Sắp qua rồi thời của "những bố già lịch sự"
Cũng như ở Sicily, các "siêu bố già" châu Á và Nam Mỹ bành trướng tổ chức của mình ra các vùng đất khác dựa theo các tập tục truyền đời về dòng tộc, thân bằng quyến thuộc, đồng hương làng xóm, họ hàng xa gần… nôm na là tất cả những Nhật kiều, Hoa kiều hay Colombia kiều nào có thể lôi kéo và thu phục được.
Mạng chân rết chiêu dụ ngoại kiều được giới bố già thiết lập nhan nhản khắp nơi, nhằm mục đích bén rễ để rồi… liên tục phát triển và biến tướng thành những dạng khác mà mức độ tàn nhẫn và nguy hiểm khiến lực lượng công quyền các nước phải e dè.
Ở Nhật Bản, Yakuza bao gồm 2 nghĩa: thứ nhất là dãy chữ số "8 - 9 -3", một phức hợp số căn bản trong một trò chơi Nhật Bản cổ truyền; thứ 2 là "vô ích" hoặc "không cần thiết" theo chữ tượng hình Nhật.
Theo truyền thống sơ khai thì thành viên Yakuza luôn là người đại diện cũng như đứng ra bênh vực cho những ai yếu thế, góa bụa và côi cút. Do vậy dưới nhãn quan của lớp người Nhật cổ hủ, thì Yakuza chính là phần đối lập "đầy nhân bản" trong xã hội, với tổ chức đội ngũ dựa trên cấu trúc nền tảng của văn hóa dân tộc, luôn tuân thủ các giá trị truyền thống, cũng như đề cao quy tắc quân chủ tuyệt đối trong đường lối hành xử.
Hội viên Yakuza rất được trọng vọng suốt nhiều thế kỷ qua, bởi họ luôn tự cho mình có xuất xứ từ giới võ sĩ đạo Samurai. Còn viên hội trưởng, mà người Nhật gọi là "Oyabhun" có quyền định đoạt sinh mạng của bất cứ ai. Người nào muốn gia nhập tổ chức Yakuza, trước tiên phải tự chặt đứt ngón tay út bên trái để tỏ lòng trung thành tuyệt đối và phục tùng vô điều kiện, rồi bọc ngón tay đó trong miếng vải len trắng dâng lên lễ kết nạp hội viên mới.
Điều khác biệt nữa, rằng tuy nổi danh là một tổ chức dạng mafia truyền đời, nhưng lại được đăng ký hoạt động chính thức với nhà chức trách như là một tổ chức hội đoàn chuyên ngành, với tôn chỉ và phù hiệu riêng, cũng như tên tuổi và địa chỉ cụ thể của từng hội viên.
Từng có 2 tổ chức tội phạm cùng tự xưng là Yakuza "chính thống" đã song song tồn tại. Đầu tiên là băng nhóm Yamaguchi-gumi được thành lập vào năm 1915, kiểm soát tới 3/4 các phi vụ buôn lậu hàng quốc cấm ở Nhật. "Siêu bố già" oyabhun Kazuo Taoka (1913-1981) huyền thoại từng cầm đầu tổ chức này trong hàng thập niên ròng, được giới hội viên tôn vinh qua biệt hiệu "Taoka gấu" do bản chất tàn ác của hắn.
Đến giữa năm 1981, "Taoka gấu" bị sát hại bởi bàn tay của một phe nhóm đối nghịch. Còn Masahisa Takenaka (1933-1985), kẻ kế nhiệm của Taoka không đủ trí lực đối phó với các băng đảng cạnh tranh, khiến chưa đầy 3 năm sau tổ chức Yamaguchi-gumi buộc phải tan rã, với cái chết của Takenaka tối 27-1-1985.
