1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Serbia quyết không để mất Kosovo

Ông Maarti Ahtisaari, đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ), nhà thương thuyết chính về tương lai Kosovo đã đến Belgrade cuối tuần qua để giới thiệu kế hoạch về tương lai của tỉnh này với Tổng thống Serbia Boris Tadic.

Ông Ahtisaari - người có liên quan nhiều đến lịch sử hiện đại của Serbia, rất nổi tiếng với phương châm: “Người Serb có lỗi, đáng bị trừng phạt để nhớ đời, và phải mất Kosovo!”.

Ngôn từ và bản chất của một văn kiện 

Được công bố chậm gần nửa năm so với dự kiến, bản kế hoạch của ông Ahtisaari dày 60 trang có tên gọi là "Đề xuất về quy chế cuối cùng cho Kosovo", chứa đựng những cái mà ông gọi là "quyền lợi ngang bằng cho cả hai bên".

 

Ông Ahtisaari khá khôn khéo khi không đưa ra từ "độc lập" trong văn bản này. Tuy nhiên người ta dễ dàng nhận thấy ông đề xuất cho Kosovo hưởng những quyền lợi của một quốc gia độc lập. Chẳng hạn như: Kosovo sẽ có hiến pháp riêng; có quyền đàm phán và ký kết các văn kiện quốc tế; hưởng quy chế thành viên trong các tổ chức quốc tế; có quốc kỳ, quốc ca; cộng đồng quốc tế sẽ giám sát việc thực thi thỏa thuận này...

 

"Kế hoạch bao gồm những nhượng bộ thỏa mãn cả hai phía, không bên nào được hết và cũng không bên nào mất hết" - ông Ahtisaari nhận định như vậy. Điều ngạc nhiên là ngay cả vị Tổng thống thân phương Tây Boris Tadic cũng không hài lòng với bản kế hoạch. "Serbia sẽ không bao giờ công nhận Kosovo độc lập.

 

Tôi với tư cách là Tổng thống Serbia cũng không công nhận. Một nền độc lập áp đặt không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận và đây là tiền lệ nguy hiểm" - ông Tadic nhấn mạnh.

 

Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp gỡ, Tổng thống Tadic khẳng định rằng bản kế hoạch của ông Ahtisaari là bất hợp pháp và xóa bỏ toàn bộ luật pháp quốc tế và hiến chương LHQ.

 

Mặc dù từ "độc lập" không tìm thấy bất cứ đâu trong văn bản, nhưng toàn bộ tinh thần của nó là trao độc lập cho Kosovo. "Không ai trao quyền cho ông Ahtisaari xúc phạm một đất nước có chủ quyền, chia cắt Serbia và xóa bỏ những đường biên giới đã được công nhận" - ông Tadic tuyên bố.

 

Không để mất Kosovo

 

Kosovo là cội nguồn của đất nước Serbia với những địa điểm linh thiêng, những di sản văn hóa và lịch sử của dân tộc Serb. Để mất bộ phận lãnh thổ thiêng liêng này, tức là chịu đánh mất lịch sử và đó thực sự là cú sốc đối với nhân dân Serbia. Chính giới cũng như dư luận Serbia đều phản đối gay gắt đề xuất của ông Ahtisaari.

 

Thủ lĩnh các chính đảng Serbia đã đề nghị thành lập ngay quốc hội và chính phủ mới, vì thời gian đến vòng đàm phán mới ở Vienna còn lại không nhiều. Hôm nay (5.2), Tổng thống Tadic triệu tập cuộc họp khẩn cấp thủ lĩnh các đảng phái chính trị để đưa ra giải pháp bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ Serbia.

 

Thủ tướng tạm quyền Serbia, ông Vojislav Kostunica, không tiếp ông Ahtisaari. Website của Chính phủ Serbia cũng không đăng tải bất cứ thông tin nào về chuyến thăm. Ông Kostunica sau đó có nói: "Chỉ có vài cuộc họp và thương thuyết về tương lai Kosovo, nhưng ông Ahtisaari không dự một cuộc nào.

 

Tôi rất ngạc nhiên khi ông thông báo rằng văn kiện này là kết quả đàm phán giữa các chính khách. Ông ấy không có quyền lập nên quy chế nhà nước cho Kosovo, mà chỉ có quyền đưa ra đề nghị đối với những vấn đề nội bộ của tỉnh này mà thôi".

 

Trong khi đó phương Tây tiếp tục đưa ra lời đe dọa. "Đây là thời điểm để Serbia quyết định có trở thành bộ phận của Châu Âu hay không. Giới chức Serbia cần khôn khéo trước số phận của đất nước và nhân dân Serbia" - một nhà ngoại giao người Đức, đại diện cao cấp của Liên minh Châu Âu phát biểu. Các quan chức cao cấp của EU đều khẳng định sẽ ủng hộ mọi nỗ lực của ông Ahtisaari trong việc "ổn định hoá tình hình ở miền nam khu vực Đông Âu".

 

Kế hoạch của ông Ahtisaari khiến một số nước trong khu vực lo âu. Giới chức Slovakia cho đây là "kế hoạch nguy hiểm". Tổng thống Ba Lan tỏ ra hoài nghi và nhận xét rằng kế hoạch không dẫn đến giải pháp tốt. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì thẳng thừng tuyên bố: "Chúng tôi có những quan điểm và suy nghĩ hoàn toàn khác".

 

Rõ ràng là kế hoạch của ông Ahtisaari không cho người Serb bất cứ cơ hội nào để bảo vệ quyền lợi của mình ngay trên chính lãnh thổ của mình. Và nếu phương Tây vẫn tiếp tục đi theo con đường đó, đệ trình kế hoạch lên thông qua tại Hội đồng Bảo an LHQ, thì niềm hy vọng cuối cùng của người Serb là lá phiếu phủ quyết của Nga.

 

 

Goran Vasiljevic (Quỳnh An dịch)

 Theo Lao Động