1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quyền lực dầu đá phiến Mỹ: Đòn khí đốt Nga vô hiệu

Đến thời điểm này, Mỹ không những tự chủ được dầu lửa mà còn có thể chi viện năng lượng cho các đồng minh của mình.

Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới trao đổi với Đất Việt về vị thế mới của Mỹ trên thị trường dầu thế giới.

PV: - Bất chấp giá dầu thế giới xuống thấp làm doanh thu của ngành công nghiệp dầu mỏ nước Mỹ sụt giảm mạnh, Mỹ vẫn vượt mặt Arập Xêút và Nga trở thành nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Thưa ông, tại sao trong bối cảnh đó Mỹ vẫn duy trì sản lượng dầu cao kỷ lục và vẫn chưa có dấu hiệu cắt giảm? Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, thiệt hại của kinh tế Mỹ sẽ như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Sơn: - Mỹ duy trì sản lượng dầu cao là vì nó vẫn nằm trong chi phí Mỹ chịu đựng được. Công nghệ khai thác dầu phiến đá cho đến nay đã rẻ hơn rất nhiều.

Trước đây có ý kiến cho rằng, đối với dầu phiến đá, mức giá 70-80 USD/thùng mới có lãi nhưng nghiên cứu kỹ về lĩnh vực dầu lửa của Mỹ thì thấy rằng, mức giá này chỉ áp dụng đối với ở giếng dầu ở một số khu vực khó khai thác, chiếm khoảng 4% trong tổng số các giàn khoan dầu đá phiến. Còn về cơ bản, chỉ cần giá dầu ở mức 40 USD/thùng, doanh nghiệp Mỹ đã có lãi 10%. Bởi thế, nền kinh tế Mỹ sẽ chẳng thiệt hại gì.

Phân bố địa chất của dầu khí đá phiến và các mỏ dầu truyền thống
Phân bố địa chất của dầu khí đá phiến và các mỏ dầu truyền thống

PV: - Mỹ đang là nước sản xuất dầu đá phiến hàng đầu thế giới. Vì sao Mỹ lại đầu tư mạnh vào nguồn dầu này như vậy, thưa ông?

Mới đây, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chi nhánh Nhật Bản, nguyên Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Daisuke Kotegava đã cảnh báo về nguy cơ vỡ "bong bóng dầu đá phiến" tại Mỹ. Theo đó, khi giá dầu dưới 75 USD/thùng như hiện tại, việc sản xuất dầu đá phiến sẽ không có lãi. Phải chăng người Mỹ đã không lường hết những rủi ro của ngành sản xuất dầu đá phiến hiện nay, thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Sơn: - Mỹ đầu tư mạnh vào dầu đá phiến đơn giản là vì lợi nhuận. Trước đây, giá dầu thế giới khá rẻ, chi phí khai thác dầu đá phiến lại cao nên không ai nghiên cứu. Khi giá dầu thế giới bắt đầu  tăng vọt lên trên 80 USD, 100 USD rồi 147 USD/thùng thì người ta thấy rằng chi phí khai thác 70-80 USD/thùng là có thể chấp nhận được nên mới để tâm nghiên cứu. Khi có trình độ công nghệ tốt, một thể chế tốt thì người ta sẽ phát minh ra loại công nghệ tân tiến, làm giảm chi phí khai thác. Công nghệ khai thác dầu đá phiến ra đời, sản lượng dầu đá phiến tăng cao, lúc đó giá dầu mới hạ xuống.

Cũng cần nói thêm về công nghệ khai thác dầu đá phiến, đó là công nghệ khoan ngang. Trước đây, các mỏ dầu phải khoan thẳng xuống, khi vào các túi dầu thì hút lên. Tuy nhiên, phần còn lại nằm ở xa, trong các khe đá thì không thể lấy được, giếng dầu ấy bị bỏ lại. Khi công nghệ khoan ngang ra đời, người ta sử dụng công nghệ ấy khai thác các giếng dầu cũ trở lại.

