1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Raqqa và kịch bản ''long tranh hổ đấu''

SDF đã chiếm được 60-70% căn cứ không quân chiến lược thành phố Tabqa, phía Bắc Syria.

Ngày 26/3, liên minh quân sự của người Kurd và người Arập được hậu thuẫn bởi Mỹ tại Syria tuyên bố, đã chiếm được một căn cứ không quân quan trọng tại thành phố Tabqa, phía Bắc Syria từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Reuters dẫn nguồn tin từ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), liên minh quân đội của người Kurd và người Arap tại Syria, cho hay họ đã chiếm được 60-70% căn cứ không quân chiến lược nói trên. Tuy nhiên nguồn tin cũng tiết lộ rằng, họ đang phải giao tranh khốc liệt với IS và các nhóm nổi dậy khác xung quanh khu vực căn cứ đó.

Bản đồ chiến sự Raqqa ngày 26/3
Bản đồ chiến sự Raqqa ngày 26/3

Việc SDF chiếm lại được căn cứ không quân gần đập Raqqa - đập nước lớn nhất Syria, vốn đang trong nguy cơ bị hư hại do các cuộc không kích bởi liên quân do Mỹ đứng đầu, có thể giúp nhóm này kiểm soát nguồn nước trong khu vực và gia tăng sức mạnh trong các cuộc đàm phán sắp tới với Chính phủ Syria.

Được biết, các cuộc giao tranh nói trên cùng với các vụ không kích của Mỹ tại khu vực này đã khiến nhiều dân thường và trẻ em thiệt mạng, trong khi hàng ngàn người khác phải rời bỏ nhà cửa để tránh thương vong.

Về phía quân Chính phủ Syria, chiến dịch Đông Aleppo - Raqqa đang bị chững lại sau khi chiếm được thị trấn chiến lược Deir Hafer. Các nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công dữ dội tại tỉnh Hama, buộc các lực lượng Tiger từ Đông Aleppo phải di chuyển về Hama tiếp viện cho chiến trường này.

Do đó, trong thời gian gần, quân đội Syria sẽ không thể tiến đến Raqqa để tham chiến với IS. Cục diện trên chiến trường này đang nghiêng về phía lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Tương lai Raqqa chưa định hình

Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị Andrei Veselov của RIA Novosti cho rằng, hiện chưa rõ bên nào tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa và điều gì sẽ xảy ra.

Hôm 24/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng, chiến dịch quân sự giành lấy thành phố Raqqa của Syria sẽ được phát động trong vài ngày tới.

Về phần mình, Sipan Hemo – chỉ huy dân quân YPG người Kurd Syria - nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng, chiến dịch giải phóng Raqqa từ tay phiến quân IS sẽ được phát động vào đầu tháng 4 và YPG sẽ tham gia, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia phân tích chính trị Andrey Veselov, đội hình cuối cùng của những bên tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa vẫn chưa được ấn định. Ông Veselov cho biết thêm, cuộc tấn công chung chống IS này có thể biến thành cuộc đánh lộn giữa các bên tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa.

Bản đồ Syria ngày 27/3
Bản đồ Syria ngày 27/3

Mỹ đang lâm vào tình huống cực kỳ khó xử. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đối tác chiến lược của Mỹ trong NATO, nhưng mặt khác người Kurd lại được Washington coi là đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Nhà phân tích Veselov nói thêm: "Việc (Mỹ) hợp tác với cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn người Kurd có thể xảy ra khi hai lực lượng này ở cách xa nhau, nhưng hiện giờ hai bên đang tiếp xúc trực tiếp với nhau''.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), bao gồm không chỉ người Kurd mà còn cả phe đối lập người Arập chống Damascus như Turkmen, Armenian và Assyrian. Phe đối lập này cũng tuyên bố "không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Raqqa".

Quan điểm của các ông lớn

Hãng tin Fars của Iran dẫn lời phát ngôn viên SDF Talal Selo cho biết: "Trong một cuộc gặp với đại diện Bộ chỉ huy quân sự Mỹ, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được các khu vực mới. Chúng tôi coi Thổ Nhĩ Kỳ là một kẻ chiếm đóng miền bắc Syria và các vị chỉ huy Mỹ đã chia sẻ quan điểm của chúng tôi".

Về phần mình, Ankara yêu cầu Mỹ phải ngừng hỗ trợ SDF ngay lập tức. Tạp chí Chính sách đối ngoại (The Foreign Policy) cho rằng việc hợp tác với dân quân người Kurd có thể khiến Washington mất đồng minh chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù Quân đội Syria bị căng trải trên các mặt trận Aleppo, Palmyra, Hama và Damascus, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn rất quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Raqqa. Chuyên gia Veselov đề cập đến tuyên bố của tổng thống Assad về việc bắt đầu chiến dịch quân sự giải phóng Raqqa.

Ông Assad tuyên bố: "Chúng tôi đang đến gần Raqqa. Quân đội của chúng tôi đã tới bờ sông Euphrates, gần Raqqa, thành trì của Daesh (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS). Đó là lý do vì sao Raqqa sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".

Không quân Nga không kích tại Syria
Không quân Nga không kích tại Syria

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ kình địch với SDF, Chính phủ Syria cũng không sẵn sàng hợp tác với cả SDF lẫn Ankara trong chiến dịch tái chiếm Raqqa. Tình hình càng trầm trọng hơn khi Mỹ triển khai các lực lượng mặt đất tới khu vực gần Raqqa. Từ lâu, Washington đã tìm mọi cách buộc Tổng thống Assad từ chức.

Theo Washington Post, Lầu Năm Góc đang gửi một số đơn vị của Thủy quân lục chiến tới khu vực này cùng với 500 lính đặc nhiệm Mỹ đã hoạt động ở đó. Đáng chú ý, các đơn vị mới được trang bị vũ khí hạng nặng, trong đó có pháo M777 155mm, dự kiến sẽ hỗ trợ hỏa lực trong cuộc tấn công Raqqa.

Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nhấn mạnh rằng, giải phóng Raqqa sẽ không phải là điều dễ dàng đối với liên minh quốc tế. Thành công của thành chiến dịch này sẽ phụ thuộc vào nhận thức và sự sẵn sàng phối hợp hành động của tất cả các lực lượng chiến đấu chống khủng bố quốc tế ở Syria.

Tướng Konashenkov nhận định, quan điểm lạc quan của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian về chiến dịch Raqqa là thiên về cảm tính và ''không liên quan đến thực tế và tình hình trên thực địa".

Theo Dương Anh

Đất Việt