Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn tại thị trường Anh
(Dân trí) - Cao ủy Thương mại Anh tại châu Á - Thái Bình Dương Martin Kent cho biết quan hệ thương mại Vương quốc Anh - Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhân chuyến thăm của Cao ủy Thương mại Anh tại châu Á - Thái Bình Dương Martin Kent tới Việt Nam, phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn về hợp tác thương mại giữa Vương Quốc Anh - Việt Nam và điểm nhấn quan trọng về hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiệp định Thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) đã tạo động lực cho thương mại song phương như thế nào? Trong thời gian tới, hai nước cần làm gì để tận dụng động lực và lợi thế của hiệp định này, thưa ông?
Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) nổi lên như một nền tảng để tăng cường thương mại song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác kinh tế và cơ hội cho cả hai quốc gia.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã bắt đầu mang lại những lợi ích rõ rệt, tạo ra sự thúc đẩy đáng kể cho thương mại song phương thông qua các cơ chế và quy định khác nhau nhằm thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn.
Trong những năm qua, thương mại song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể và với thương mại song phương đạt mức cao nhất mọi thời đại, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác thương mại Đông Nam Á quan trọng nhất của Vương quốc Anh.
Thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong mười năm qua từ 3 tỷ bảng Anh vào năm 2013 lên khoảng 6 tỷ bảng Anh vào năm 2023. Điều này một phần có được nhờ UKVFTA, hiệp định đã đặt nền móng cho sự hợp tác kinh tế ngày càng sôi động.
Để tiếp tục tận dụng đà tăng trưởng này, cả hai nước đang tập trung thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực then chốt, tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn thông qua các sáng kiến và hiệp định chung, đồng thời liên tục cập nhật và cải thiện các điều khoản của hiệp định để thích ứng với những thay đổi của bối cảnh kinh tế.
Ngoài ra, những nỗ lực nâng cao nhận thức về lợi ích của UKVFTA giữa các doanh nghiệp và các bên liên quan ở cả hai quốc gia sẽ rất quan trọng để tối đa hóa tác động tiềm năng của nó.
Chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN - Anh (EIP) đã được triển khai vào tháng 4 vừa qua. Xin ông cho biết tác động của sáng kiến này đối với Việt Nam cũng như quan hệ thương mại Việt - Anh?
Việc khởi động Chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN - Anh trị giá 25 triệu bảng đã nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc hợp tác với ASEAN nhằm hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết hơn. Chương trình sẽ khai thác các cơ hội từ nền kinh tế kỹ thuật số với trọng tâm là trao quyền kinh tế cho phụ nữ và phát triển doanh nghiệp nhỏ.
Chúng tôi mong muốn mang kiến thức chuyên môn của Vương quốc Anh về cải cách quy định, dịch vụ tài chính và chính sách thương mại đến ASEAN vì sự thịnh vượng chung.
Việt Nam là thị trường trọng điểm của Anh trong ASEAN với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chính sách thương mại tự do. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Xin ông cho biết việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có ý nghĩa như thế nào đối với Vương quốc Anh và hợp tác thương mại Vương quốc Anh - Việt Nam?
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do rộng lớn bao gồm một số nền kinh tế năng động và đang phát triển nhanh nhất trên thế giới khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ. Với việc Anh là thành viên, khối này sẽ chiếm 15% GDP toàn cầu. Chúng tôi rất vui mừng khi Singapore, Nhật Bản và Chile đã chính thức phê chuẩn việc chúng tôi gia nhập CPTPP.
Đạo luật CPTPP gần đây cũng đã nhận được sự đồng thuận của Quốc vương tại Quốc hội Vương quốc Anh, có nghĩa là chúng tôi đang tiến một bước gần hơn đến việc có hiệu lực vào cuối năm nay.
CPTPP là cửa ngõ kinh tế vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Mỹ, mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp Anh trong khu vực chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu và một nửa số người tiêu dùng trung lưu trên thế giới trong những thập niên tới.
Việc tham gia khối liên minh thương mại có tiêu chuẩn cao và tư duy tiến bộ này cho phép chúng tôi hợp tác với Việt Nam và các thành viên CPTPP khác để định hình các hệ thống thương mại trong tương lai, chẳng hạn trong các lĩnh vực như thương mại kỹ thuật số.
Vì vậy, CPTPP sẽ cho chúng tôi cơ hội để nhận được ưu đãi thương mại với Việt Nam và phát huy tiềm năng của Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) có hiệu lực vào năm 2021.
Là một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng hơn 5% trong năm ngoái và được dự đoán sẽ tăng khoảng 6% trong năm nay, chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác quan trọng và cam kết tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác thương mại.
Một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam là thương mại nông nghiệp. Theo ông, hai nước đã hợp tác như thế nào để thúc đẩy thương mại nông nghiệp?
Tôi vui mừng khi thấy mối quan hệ thương mại nông nghiệp song phương của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, với xuất khẩu thương mại nông sản sang Việt Nam tăng 97% từ năm 2019 đến năm 2023.
Vương quốc Anh đã thể hiện cam kết sâu sắc của mình đối với mối quan hệ này, với việc chính phủ Anh đã điều một tùy viên Nông nghiệp sang làm việc tại Đại sứ quán của chúng tôi ở Hà Nội và thực hiện một số chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Anh và Giám đốc Thú y Vương quốc Anh.
Việt Nam luôn có sự hiện diện mạnh mẽ trong lĩnh vực Thực phẩm và Đồ uống ở Anh, trong đó người tiêu dùng Anh thường xuyên thưởng thức hải sản, trái cây và cà phê của Việt Nam, cùng nhiều loại sản phẩm khác. Tôi vui mừng vì năm 2023 chứng kiến chuyến hàng sầu riêng và cam Cao Phong đầu tiên từ Việt Nam đến Vương quốc Anh.
