Sai lầm khiến tàu sân bay phát xít Nhật phát nổ bởi một quả ngư lôi
(Dân trí) - Các sai lầm về mặt thiết kế cũng như vận hành từng khiến tàu sân bay tối tân của phát xít Nhật thời Thế chiến II phát nổ vì 1 quả ngư lôi của Mỹ.
Ngày 19/6/1944, 6 quả ngư lôi từ tàu ngầm hải quân Mỹ USS Albacore tấn công vào tàu sân bay Taiho của phát xít Nhật khi nó đang hoạt động trên Biển Philippines. Theo National Interest, đây là một trong những trận chiến với tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử và là trận chiến quy mô lớn cuối cùng mà tàu sân bay phát xít Nhật tham chiến trong Thế chiến II.
“Bong bóng màu trắng xuất hiện trên mặt nước. “Báo động ngư lôi”, những chiếc loa phóng thanh bắt đầu phát ra lệnh chỉ huy”, người còn sống sót trên chiếc tàu chìm, Shioyama Sakuichi kể lại.
Một quả ngư lôi đánh trúng thân tàu, trong khi một phi công bay gần tàu Taiho nhanh chóng lao vào bắn hạ 1 quả khác. Bốn quả còn lại đi trượt mục tiêu.
Bảy giờ đồng hồ sau, Taiho nổ tung và chìm xuống với 1.650 thủy thủ và hàng chục máy bay. Chỉ có 500 thủy thủ sống sót. Đó là một sự thiệt hại không thể phục hồi với hạm đội Nhật Bản trong thời điểm đó. Taiho đã chìm ngay trong nhiệm vụ tác chiến đầu tiên, chỉ 3 tháng sau khi nó gia nhập biên chế.
Trên lý thuyết, về mặt cấu tạo, Taiho rõ ràng là khó có thể dễ dàng chìm với một quả ngư lôi như vậy vì nó được thiết kế với lớp giáp chắn kiên cố hơn hẳn những con tàu tiền nhiệm.
Tuy nhiên, theo National Interest, chính sự thiết kế quá kiên cố đã biến thành điểm yếu khiến con tàu nhanh chóng chìm xuống đáy đại dương. Taiho khá khác biệt so với các tàu sân bay phát xít Nhật thời bấy giờ khi nó là tàu đầu tiên được bọc thép sàn đáp thay vì gỗ như các tàu tiền nhiệm. Gỗ khiến tàu nhẹ hơn nhưng lại dễ bị bom đối thủ xuyên thủng khi tấn công.
Năm 1942, trong hải chiến Midway, một quả bom nặng hơn 450 kg đã rơi xuống sàn tàu sân bay Kaga từ máy bay SBD Dauntless của Mỹ. Quả bom đánh trúng số nhiên liệu trên tàu sau khi xuyên thủng sàn và làm Saga nổ tung. Đây là 1 trong 4 tàu sân bay Nhật Bản bị chìm trong trận Midway.
Taiho đã ra đời với mặt sàn đáp bằng thép và có khả năng mang 84 máy bay về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự chắc chắn đó chính là lượng giãn nước của Taiho lên tới khoảng 37.000 tấn. Năm 1944, phát xít Nhật cũng từng cắt giảm số máy bay trên tàu xuống 77 chiếc.
Tuy nhiên, Taiho vẫn rất nặng và thân nó chìm khá sâu dưới mực nước biển. Khoang chứa máy bay của tàu sân bay này gần nằm ngang mực nước biển trong khi giếng thang máy, nơi máy bay di chuyển từ khu chứa tới boong cất cánh bằng thang máy, nằm dưới mực nước biển ở điểm thấp nhất.
Khi ngư lôi của Albacore đánh trúng Taiho, nó đã đánh vào phần thang máy và khoang chứa nhiên liệu nằm bên dưới. Mặt khác, bên trong thang máy, nước biển và nhiên liệu dễ cháy trộn lẫn với nhau.
Tuy nhiên, lúc này, những người phụ trách hoạt động kiểm soát thiệt hại trên tàu đã tiếp tục đưa ra quyết định sai lầm chết người khi tăng công suất hệ thống thông gió để đẩy khói từ vụ nổ ra khỏi khoang chứa máy bay mà quên mất việc nhiên liệu trong khoang phía dưới đang bị bốc hơi.
Quyết định này đã khiến hơi nhiên liệu bay khắp con tàu và chỉ vài giờ sau đó Taiho đã biến thành một quả bom và phát nổ, khiến con tàu mới chỉ tác chiến 3 tháng chìm xuống đáy biển sâu.
Đức Hoàng
Theo National Interest