1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Siêu dự án thay kênh Suez: Tham vọng Nga có thành?

Bộ ba Nga, Ấn Độ, Iran đang rất gần với việc tạo ra một tuyến đường giao thông mới vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.


Vị trí cảng Bandar Abbas của Iran, điểm cập bến đầu tiên trong hành trình mới của ba quốc gia này

Vị trí cảng Bandar Abbas của Iran, điểm cập bến đầu tiên trong hành trình mới của ba quốc gia này

Hành lang vận tải ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và châu Âu

Ngày 23/11 tới, các quan chức Nga, Iran, Ấn Độ sẽ nhóm họp với nhau để đàm phán những điều kiện cuối cùng của dự án chung mang tên Hành lang Giao thông Bắc - Nam (INSTC) kết nối Ấn Độ Dương với Vịnh Ba Tư qua Iran tới Nga và châu Âu.

Cụ thể, các cơ quan chuyên trách của ba quốc gia này đã bàn thảo nhiều lần về tuyến đường này. Lộ trình này sẽ giúp hàng hóa được vận chuyển từ Ấn Độ đến cảng Bandar Abbas của Iran. Sau đó sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đến Bandar Anzali - một cảng biển chiến lược của Iran trên biển Caspian.

Sau đó, từ cảng biển này hàng hóa tiếp tục được chuyển đến cảng Astrakhan của Nga ở phía Nam. Từ đó, hành trình sẽ được linh động từ khắp các vị trí trên nước Nga rộng lớn hoặc theo các tuyến đường sắt đến châu Âu.

Tuyến đường này được bộ ba quốc gia đánh giá là đột phá trong vận tải quốc tế. Với điểm đến và điểm đi như vừa nêu, đây sẽ là tuyến đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất cho đến thời điểm này trên thế giới.

Dự kiến tuyến đường INSTC sẽ giảm chi phí tới 40%, hàng hóa từ Mumbai đến Moscow chỉ còn 20 ngày. Công suất vận tải hàng năm dự kiến đạt 30 triệu tấn hàng, có thể nâng cấp thông qua việc mở rộng cơ sở hạ tầng bến bãi. Những con số này là rất ấn tượng so với tuyến đường truyền thống thông qua kênh đào Suez của Ai Cập.

Đáng chú ý, đây không phải là dự án mang tính ý tưởng bất ngờ mà là cả một chiến lược được lên kế hoạch lâu dài từ nhiều năm trước. Một chuyến hàng thử nghiệm theo phương pháp mới này đã được thử nghiệm vào năm 2014 và cho thấy một kết quả rất ấn tượng.

Đến thời điểm này, Ấn Độ cam kết đầu tư 500 triệu USD để phát triển cảng Chalabar của Iran. New Delhi cũng cam kết sẽ rót thêm tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng của những đầu mối khác cũng như nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ theo trục dọc của tuyến đường.

Những bài toán địa chính trị được giải


Bộ ba quốc gia này khẳng định tuyến đường sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế

Bộ ba quốc gia này khẳng định tuyến đường sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế

Tuyến đường này nếu đi vào hoạt động sẽ là bước đột phá của giao thương quốc tế, mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia tham gia, cụ thể là Nga, Ấn Độ và Iran. Việc tiết kiệm chi phí vận chuyển sẽ mang lại hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu, thời gian vận chuyển được giảm xuống khiến các nền kinh tế này có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường đa dạng và tăng tính cạnh tranh.

Ngoài ra, lợi nhuận từ các loại phí vận chuyển cũng như sự phát triển ngành logistics sẽ là một nguồn lợi kinh tế khổng lồ dành cho cả bộ ba quốc gia tham gia vào dự án này.

Đáng chú ý hơn, ngoài những lợi ích kinh tế, tuyến đường INSTC này sẽ mang lại chìa khóa chiến lược để giải quyết những bài toán liên quan tới địa chính trị.

Với Ấn Độ phải định tuyến các chuyến hàng qua Trung Quốc, châu Âu hoặc Iran để tiếp cận thị trường Trung Á. Những cách làm này tốn thời gian, đắt tiền và hiệu quả không cao. Nếu có INSTC, Ấn Độ có thể vươn tới Afghanistan và toàn thể Trung Á mà né được những căng thẳng lãnh thổ với Pakistan ở Kashmir.

Với Iran, lợi ích địa chính trị là to lớn. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng các biện pháp trừng phạt vào Iran và bằng mọi nỗ lực cô lập quốc gia này. Sở hữu tuyến đường giao thông hiệu quả nhất từ Ấn Độ Dương đến Bắc Âu đồng nghĩa với việc mở ra "một con đường mới" mà Washington không có cách nào phong tỏa.

Với Nga, đây sẽ là quốc gia sở hữu nhiều lợi ích địa chính trị nhất. Thứ nhất, Nga siết chặt tình bằng hữu với hai quốc gia còn lại. Mỹ đang coi Ấn Độ là quân bài chiến lược trong việc xây dựng ảnh hưởng tại châu Á - Ấn Độ Dương. Việc kết hợp được lợi ích Ấn Độ vào con đường INSTC này, Moscow và New Delhi sẽ ràng buộc với nhau bằng những lợi ích mà Mỹ có "nhiều củ cà rốt" thế nào cũng không thể cạnh tranh.

Thứ hai, việc mở ra một con đường mới né được kênh đào Suez giúp Nga đối diện với nhiều cơ hội và giảm thiểu thách thức. Trước hết là vùng biển Địa Trung Hải với muôn vàn cạnh tranh địa chính trị, chi chít căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh. Trong khi Nga có duy nhất một căn cứ quân sự tại Cảng Tartus (Syria). An ninh hàng hải của Nga qua vùng biển này là không an toàn, dễ bị phong tỏa nếu xảy ra biến động giữa hai thế lực.

Ngoài ra, Nga và Ai Cập dù đang trong mối quan hệ đối tác chiến lược đầy thiện chí, nhưng quốc gia Bắc Phi này chưa bao giờ tỏ ra là một người bạn đáng tin tưởng khi chiến lược mà Cairo đưa ra là đa dạng các mối quan hệ. Bản thân Ai Cập cũng đang trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và được tái khẳng định vào năm 2017.

Hơn nữa, kênh đào Suez không mang lại nguồn lợi kinh tế cho Nga. Hàng hóa muốn đi qua kênh đào này sẽ phải trả tiền và những khoản tiền đó tất nhiên không được chia sẻ với Moscow. Trong khi với INSTC, Moscow không phải trả tiền phí, hoặc được hưởng lợi từ từng kiện hàng lưu thông qua đó.

Ngoài ra, với những mối quan hệ mà Nga đang xây dựng và tạo được ảnh hưởng, khi gắn kết được Ấn Độ vào con đường này, Nga sẽ tạo ra một vùng địa chính trị rộng lớn bao gồm Ấn Độ, Iran, Syria, và thậm chí là cả Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng địa chính trị này đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ trải dài từ Ấn Độ Dương đến Địa Trung Hải. Thế nhưng, tham vọng liệu có thành?

Theo Minh Hoàng

Báo Đất Việt