Vào thời điểm ý tưởng công nghệ khoan ngang được đưa ra, các nước như Nga, Trung Quốc... rất coi thường. Tuy nhiên, các công ty của Mỹ vẫn tiếp tục phát triển và bây giờ họ đã khoan ngang được 6-7km, len lỏi vào các vùng đá nằm ngoài xa giếng trung tâm. Sau khi khoan xong, người ta dùng áp lực cao đưa hỗn hợp trong đó 99% là cát và nước và chỉ có 1% là hoá chất chứa axit xuống dưới lòng đất, gây ra các vết nứt của đá. Sau đó họ hút hoá chất đó lên và dầu theo các khe nứt này đẩy ngược lên trên.

Trước đây, khó khăn nhất của khai thác dầu đá phiến là chi phí đắt đỏ và vấn đề môi trường. Người ta nói rằng, nếu hỗn hợp kia được hút lên và thải ra ngoài thì toàn bộ môi trường xung quanh sẽ bị huỷ hoại vì axit đưa vào đá phiến rất độc. Nhưng bây giờ với công nghệ hiện đại, khi hút hỗn hợp đó lên, người ta không đổ ra môi trường mà mang đi nơi khác xử lý.

Cần lưu ý rằng, công nghệ nứt vỡ thủy lực còn có khả năng phản ứng rất nhanh với giá dầu. Khi giá dầu xuống thấp, các công ty khai thác dầu của Mỹ sẽ đóng giếng dầu lại, khi giá lên cao, có lãi họ mở lại các giếng dầu ấy, hút dầu lên và đem bán.

Bởi vậy, gần như Mỹ đang nắm trong tay một thứ vũ khí, muốn giá dầu bao nhiêu thì được bấy nhiêu mà các nước khác không thể làm gì được. Trước đây, nước Mỹ lệ thuộc vào dầu của Trung Đông vì chưa có công nghệ dầu đá phiến, còn bây giờ họ không cần tới Trung Đông nữa, mọi thứ đã chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác. Vấn đề địa chính trị và giá dầu gần như nằm trong tay Mỹ.
 
Về nguy cơ vỡ "bong bóng dầu đá phiến" tại Mỹ, đó chỉ là cảnh báo của cựu giám đốc IMF chi nhánh Nhật Bản, còn theo những tài liệu mà tôi nghiên cứu, chỉ cần giá dầu ở mức 40 USD/thùng là doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ đã có lãi tới 10%. Hiện các công ty Mỹ vẫn chưa chính thức có được đạo luật được phép xuất khẩu dầu, dù Tổng thống Barack Obama đã bật đèn xanh. Theo các doanh nghiệp khai thác dầu của Mỹ, hiện họ vẫn đang phải bán dầu ở trong nước với mức giá thấp hơn giá dầu thế giới tới 10 USD/thùng. Nếu đạo luật kia ra đời, các công ty Mỹ sẽ bán dầu ra thế giới và giá dầu sẽ còn tiếp tục xuống thấp.

Việc lobby cho đạo luật này có thể nằm trong chiến lược về địa chính trị của Mỹ nhằm hạ bệ các quốc gia bán dầu giá cao, gây sóng gió trên thị trường xăng dầu thế giới. Ngoài ra, nó cũng liên quan đến câu chuyện Mỹ khai thác cả dầu, gas và khí đốt, khiến Nga thất bại trong kế hoạch đe doạ cắt khí đốt sang châu Âu. Mỹ đông lạnh được gas, chuyển sang châu Âu và châu Âu cũng chuẩn bị trước một khoản dự trữ khổng lồ từ kinh nghiệm trước đó, cho nên mùa đông của châu Âu đã không lạnh như Nga kỳ vọng.