Tháng trước, các yêu cầu nhập khẩu sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh đã có hiệu lực. Việt Nam là một trong 23 quốc gia ngoài EU được Vương quốc Anh đánh giá cụ thể, nhờ đó, nhà xuất khẩu có thể hưởng lợi từ tần suất kiểm tra thấp hơn và thủ tục đơn giản hóa, thể hiện cam kết của Vương quốc Anh trong việc tăng cường thương mại nông sản song phương. Mặc dù các yêu cầu này sẽ liên tục được đánh giá lại và có thể tăng hoặc giảm, nhưng điều này mang lại cơ hội hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam tận dụng.
Mối quan hệ này dự kiến sẽ được cải thiện hơn nữa nhờ việc chúng tôi gia nhập CPTPP, từ đó mang lại nhiều lợi ích về thuế quan mới bên cạnh Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) hiện tại của chúng ta, đặc biệt là đối với lĩnh vực hải sản và đồ ăn nhẹ.
Kỳ vọng của ông về tương lai thương mại nông nghiệp giữa Vương quốc Anh và Việt Nam là gì, thưa ông?
Sản phẩm của Anh đã được ưa chuộng khắp Việt Nam. Có lẽ sản phẩm dễ nhận biết nhất của chúng tôi ở Việt Nam là Scotch Whisky. 85% rượu whisky được tiêu thụ tại Việt Nam là Scotch Whisky, được sản xuất tại một trong 147 nhà máy chưng cất trên khắp Scotland.
Scotch Whisky được hưởng lợi từ việc là sản phẩm đặc trưng của một vùng, việc sản xuất sản phẩm này được bảo vệ về mặt pháp lý (bao gồm cả ở Việt Nam) và chỉ có thể được sản xuất theo các phương pháp cụ thể ở Scotland.
Tôi nhìn thấy những cơ hội to lớn để Việt Nam đi theo con đường tương tự cho các sản phẩm mang tính biểu tượng của khu vực, như hạt tiêu Phú Quốc và cam Cao Phong. Hải sản Anh cũng rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Các sản phẩm của Anh như cua nâu, tôm hùm được người tiêu dùng Việt Nam trên khắp cả nước yêu thích và được ưa chuộng vì hương vị hấp dẫn nhờ được nuôi trồng ở vùng nước sạch, trong và mát quanh Quần đảo Anh.
Cá hồi Scotland là mặt hàng thực phẩm xuất khẩu lớn nhất của Vương quốc Anh và có rất nhiều cơ hội để sản phẩm cao cấp này được tiêu thụ tại các cửa hàng dịch vụ ăn uống cao cấp tại Việt Nam. Và thật phấn khởi, chúng ta sẽ sớm được chứng kiến chuyến hàng thịt lợn và gia cầm đầu tiên của Anh đến Việt Nam.
Đây là thời điểm quan trọng trong mối quan hệ thương mại nông nghiệp của chúng ta vì đây là sản phẩm thịt gia súc gia cầm đầu tiên được phép xuất khẩu từ Vương quốc Anh.
Thịt của Anh được sản xuất theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về sức khỏe động vật, phúc lợi và an toàn thực phẩm, ví dụ hormon kích thích tăng trưởng bị cấm, chỉ bác sĩ thú y mới có thể kê đơn thuốc kháng sinh, 90% lợn ở Anh được nuôi theo tiêu chuẩn phúc lợi cao hơn yêu cầu của luật pháp châu Âu.
Tôi hy vọng trong lần tiếp theo tới Việt Nam, tôi có thể thưởng thức món bún chả làm từ thịt lợn Anh!
Xin cảm ơn ông!
Đại sứ quán Anh tại Hà Nội ngày 14/5 chính thức công bố Báo cáo Thương mại Nông nghiệp Anh - Việt Nam với tiêu đề "Kết nối Vương quốc Anh và Việt Nam trong Nông nghiệp, Thực phẩm và Đồ uống".
Báo cáo nhấn mạnh một số yếu tố chính trong mối quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước:
- Nền kinh tế Việt Nam thường được ví như con rồng đang trỗi dậy ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với dân số trẻ cùng tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, có thu nhập tăng dần đều và thói quen tiêu dùng ngày một tinh tế, thị trường Việt Nam đang gia tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao và có nguồn gốc nước ngoài, mang lại cơ hội hấp dẫn cho thực phẩm và đồ uống của Vương quốc Anh.
- Các doanh nghiệp Anh đang mong muốn khám phá Việt Nam như một thị trường mới để giới thiệu nhiều loại thực phẩm và đồ uống chất lượng cao. Thực phẩm và Đồ uống là ngành sản xuất và chế biến mang lại doanh thu lớn nhất của Anh với các quy định và quy trình chứng nhận nghiêm ngặt. Cách tiếp cận toàn diện nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của Anh giờ đây đã trở thành một chuẩn mực toàn cầu.
- Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) đã và đang mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt tiếp cận thực phẩm và đồ uống chất lượng cao của Anh. Đồng thời, việc Vương quốc Anh sắp gia nhập CPTPP vào năm 2024 hứa hẹn nhiều tiềm năng mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
- Các sản phẩm nông sản Anh xuất khẩu sang Việt Nam đáng chú ý bao gồm rượu whisky, hải sản và bánh kẹo, còn hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang Anh chủ yếu bao gồm trái cây nhiệt đới, cà phê, các loại hạt và hải sản.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cung cấp những thông tin cập nhật về vai trò chủ chốt của nông sản Anh trên thị trường quốc tế cũng như sự phù hợp của sản phẩm Anh với sở thích tiêu dùng của người Việt và tiềm năng tăng trưởng thương mại giữa hai quốc gia.