từ khoảng cách hàng chục nghìn km.
Trung tâm chỉ huy này chỉ cần kíp sĩ quan điều khiển 5 người thay vì 25 người như trên các chiến hạm cùng cỡ hiện nay.
Trung tâm chỉ huy lập thể được trang bị màn hình "Google Glass" với hình ảnh laser ba chiều (3D)
Ngoài ra, các hệ thống chỉ huy, điều khiển tự động hóa cũng cho phép giảm số lượng thủy thủ xuống còn 50 người, giảm 1/4 so với biên chế một chiến hạm đồng hạng hiện đại hiện nay là khoảng 200 người.
Hệ thống vũ khí siêu mạnh
Các tàu tương lai dự kiến cũng sẽ được trang bị nhiều vũ khí tối tân, hiện thế giới mới đang nghiên cứu như pháo quỹ đạo điện từ có tầm phóng đạn sánh ngang các loại tên lửa hành trình hiện nay.
Hai bên thân tàu có các lỗ phóng tên lửa siêu thanh, có vận tốc thấp nhất là mach5. Phần thân dưới có các lỗ phóng ngư lôi siêu tốc, có vận tốc lên tới 300 hải lý/h (550km/h) và hệ thống vũ khí laser để tiêu diệt mục tiêu bay và chiến hạm đối phương.
Tuy tất cả các vũ khí này hiện Anh vẫn chưa phát triển được, nhưng với ý tưởng thiết kế cho 35 năm sau thì các loại vũ khí này lúc đó đã không còn quá xa lạ trong công nghệ hải quân.
Tính khả thi
Mấy năm gần đây, theo đà suy thoái kinh tế thế giới và xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng Anh, hải quân nước này đã phải đình chỉ hoặc cắt giảm khá nhiều dự án chế tạo vũ khí, trang bị.
Sàn đáp rất nhỏ giành cho rất nhiều các UAV mini hình thù lạ mắt
Ví dụ như hải quân nước này đã xây dựng kế hoạch đóng tới 12 khu trục hạm hiện đại thuộc Type 45, tuy nhiên do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, hiện số tàu dự kiến trang bị đã giảm đi một nửa.
Hoặc hải quân nước này đã xây dựng kế hoạch chế tạo hai hàng không mẫu hạm cực lớn, mỗi chiếc có khả năng mang tới 36 máy bay tiêm kích hạm tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.
Nhưng do thiếu kinh phí nên lượng giãn nước của các tàu sân bay đã bị giảm xuống, đồng thời, cả 2 chiếc này chỉ được trang bị vẻn vẹn 12 máy bay F-35, khiến năng lực chiến đấu của chúng không bằng 1 nửa các tàu đổ bộ tấn công của Mỹ.
Do đó, tính thực tiễn của dự án siêu chiến hạm, trong tương lai rất xa này vẫn còn là vấn đề chưa xác định.
Theo Thiên Nam
Đất Việt