Việc một số doanh nghiệp khai thác dầu của Mỹ phá sản, phải giảm số lượng giàn khoan là có nhưng đó là chuyện bình thường. Nước Mỹ không thể chết vì dầu đá phiến vì họ không phải người chỉ biết mải miết chạy để đâm sầm vào tường. Mỹ có cả một hệ thống thị trường với giá dầu tương lai, giao dịch trong tương lai... đưa tín hiệu một cách từ từ ra bên ngoài; họ theo dõi dự trữ quốc tế, tăng trưởng kinh tế, nguồn cung..., đếm từng đồng từng hào thì làm sao chết được.

Chính vì thế, một lần nữa, tôi cho rằng, những cảnh báo về nguy cơ vỡ bong bóng dầu đá phiến không hề đáng ngại, thậm chí nếu có vỡ nước Mỹ cũng chẳng sao. Mỹ sẽ lại có nguồn năng lượng mới thay thế, công nghệ hiện đại phát triển.

PV: - Là nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, quyền lực của Mỹ đến mức nào: họ có quyền chi phối giá dầu thế giới không hay chỉ giúp giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào nguồn năng lượng nhập khẩu? So với các cường quốc xuất khẩu dầu khác trên thế giới như Nga, Ảrập Xêút...tình thế của Mỹ hiện giờ hơn, thiệt như thế nào?

Ông Bùi Ngọc Sơn: - Đến thời điểm này Mỹ chưa thể thay thế OPEC quyết định giá dầu thế giới vì vẫn chưa được thông qua đạo luật xuất khẩu dầu. Nhưng tôi cho rằng, Mỹ đang có động thái xả hàng bởi năng lượng Mỹ sẽ sử dụng trong tương lai là loại năng lượng khác, nên chẳng tội gì họ không bán loại hàng mà thế giới đang cần ra bên ngoài.

Công nghệ điện mặt trời, điện gió đang phát triển với tốc độ cực nhanh ở Mỹ, người Mỹ chuẩn bị bước sang giai đoạn không dùng năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch nữa. Từ khi ông Obama lên làm tổng thống đã muốn dùng ưu thế về công nghệ và cạnh tranh của nước Mỹ để nhanh chóng tạo ra những công nghệ mới. Rất có thể khi những công nghệ đó ra đời sẽ tạo ra trào lưu mới và chu kỳ tăng trưởng mới cho Mỹ cũng như kinh tế thế giới.

Nếu Mỹ phê duyệt đạo luật cho phép xuất khẩu xăng dầu thì họ sẽ làm được "một công nhiều việc" - nước Mỹ sẽ lại dẫn dắt thế giới đi vào một lĩnh vực năng lượng mới, các quốc gia khác muốn bán được hàng hoá thì phải theo các tiêu chuẩn năng lượng đó. Làm được điều đó, gần như những gì các cường quốc xuất khẩu dầu lửa thường đe doạ Mỹ coi như bằng thừa.

Một quan chức Mỹ từng thừa nhận, hiệu ứng giá dầu đã đem lại hiệu ứng về địa chính trị rất lớn mà người Mỹ không ngờ. Trước đây, để có được hiệu ứng như vậy, Mỹ phải mất rất nhiều chi phí, công sức và thời gian.

Từ bài học nhãn tiền của các nước vốn đặt cược vấn đề tăng trưởng và ngân sách vào dầu lửa, Mỹ nhận ra rằng, không thể cứ  tung tiền mua dầu với giá cao, tức trao tiền vào những nước vốn là đối thủ của Mỹ. Đây cũng chính là động cơ để Mỹ phát triển công nghệ dầu đá phiến và chuyển bỏ dần năng lượng dầu mỏ.

Đến thời điểm này, Mỹ không chỉ được tự chủ được nguồn năng lượng dầu lửa mà còn chi viện được cho các đồng minh của mình về vấn đề năng lượng. Cuộc khủng hoảng Ukraine là một ví dụ, Mỹ đã thành công trong việc chi viện khí đốt cho châu Âu, vô hiệu hoá ngón đòn của Nga.

Theo Thành Luân
Đất Việt