Rộ nghi vấn Triều Tiên đưa pháo tới Nga giữa xung đột ở Kursk
(Dân trí) - Các bức ảnh trên mạng xã hội dường như cho thấy các khẩu pháo của Triều Tiên đã được chuyển đến Nga.
Theo trang tin Kyiv Post, blogger thân Nga "Polkovnik GSH" cùng một số tài khoản khác đã đăng tải các bức ảnh trên Telegram vào ngày 14/11, trong đó ghi lại hình ảnh được cho là các toa tàu chở hệ thống pháo tự hành M1978 Koksan 170mm của Triều Tiên tại Nga.
Cùng ngày, blogger thân Ukraine "Exilenova+" đã đăng một bài viết trong đó các hình ảnh được định vị tại các đường ray gần Krasnoyarsk ở Nga.
Trang tin Newsweek cũng cho biết, một kênh Telegram của Nga đã công bố bức ảnh ngày 14/11, cho thấy 2 khẩu pháo được vận chuyển bằng đường sắt. Chúng được xác định là pháo tự hành M1989 Koksan 170mm của Triều Tiên.
Chú thích của bức ảnh có nội dung: "Chúng tôi có một đồng minh thực hiện các thỏa thuận, điều mà chúng tôi rất cảm kích".
Hiện Nga và Triều Tiên đều chưa lên tiếng về thông tin trên.
Trước đó, vào tháng 9, Ukraine tuyên bố phá hủy "kho dự trữ đáng kể" tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quy mô lớn vào một kho quân sự của Nga.
Hãng tin RBC-Ukraine hồi tháng 10 đưa tin, binh lính Nga đã bắt đầu huấn luyện trên các hệ thống pháo tự hành của Triều Tiên.
Các thông tin trên chưa được phía Nga xác thực.
Tại một diễn đàn an ninh ở Washington hồi tháng 9, Robert Koepcke, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Hàn Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ, cho biết, từ cuối tháng 12 năm ngoái, Nga được cho là đã phóng hơn 65 tên lửa Triều Tiên vào Ukraine.
"Từ tháng 9 năm ngoái, Nga đã nhận hơn 16.500 container vận chuyển đạn dược và vật liệu liên quan đến đạn dược từ Triều Tiên. Những vụ chuyển giao vũ khí này vi phạm rõ ràng nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc", ông Koepcke nói.
Triều Tiên đang chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí vì phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nga và Triều Tiên tuyên bố mặc dù hai nước có mối quan hệ tốt nhưng sự hợp tác của họ không vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, trái với tuyên bố của phương Tây.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 12/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói rằng, hơn 10.000 binh lính Triều Tiên đang đồn trú ở miền Đông của Nga và hầu hết đã chuyển đến khu vực Kursk, nơi họ đang tham gia các hoạt động chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang Nga để chống lại lực lượng Ukraine.
Ông Patel lưu ý các lực lượng Nga đã huấn luyện quân đội Triều Tiên về pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và các hoạt động bộ binh cơ bản, bao gồm các hoạt động đột kích chiến hào. Đây là những kỹ năng quan trọng đối với các hoạt động tiền tuyến.
Các nguồn tin quân sự phương Tây đánh giá, Nga đang dồn quân để đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
Nga và Triều Tiên đến nay tiếp tục bác bỏ cáo buộc Triều Tiên đưa quân đến Nga để tham chiến, cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Mặt khác, Moscow nêu rõ, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Hiệp ước nêu rõ, hai nước nên "ngay lập tức hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác bằng mọi phương tiện sẵn có" nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh.