1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sắc lệnh nhập cảnh của ông Trump: “Lớp sơn mới” trên chiếc “xe cũ”

(Dân trí) - Trong lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố, có một điều khoản ít được chú ý - nhưng các nước cần chú ý - vì nó có thể làm thay đổi phương thức Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại, tạo đòn bẩy cho ông Trump - người đã hứa mang đầu óc kinh tế vào chính sách ngoại giao của Mỹ.


Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP)

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP)

Đó là ý kiến được tờ LATimes nêu ra và khiến dư luận chú ý, trong bối cảnh nhiều ý kiến phản đối sắc lệnh này. Tổng chưởng lý bang Virginia, Mark Herring, gọi sắc lệnh sửa đổi là “một thông điệp tồi tệ”, trong khi nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo khối thiểu số của phe Dân chủ trong Thượng viện, Mỹ gọi “nó chỉ là một lớp sơn mới trên 1 chiếc xe cũ không còn hoạt động được nữa”.

Một điều ít được chú ý trong sắc lệnh mới là ông Trump chỉ thị rà soát trên toàn cầu để xác định liệu có nên cấm nhập cảnh vào Mỹ công dân từ các nước bổ sung hay không. Ông yêu cầu các Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh, cùng các cơ quan tình báo, xác định những quốc gia nào không hợp tác với các quan chức nhập cư Mỹ đang kiểm tra những du khách muốn vào nước Mỹ.

“Chúng tôi đang xem xét toàn bộ - với phần còn lại của thế giới, và tất cả những thủ tục mà chúng tôi dùng để giải quyết với các nước", CNN dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói với các phóng viên.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ chào đón một lượng du khách tương đối tự do với giả định rằng khi mọi người thăm Mỹ, họ tiêu tiền, đầu tư và tìm hiểu về văn hoá và giá trị của Mỹ và có thể lan truyền ấn tượng này khi trở về nước mình.

Stewart Baker, cựu lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Mỹ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush, cảnh báo rằng các cuộc thương lượng về cấm nhập cảnh sẽ ẩn chứa đầy rủi ro.

"Chúng ta có đòn bẩy, nhưng nó không phải là đòn bẩy mà bạn thực sự muốn sử dụng”, LATimes dẫn lời ông Stewart Baker nói và cho biết thêm rằng các nước có thể bắt đầu cấm công dân Mỹ vào nước họ. "Nó giống như sự trao đổi hạt nhân, và không ai có thể tiến bộ hơn trong việc trao đổi hạt nhân - mọi người đều suy yếu”.

Công cụ thay đổi cách thức thực hiện chính sách đối ngoại?

Rõ ràng chính quyền của Trump đã tỏ dấu hiệu "mặc cả" về chính sách nhập cư.

Ví dụ, để đổi lấy việc loại Iraq khỏi danh sách các nước bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, chính quyền Trump đã thuyết phục các quan chức ở đó nhận những công dân Iraq bị trục xuất khỏi Mỹ - một yêu cầu mà các nhà ngoại giao Mỹ đã nỗ lực vô ích nhiều năm qua.

Iraq có thế riêng để dẫn dắt thỏa thuận. Khi ông Trump ban bố sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên hồi tháng 1, trong đó Iraq nằm trong số các nước có công dân bị cấm vào Mỹ, các quan chức Iraq đã dọa đóng cửa hàng trăm nhà thầu Mỹ ở nước này đang hỗ trợ các đơn vị quân đội và các công ty dầu mỏ của Mỹ.

Nhưng thư ký báo chí Nhà Trắng Spicer trấn an rằng sẽ không thể dùng lệnh cấm nhập cảnh để “dọa” gây áp lực với các nước về những vấn đề không liên quan đến an ninh quốc gia, nói thỏa hiệp ở Iraq là trường hợp đặc biệt. "Đây đơn giản là vấn đề an ninh quốc gia”.

Ông Trump đã hứa trong chiến dịch này, ông sẽ buộc các nước phải nhận tất cả công dân của họ bị trục xuất khỏi Mỹ.

Khoảng 22 nước không chấp nhận công dân trục xuất từ ​​Mỹ, trong đó có Afghanistan, Algeria, Trung Quốc, Iran, Libya, Somalia và Zimbabwe. Các tòa án đã phán quyết rằng công dân từ những nước này không thể bị giam giữ vô thời hạn để chờ bị trục xuất, ngay cả khi họ bị cáo buộc hình sự. Kết quả là, trong 3 năm qua, có hơn 8.000 người nhập cư có hồ sơ hình sự đã được phóng thích.

Nhưng đã có những cuộc thảo luận đang tập trung vào các vấn đề khác liên quan đến nhập cư. Theo một quan chức Mỹ, ngoài yêu cầu các nước nhận lại công dân bị trục xuất, chính quyền của Trump có kế hoạch xem xét chặt chẽ các quốc gia có công dân thường xuyên hết hạn thị thực.

Ấn Độ, Trung Quốc và Mexico nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người ở lại quá hạn visa cao. Họ cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Lệnh cấm nhập cư tạm thời áp dụng cho 6 quốc gia, hoặc là nhà nước bảo trợ khủng bố - Iran, Syria và Sudan - hoặc những quốc gia có tổ chức khủng bố hoạt động trên lãnh thổ của mình - Libya, Somalia và Yemen.

Một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết thêm, khi cân nhắc các quốc gia khác để bổ sung vào danh sách, các quan chức chính quyền Mỹ sẽ xem xét tính chính trực của lực lượng cảnh sát và khả năng quốc gia đó có thể cung cấp lịch sử hình sự chính xác, những biện pháp nào được áp dụng để ngăn người dân vào Mỹ bằng giấy tờ giả và quốc gia nào có số lượng lớn những người ở lại quá hạn visa ở Mỹ.

Một danh sách các nước không vượt qua “bài sát hạch” này dự kiến được gửi đến ông Trump vào đầu tháng 4, và các nước có thời gian đến hết tháng 5 để thay đổi.

Như vậy có thể nói, lệnh cấm nhập cảnh mới có thể là một công cụ có thể thay đổi cách thức Mỹ tiến hành chính sách đối ngoại.

Tuệ An

Tổng hợp