1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau căng thẳng vùng Vịnh, Mỹ và Iran dễ bùng phát chiến tranh?

Cuộc chiến ngôn từ và cuộc chiến hình ảnh giữa Mỹ và Iran đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột tại khu vực.

Sau khi Quân đội Mỹ công bố đoạn băng ghi hình chứng minh Iran là thủ phạm vụ tấn công hôm 13/06 nhằm vào 2 tàu chở dầu trên eo biển Hormuz, hôm qua (14/6) đến lượt Tổng thống Mỹ Donald Trump “chỉ đích danh” Iran phải chịu trách nhiệm.

Sau căng thẳng vùng Vịnh, Mỹ và Iran dễ bùng phát chiến tranh? - 1

Tàu chở dầu bốc cháy tại vùng Vịnh do bị tấn công. Ảnh: AP.

Trong khi đó, nước Cộng hòa Hồi giáo cũng công bố những bằng chứng cho thấy nước này là nước đầu tiên có mặt để giải cứu các thủy thủ đoàn, chứ không phải là thủ phạm theo như những cáo buộc vô lý của Mỹ. Cuộc chiến ngôn từ và cuộc chiến hình ảnh giữa hai bên đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xung đột tại khu vực.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Fox News, Tổng thống Mỹ Trump cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu, 1 của Na Uy và 1 của Nhật Bản, trên Vịnh Oman. Theo nhận định của Nhà lãnh đạo Mỹ, đoạn băng nghi hình do Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ công bố đã “tố cáo” hành vi của Iran.

“Chính Iran đã thực hiện vụ tấn công. Các bạn đã nhìn thấy tàu của Iran đang tìm cách gỡ thủy lôi và điều đó đã nói lên tất cả. Tôi đoán rằng một trong số thủy lôi không phát nổ và có lẽ về cơ bản Iran đã thực hiện vụ này”, ông Trump nói.

Trước đó hôm 13/6 ngay sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng chỉ trích Iran đã thực hiện các vụ tấn công trên biển Oman. Còn Bộ Quốc phòng Mỹ thì công bố một đoạn băng ghi hình, mà theo họ đã cho thấy một đơn vị tuần tra của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang tìm cách thu hồi lại một quả thu lôi chưa kịp phát nổ trên 1 trong số 2 tàu chở dầu bị tấn công. Theo chính quyền Mỹ, đoạn băng là bằng chứng chứng minh Iran là thủ phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, rất khó để xác định chính xác những gì đã xảy ra bởi chất lượng hình ảnh xấu.

Ngay sau đoạn băng ghi hình của Bộ Quốc phòng Mỹ, đến lượt kênh truyền hình Press TV của Iran công bố bằng chứng của mình. Đoạn băng của Press TV cho thấy hình ảnh các thủy thủ được giải cứu khỏi 2 chiếc tàu gặp nạn. Những người này đã sử dụng tiếng Anh để bày tỏ sự cảm ơn với Iran.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thì lên án mạnh mẽ những hành động gần đây của Mỹ, cho rằng đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định trong khu vực.

“Trong suốt 2 năm qua, chính phủ Mỹ đã có những hành động đi ngược lại với luật pháp và cấu trúc quốc tế bằng cách tận dụng năng lực kinh tế, tài chính và quân sự của mình, cùng với một chính sách thù địch. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định khu vực và quốc tế”, ông Rouhani nói.

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Darif cho rằng, việc Mỹ vội vàng chĩa mũi nhọn vào Iran rõ ràng cho thấy, Mỹ, Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đang đi tới một kế hoạch “B” nhằm phá hoại các nỗ lực ngoại giao, bao gồm cả nỗ lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để bao che cho hành vi khủng bố kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 14/6 kêu gọi về một cuộc điều tra độc lập để xác minh sự thật và người chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman.

Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày ra thông cáo lên án mạnh mẽ các vụ tấn công, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh đưa ra những kết luận vội vàng. Theo Bộ Ngoại giao Nga, là không thể chấp nhận khi cáo buộc một ai đó hay một nước nào đó liên quan tới vụ tấn công trước khi có kết luận điều tra quốc tế chính thức.

Theo Thu Hoài

VOV1