"Lấp chỗ trống" là oyabhun Hiroshi Yamamoto cùng đám thuộc hạ khát máu của hắn, với tên gọi trở lại chính thức là Yakuza. Ngay tức thì bùng nổ những cuộc thanh trừng đẫm máu giữa các tổ chức tội phạm thuộc thế giới ngầm Tokyo. Thêm một điều khác biệt nữa là nhân danh sự sủng ái cố hữu với tổ chức của mình, giới Yakuza hiện đại thường công khai cho đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Nhật cái câu lịch thiệp cửa miệng: "Xin đồng bào thứ lỗi về những điều bực mình do chúng tôi tạo ra"(?!)
"Thủ lĩnh" H. Yamamoto tiến vào thống lĩnh thị trường tình dục trong khu Kabukicho ở Tokyo, sau đó thì thâm nhập sang lĩnh vực chuyên doanh nô lệ da trắng. Như trong một bản báo cáo mới đây của FBI cho biết: "Thậm chí đang tồn tại một trường hợp phổ biến bây giờ, là giới nghệ sĩ và vũ nữ Hoa Kỳ nằm trong vòng cương tỏa của mafia Nhật Bản luôn bị buộc phải… bán dâm".
Chưa hết, Yakuza đang kiểm soát một mạng lưới rộng khắp các sòng bạc phi pháp, lôi cuốn đến 30 triệu lượt con bạc thường niên. Với hơn 12.000 tụ điểm bài bạc đủ kiểu đã đem lại cho Yakuza khoản doanh số siêu lợi nhuận chừng 21 tỉ USD/năm.
Ngoài ra Yakuza cũng "không buông tha" thị trường vũ khí chợ đen. Trong khi một khẩu súng lục được bán công khai ở Mỹ với giá 40 USD; còn ở Nhật, việc mở các cửa hàng "giết nhau" dạng này hoàn toàn bị cấm, thì lại có thể mua chui với giá gấp cả trăm lần: 4.000 USD!
Một lĩnh vực hoàn toàn mới nữa là Yakuza đang tích cực thâm nhập vào các cơ sở kỹ nghệ hàng đầu, những kẻ thuộc dạng này được bọn tội phạm gọi theo tiếng lóng là "Sokaya".
Nhiệm vụ của các sokaya là giành quyền bảo kê cục bộ bên trong các cơ sở ấy, đồng thời ra sức cản trở các đối thủ cạnh tranh. Sokaya được huấn luyện sao cho ban lãnh đạo các hãng và công ty có Yakuza thâm nhập không thể phát hiện ra "sức cản nội bộ" đó. "Một siêu bố già sokaya 73 tuổi ẩn danh, thường xuyên nhận được khoản tiền 800.000 USD mỗi năm qua các hoạt động 2 mang kiểu này - một chuyên viên điều tra cao cấp giấu tên cho biết - Vừa ăn tiền của cả nạn nhân lẫn đối thủ trên thương trường kinh doanh đầy khốc liệt ở Tokyo".
"Dưới mắt giới gangster châu Á, thì các bố già Cosa Nostra chỉ là những chú lùn tội nghiệp, hoặc là những thằng nhóc vắt mũi chưa sạch! - ông Thomas Mazzucco, Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California quả quyết, đồng thời cho biết thêm - Hiện nay hơn 1/5 lượng heroin tiêu thụ tại Mỹ có nguồn gốc từ các cơ sở bào chế của Tam hoàng".
Tam Hoàng là một tổ chức dạng hội kín xuất hiện ở Trung Quốc hơn 4 thế kỷ trước, với tiêu chí ban đầu là chống đối triều đình phong kiến thối nát; rồi theo dòng chảy của thời gian, Tam Hoàng đã lột xác biến thành một tổ chức tội phạm hùng hậu.
Trong thập niên 60 thế kỷ trước, băng đảng Tam Hoàng tại Mỹ vẫn giữ được các nền tảng cố hữu: quy chế hoạt động truyền thống, sự phục tùng mọi mệnh lệnh một cách mù quáng, cũng như lòng tôn kính người già và biết phân chia vùng ảnh hưởng trên tinh thần ái hữu tương trợ.
