1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau Đức, Mỹ lên kế hoạch rút quân khỏi Hàn Quốc

(Dân trí) - Lầu Năm Góc được cho là đã trình Nhà Trắng phương án giảm bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc bất chấp quan hệ đồng minh thân cận.

Sau Đức, Mỹ lên kế hoạch rút quân khỏi Hàn Quốc - 1

Lính thủy đánh bộ Mỹ - Hàn tập trận chung vào năm 2016. (Ảnh: Sputnik)

Wall Street Journal ngày 17/7 dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét phương án giảm một phần trong số 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và đã trình phương án này cho chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm tái triển khai và giảm bớt hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Nhà Trắng ngày 8/6 cho biết Tổng thống Trump sẽ “đánh giá lại liên tục” hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài. 

Hiện các quan chức trong chính quyền Trump từ chối cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch cắt giảm binh sĩ tại Hàn Quốc, đồng thời cho biết vẫn chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Trước đó, Tổng thống Trump từng yêu cầu Hàn Quốc tăng cường đóng góp tài chính để duy trì sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ Mỹ ở quốc gia Đông Á này theo thỏa thuận chia sẻ chi phí song phương, hay còn gọi là SMA.

Nhiều người lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng kế hoạch rút quân như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về SMA, mặc dù giới chức quốc phòng của hai nước đồng minh đều phủ nhận kế hoạch rút quân trong tương lai.

Tổng thống Trump đã phê chuẩn kế hoạch rút 9.500 binh sĩ khỏi Đức - một đồng minh quan trọng của Mỹ tại NATO. Con số này chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 34.000 binh sĩ Mỹ tại Đức - quốc gia có nhiều binh sĩ Mỹ đồn trú nhất tại châu Âu.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Bild (Đức) hồi tháng 6, cựu đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell cho biết Tổng thống Trump muốn phát đi thông điệp rằng “người Mỹ đã mệt mỏi với việc chi trả quá nhiều cho việc phòng vệ của các nước khác”, và đây cũng là “quan điểm chính trị mà Tổng thống Trump đưa ra từ lâu”.

Thành Đạt

Theo Sputnik