1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sáu tổng thống châu Phi đến Nga và Ukraine tìm cách chấm dứt xung đột

Minh Phương

(Dân trí) - Sáu tổng thống châu Phi sắp tới sẽ đến Nga và Ukraine với hy vọng thúc đẩy các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa hai quốc gia láng giềng, Bloomberg đưa tin.

Sáu tổng thống châu Phi đến Nga và Ukraine tìm cách chấm dứt xung đột - 1

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (Ảnh: Reuters).

"Sáu nguyên thủ quốc gia sẽ đi lại giữa thủ đô của hai nước với nỗ lực tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình, ít nhất là đạt được một lệnh ngừng bắn", Bloomberg dẫn lời ông Zane Dangor, Vụ trưởng Vụ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nam Phi, ngày 17/5 cho biết.

Kế hoạch cụ thể chưa được công bố, song chuyến thăm của các nguyên thủ châu Phi dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới.

Trong cuộc họp trực tuyến với các nghị sĩ, ông Dangor nói rằng, sáng kiến trên đã được chia sẻ với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và nhận được sự ủng hộ.

"Chúng tôi cũng phối hợp với các bên khác, trong đó có Mỹ. Sáng kiến do Tổng thống Cyril Ramaphosa công bố nhìn chung nhận được sự ủng hộ rộng rãi", ông Dangor nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Nam Phi lưu ý thêm, Ngoại trưởng Naledi Pandor dự kiến hội đàm với người đồng cấp Ukraine tại Bồ Đào Nha sau vài ngày tới để thảo luận về sáng kiến châu Phi.

Thông tin được đưa ra sau khi Tổng thống Ramaphosa ngày 16/5 thông báo, lãnh đạo Ai Cập, Uganda, Zambia, Senegal và Cộng hòa Congo sẵn sàng tham gia vào sáng kiến hòa bình do Nam Phi đề xuất. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cũng nhất trí tiếp phái đoàn.

Nam Phi là một thành viên của nhóm BRICS cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Quốc gia này đến nay vẫn từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Moscow. Nam Phi khẳng định vị thế trung lập và sẽ không bị kéo vào cuộc đối đầu giữa các cường quốc.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Nam Phi bác bỏ cáo buộc của Đại sứ Mỹ cho rằng nước này cung cấp vũ khí, đạn dược cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo cáo buộc của Đại sứ Mỹ Reuben Brigety, Nam Phi đã chất vũ khí và đạn dược lên một tàu Nga tại căn cứ hải quân Simon's Town của Nam Phi vào tháng 12/2022. Số vũ khí sau đó được vận chuyển đến Nga.

Ngoài Nam Phi, Trung Quốc, một thành viên khác của BRICS, cũng đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột Nga - Ukraine.

Đặc phái viên Trung Quốc Li Hui hôm 17/5 đã kết thúc chuyến thăm hai ngày đến Kiev. Đây là một phần trong chuyến công du châu Âu của ông Li. Ngoài Ukraine, ông sẽ đến Nga, Ba Lan, Pháp và Đức.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, nhân dịp này, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã nêu rõ những nguyên tắc về một nền hòa bình công bằng và bền vững phải dựa trên việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

"Ngoại trưởng Kuleba nhấn mạnh, Ukraine không chấp nhận bất cứ đề xuất nào bao gồm việc nhượng bộ lãnh thổ hay đóng băng xung đột", thông cáo của Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay.

Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định, Nga vẫn sẵn sàng lắng nghe các đề xuất hòa bình. Moscow cho rằng, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với triển vọng hòa đàm chấm dứt xung đột là việc Ukraine không thừa nhận thực tế và Tổng thống Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đối thoại với chính quyền Tổng thống Putin.

Theo RT, Reuters