Nhưng rồi mọi sự đã bị phá vỡ, kéo theo những cuộc tranh giành lãnh địa đẫm máu giữa Tam Hoàng với các nhóm mafia Mỹ bản địa, kéo dài triền miên ở cả New York lẫn San Francisco trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1983.
Giới điều tra Mỹ đã lần đến W. Chan, kẻ được coi là "sếp của các sếp sòng" trong Tam Hoàng đang sở hữu một mạng lưới nhà hàng và tiệm giặt là rộng khắp, cũng là kẻ được FBI coi là con cá bự trong hệ thống cung cấp và bán lẻ heroin với các chân rết tại cả 50 tiểu bang. Khi bị thẩm vấn, Wing còn trơ trẽn biện hộ rằng: "Tôi đâu có ham hố gì việc thực thi bạo lực, bởi bạo lực sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch".
Nhưng với cái chết của mình giữa trung tâm Manhattan, W. Chan buộc phải nhường bước trước Herbert Lee - đại diện tiêu biểu của thế hệ Hoa kiều nhập cư mới. H. Lee luôn nung nấu ý định hất cẳng "chú Wing", nên đã mượn tay một băng nhóm chuyên đâm thuê chém mướn người Hoa, với sở trường võ kungfu ra tay hành quyết W. Chan để thâu tóm cả vùng lãnh địa trù phú phía Đông Broadway (New York) về tay mình.
"Thế hệ gangster Trung Hoa mới muốn hết thảy và luôn sẵn sàng giương nòng súng ra để hoàn tất mục tiêu ấy", Đại tá Bill Bratton, sếp của lực lượng cảnh sát New York nhận định. Những khu vực tập trung người Hoa tại các đô thị Mỹ bây giờ đã biến thành những chốn đầy ác mộng.
Tại Colombia, đa phần các băng nhóm mafia đều nhúng tay vào chính trường, thậm chí chúng còn công khai bày tỏ ý nguyện có chỗ đứng ngay cả trong Chính phủ trung ương nữa. Người ta không thể liệt kê hết những kẻ thuộc dạng "bố già" đang hiện diện trong giới lãnh đạo thông tấn, tài chính và ngay cả tại Quốc hội Colombia.
Mặt khác chúng cũng luôn ra sức thu phục nhân tâm của giới cần lao, như siêu bố già Pablo Escobar (1949-1993) từng bỏ tiền ra xây nhà cho người nghèo ở Medelin. Nhưng nếu như cả Lehder lẫn Escobar từng công khai thừa nhận rằng đã đầu tư hàng chục triệu USD cho các đảng phái chính trị, thì Fabio Ochoa Vasquez - tên bố già "lép vế" chịu đứng hàng thứ 3 ở Colombia - lại chuyên lấy niềm tin của công chúng trong lĩnh vực thể thao.
F. Vasquez từng sở hữu những khu biểu diễn đồ sộ với cá heo, các sới đá gà bao la cùng nhiều sân vận động, trường đấu bò. Nhưng ít ai biết rằng, trong khu trang trại rộng tới 300ha của mình, Vasquez đã cho ngụy trang một tuyến đường băng trá hình tránh khỏi những cặp mắt tò mò không thân thiện, để làm nơi xuất phát những chuyến thủy phi cơ chuyên dụng chất đầy "hàng trắng" sang Mỹ.
Thời của "những bố già lịch sự" sắp khép lại với sự ra đời của Mara Salvatrucha hay còn gọi là MS-13, tập hợp những tên sát thủ gốc Mỹ Latinh, chuyên buôn bán ma tuý, hoạt động mại dâm, giết người thuê và hãm hiếp tập thể. MS-13 ước chừng có khoảng 100.000 thành viên với các chân rết trên khắp thế giới. Chúng có đặc điểm nhận dạng riêng với nhiều hình xăm trên khuôn mặt và cơ thể. Có nhiều lời đồn đại cho rằng, những kẻ muốn gia nhập băng MS-13 phải giết cha ruột của chúng để chứng tỏ lòng thành. Sau khi gia nhập băng đảng, chúng sẽ phải gắn bó với nó tới khi chết.
