1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Siêu điệp viên" Liên Xô từng làm chấn động làng tình báo Mỹ (kỳ 1)

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Thành thạo 4 thứ tiếng và giỏi về vô tuyến điện tử, nhà tình báo Liên Xô William Fisher đã hoạt động rất hiệu quả tại nhiều địa bàn quan trọng, trong đó có Mỹ.

Siêu điệp viên Liên Xô từng làm chấn động làng tình báo Mỹ (kỳ 1) - 1

William Fisher (Ảnh: AP).

William Fisher sinh ngày 11/7/1903 tại thị trấn nhỏ Newcastle upon Tyne ở Anh. Cha ông, Heinrich Fischer, là người di cư từ Nga, nhưng lại là người gốc Đức.

Heinrich Fischer đã đặt tên cho con trai út của mình là William để vinh danh nhà thơ mà ông yêu mến William Shakespeare. Theo truyền thống của gia đình, vào ngày sinh nhật William, cả nhà chuẩn bị một con vịt quay cho bữa tối và cha mẹ William đã để dành cho con trai một chiếc xương làm kỷ niệm. William sẽ phải giữ chiếc xương đó cho đến cuối đời như một lá bùa hộ mệnh.  

Cha của William làm nghề luyện kim và là người có tinh thần nổi dậy. Ông Heinrich phải rời quê nhà Yaroslavl để đến Foggy Albion vì quan điểm cách mạng và vì ông là thành viên của "Liên minh đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân" theo chủ nghĩa Lê-nin.

Tất cả những ký ức thời thơ ấu của tôi đều liên quan tới những người Bolshevik, những nhà cách mạng cũ... Đặc biệt, tôi thích vầng hào quang của sự bí ẩn và những chiến công tỏa sáng quanh họ. Họ là những người có lý tưởng, không vụ lợi và trung thực. 

William Fisher 

Mẹ của William, bà Lyubov Korneeva, đã kết hôn với nhà cách mạng trẻ tuổi Heinrich trong thời gian bị đi đày ở Saratov. Bà luôn hỗ trợ chồng trong mọi việc.

Ông Heinrich là một người đàn ông có học thức, nói được 3 thứ tiếng và truyền cho các con sự say mê kiến thức. William vẽ rất giỏi, chơi được guitar và piano. Ở tuổi 15, William đã thành thạo kỹ năng vẽ thiết kế, và một năm sau vào học đại học tại London.

Từ họa sĩ trở thành nhà tình báo

Tuy nhiên, việc học đại học của William phải bị hoãn lại. vào năm 1919, William quyết định quay trở lại nước Nga quê cha, nhưng vẫn giữ lại quốc tịch Anh. Tại Moscow, gia đình William gặp phải một nỗi bất hạnh: trong khi cứu một cô bé bị đuối nước, anh trai của William là Harry đã qua đời.

Một thời gian sau khi chuyển đến Moscow, William Fisher trở thành sinh viên của Trường Kỹ - Nghệ cao cấp, nhưng một năm rưỡi sau, ông chuyển sang Viện Nghiên cứu Phương Đông.

Siêu điệp viên Liên Xô từng làm chấn động làng tình báo Mỹ (kỳ 1) - 2

Trường Kỹ - Nghệ Cao cấp (Ảnh: Wikimedia).

Những khi rảnh rỗi, tận dụng vốn kiến thức tiếng Đức và tiếng Anh hoàn hảo của mình, William làm công việc phiên dịch cho Ban quan hệ quốc tế của Ủy ban điều hành Quốc tế Cộng sản. Sau đó, William còn học thêm một ngoại ngữ khác là tiếng Pháp.

Năm 1925, khi chưa tốt nghiệp đại học, William đã được gọi nhập ngũ vào Hồng quân. Ông phục vụ trong trung đoàn vô tuyến điện tử, nơi ông nhanh chóng thành thạo kỹ năng của một nhân viên vô tuyến điện, trở thành người thực hành giỏi nhất trong trung đoàn.

Tài năng của William đã được chú ý trong quá trình ông làm việc với tư cách là phiên dịch tại Ban đối ngoại của Cục Chính trị Quốc gia Đặc biệt (OGPU). Số phận của William đã được quyết định khi ông được mời vào làm việc trong lĩnh vực tình báo.

Trước hết, William đang có hộ chiếu Anh - điều đó hoàn toàn hợp pháp, vì gia đình ông vẫn giữ quốc tịch Anh. Để không gây ra sự nghi ngờ trong giới chức Anh, William nói rằng quan điểm của ông trái ngược với sự thiện cảm của cha mình đối với Cộng sản, nên ông không muốn sống ở Liên Xô và có ý định trở về quê hương mình.

Sau khi nhận được giấy tờ, năm 1931, William, dưới vỏ bọc là một thương gia kinh doanh thiết bị vô tuyến, được cử đến Na Uy. Bốn năm sau đó, ông trở lại Anh. Tại đây, ông mở xưởng thiết bị vô tuyến của mình và dưới mật danh là Frank, ông đã làm liên lạc viên cho đến năm 1937.

Nhờ William, tình báo Liên Xô đã nhận được tất cả thông tin thu thập được bởi các thành viên của nhóm "Cambridge Five" nổi tiếng, bao gồm các điệp viên Liên Xô ở Anh, được tuyển dụng vào những năm 1930 bởi nhà tình báo Liên Xô Arnold Deutsch tại Đại học Cambridge.

Sa thải không rõ lý do

William là một nhân viên vô tuyến điện xuất sắc ở cả bán đảo Scandinavia và Anh. Ông đã cố gắng thiết lập các kênh bí mật và an toàn tối đa để truyền dữ liệu về Trung tâm tình báo Liên Xô cho các tình báo viên. Ngoài ra, William, theo hướng dẫn của Trung tâm, đã kết thân với nhà vật lý tài năng Peter Kapitsa đang sống ở Anh và tìm mọi cách để đưa ông trở lại Liên Xô.

Ở nước ngoài, William sống cùng gia đình, trong đó có người vợ Elena Lebedeva và con gái Evelina, sinh năm 1929.

Mặc dù còn nhỏ nhưng cô bé Evelina đã thể hiện là một người có năng khiếu hoạt động bí mật, thậm chí, cô bé còn trông chừng cha mẹ để họ không mắc lỗi trong khi dùng mật danh của mình.

William, một nhân viên vô tuyến điện, có mối quan hệ tốt với cấp trên của mình. Vì vậy, ông bị sốc khi vào đêm trước năm 1939, ông biết tin mình bị sa thải khỏi cơ quan tình báo đối ngoại mà không có một lời giải thích. Theo một số báo cáo, lý do khiến William bị thất sủng là vì tình báo viên Tây Ban Nha của Liên Xô, Alexander Orlov.

Siêu điệp viên Liên Xô từng làm chấn động làng tình báo Mỹ (kỳ 1) - 3

William Fisher (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp thuộc Trung đoàn Kỹ thuật Vô tuyến điện đầu tiên của Quân khu Moscow vào mùa hè năm 1926 (Ảnh: Thư viện Văn học Điện tử).

Orlov trong công việc có tiếp xúc với William. Do sợ bị đàn áp nên vào cuối những năm 1930, ông ta chạy trốn sang Mỹ và đe dọa sẽ khai ra tất cả các sĩ quan tình báo mà ông ta biết. Trung tâm đã phải khẩn cấp triệu hồi tất cả các tình báo viên về Moscow, không phải vì quá lo lắng cho sự an toàn của họ, mà chỉ là vì thiếu tin tưởng ở họ.

So với những rắc rối xảy ra với các đồng nghiệp của William, ông may mắn hơn vì vẫn còn được tự do.

Để lo cuộc sống cho gia đình, nhà tình báo lại tiếp tục làm công việc biên dịch: người quen cũ của ông là Pyotr Kapitsa đã cung cấp tài liệu cho ông dịch.

Tuy nhiên, William vẫn mơ ước được trở lại công việc tình báo và ông không sợ rơi vào "cối xay" của sự nguy hiểm. Ông đã yêu cầu được phục hồi công tác. Lúc đầu, đề nghị của ông đã bị khước từ. Để thay thế, William được biên chế vào Phòng Thương mại Toàn liên bang, sau đó ông chuyển đến làm việc tại một nhà máy chế tạo máy bay và bị lãng quên cho đến khi Thế chiến thứ hai bắt đầu.

"Monastery" - "Tu viện" dành cho Đức quốc xã

Ngay trước khi chiến sự bùng nổ trên lãnh thổ Liên Xô, William đã tìm cách tố giác 2 kẻ phá hoại người Đức. Nhờ tin báo của ông, những tên gián điệp đã bị bắt giữ.

Vào mùa thu năm 1941, William được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Sau đó, nhà tình báo được giữ lại làm giáo viên để đào tạo những chiến sỹ hoạt động phá hoại hậu phương quân địch và làm điện báo viên trong một trường trinh sát ở tỉnh Samara.

Sau đó, ông được tuyển dụng để tham gia vào một dự án tình báo hoành tráng - Chiến dịch trò chơi radio điện tử "Monastery", bắt đầu vào năm 1942.

Siêu điệp viên Liên Xô từng làm chấn động làng tình báo Mỹ (kỳ 1) - 4

William Fisher (Ảnh: Lenta.ru).

William được giao nhiệm vụ đào tạo tình báo viên Alexander Demyanov phải sử dụng thành thạo vô tuyến điện. Demyanov đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và trong một thời gian dài ông đã tung cho kẻ thù những thông tin sai lệch. Vào tháng 8/1944, William phải vào vai một sĩ quan phát xít trong chiến dịch "Berezino" sau chiến dịch "Monastery".

Trước đó không lâu, Demyanov thông báo cho quân Đức rằng có một đơn vị dưới quyền chỉ huy của Trung tá Heinrich Scherhorn hiện vẫn còn ở trong các khu rừng của Belarus nhưng không thể phá vòng vây để về với quân Đức.

Đức quốc xã ngay lập tức tổ chức hỗ trợ: hàng tiếp tế nhân đạo và vũ khí cùng những kẻ phá hoại và các điện báo viên được thả dù, tung xuống khu vực quy định.

William xuất hiện trước mặt họ trong vỏ bọc của một sĩ quan Đức. Ông đã đóng vai của mình đáng tin cậy đến nỗi Đức quốc xã đáp ứng yêu cầu của ông, hạ vũ khí xuống đất và ngay lập tức bị quân đội Liên Xô bắt làm tù binh.

Sau đó, William đã hỏi cung các tù nhân, và các nhân viên vô tuyến điện của Đức ngay lập tức được giao ngay công việc: họ có nhiệm vụ truyền thông tin về bộ chỉ huy về tình hình của một đơn vị không hề tồn tại. Tất cả các tin nhắn vô tuyến đều được William kiểm tra cẩn thận để đảm bảo rằng quân Đức không truyền tín hiệu báo động cho người của họ.

(còn tiếp)