Thành viên các băng đảng thường ra hiệu cho đồng đội nhờ biểu tượng tạo hình bằng bàn tay. MS-13 bắt đầu gây dựng băng đảng tại California, Mỹ bởi 2 thành viên Julio Cesar và Ernesto Miranda khi cả 2 còn rất trẻ. Tuy nhiên, giờ đây sự bành trướng của nó đã lan ra toàn châu Mỹ, tới tận Mexico, Canada, Nam Mỹ và phần lớn các quốc gia khu vực Trung Mỹ, đặc biệt là tại các quốc gia như Mexico, Guatemala, Honduras, El Salvador, Puerto Rico.
Năm 2005, FBI đã tuyên bố rằng MS-13 được coi là băng đảng tội phạm nguy hiểm nhất không chỉ trên đất nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Adelaide Advertiser cho thấy chúng đang muốn tạo sức ảnh hưởng ở Australia và các quốc gia khác.
Những thanh niên nghèo, thất học ở thủ đô của các nước Mỹ Latinh luôn nghĩ rằng họ chỉ có hai con đường cho tương lai: tham gia MS-13 hay gia nhập Barrio 18 (nhóm tội phạm đường phố ra đời tại thành phố Los Angeles và hoạt động trong các khu ổ chuột). Riêng ở Mỹ, Barrio 18 hoạt động tại khoảng 20 bang, trong đó California là bang mà số lượng thành viên của chúng đạt mức lớn nhất. MS-13 hoành hành tại Los Angeles, San Francisco, thủ đô Washington, New York, New Jersey và Houston.
Băng đảng này trở thành mối đe dọa ở Bắc Mỹ, khiến chính quyền Mỹ lo ngại và bắt đầu trục xuất các thành viên về Trung Mỹ. Việc trục xuất đã phản hiệu quả, khi những tội phạm bị trục xuất quay lại El Salvador và tuyển dụng thành viên mới, sau đó quay về Mỹ theo các tuyến đường di trú bất hợp pháp, làm bùng nổ làn sóng tội phạm ở các vùng ngoại ô Mỹ, tiếp tục phát triển mạnh về cả số lượng và mức độ tàn nhẫn khiến Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phải thành lập một lực lượng đặc nhiệm trấn áp băng đảng này.
Một trong những tội ác kinh hoàng mà băng đảng này gây ra là vụ xả súng vào tháng 12-2004 ở Honduras, cướp đi sinh mạng của 28 người. Nạn nhân hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Vụ việc được xem là để phản đối kế hoạch tái thi hành án tử hình của chính phủ. Nếu đụng độ giữa cảnh sát và và một nhóm tội phạm khiến một thành viên của chúng bị thương hoặc thiệt mạng, toàn bộ băng đảng sẽ tìm mọi cách trả thù cảnh sát. Nhờ danh tiếng bạo lực mà MS-13 được Sinaloa, băng đảng ma túy Mexico, một trong những nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất thế giới, rất tín nhiệm và thường xuyên thuê thực hiện các nhiệm vụ trả thù, buôn bán ma túy, buôn người, hiếp dâm.
Ở El Salvador, quyền lực của MS-13 bao trùm lên cả nhà tù, khi phạm nhân là thành viên MS-13 có buồng giam riêng, giám thị cũng e dè không dám bước vào. Penas Ciudad Barrios là nhà tù dành riêng cho thành viên MS-13. Trại giam này có sức chứa 800 người nhưng giam giữ tới 2.500 người.
Nơi đây trở thành một "cộng đồng" thu nhỏ của MS-13, với cả bệnh viện và tiệm bánh do thành viên điều hành. Tháng 10-2012, Bộ Tài chính Mỹ công bố đóng băng các tài khoản thuộc sở hữu của MS -13 và coi chúng là "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia".
Theo Quang Phú - Quang Hiếu (tổng hợp)
An ninh thế giới