1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quy mô khủng khiếp của vụ phun trào núi lửa "nghìn năm có một" ở Tonga

Minh Phương

(Dân trí) - Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai dưới đáy Thái Bình Dương có thể là một trong những vụ phun trào mạnh nhất từ trước đến nay và được một số vệ tinh ghi lại.

Quy mô khủng khiếp của vụ phun trào núi lửa nghìn năm có một ở Tonga - 1

Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở đáy biển Thái Bình Dương phun trào hôm 15/1 qua ảnh chụp vệ tinh (Ảnh: Guardian).

Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở Thái Bình Dương, cách thủ đô của Tonga 65 km về phía bắc bất ngờ phun trào hôm 15/1 kéo theo đợt phun tro bụi và sóng thần gây thiệt hại đáng kể cho quốc đảo này. Sóng thần đã phá hủy toàn bộ nhà cửa trên một đảo của Tonga, làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng khác và làm đứt hệ thống mạng viễn thông dành cho hơn 100.000 cư dân ở đây.

Một số chuyên gia ước tính, vụ phun trào đã giải phóng một năng lượng tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Shane Cronin, giáo sư ngành khoa học Trái Đất ở Đại học Auckland của New Zealand, thậm chí cho rằng đây là một trong những vụ nổ "nghìn năm có một" với ngọn núi lửa này.

Cảnh tượng tan hoang ở Tonga sau vụ phun trào núi lửa lịch sử

Dựa vào các ảnh chụp vệ tinh, Reuters đã đưa ra đánh giá về quy mô của vụ phun trào này. Theo đó, Reuters, chia đợt phun trào này thành các giai đoạn khác nhau.

Ở giai đoạn đầu (khoảng hơn 17h ngày 15/1 theo giờ địa phương) khi núi lửa bắt đầu phun trào, nó phun tro bụi với mức độ lan tỏa đường kính khoảng 38 km. Một số chuyên gia gọi đây là "ô tro bụi khổng lồ". Chỉ 10 phút sau đó, đường kính này đã tăng lên thành 120 km, và tiếp tục lên 340 km sau nửa giờ.

Quy mô khủng khiếp của vụ phun trào núi lửa nghìn năm có một ở Tonga - 2

Quy mô "ô tro bụi" từ vụ phun trào núi lửa Tonga hôm 15/1 (Đồ họa: Reuters).

Tròn một tiếng kể từ phun trào, ô tro bụi này đã mở rộng với đường kính 650 km. Với quy mô này, "ô tro bụi" rộng tới mức nó có thể che phủ hầu hết nước Anh và vùng duyên hải phía đông Ireland. Nó cũng có thể che phủ gần như toàn bộ lãnh thổ của Tây Ban Nha. Nếu ở Đông Nam Á, nó có thể che phủ Campuchia, một phần Lào, Việt Nam và Thái Lan hoặc gần như toàn bộ Hàn Quốc và Triều Tiên. Nếu đặt "ô tro bụi" đó ở khu vực Sina của Ai Cập, nó có thể che phủ Israel, lan đến Jordan, Địa Trung Hải.

Tro bụi bao phủ Tonga sau thảm họa núi lửa

Một số chuyên gia nhận định, vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai có thể ngang với vụ phun trào núi lửa Pinatubo ở Philippines năm 1991. Sức nổ từ vụ phun trào núi lửa Pinatubo được xếp ở mức 6 trong thang chia độ từ 1 đến 8. Núi lửa này khi phun trào đã tạo ra cột tro bụi cao đến 40 km. Trong khi đó, núi Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun cột tro bụi cao ít nhất 20 km.

James Garvin, nhà khoa học hàng đầu tại Trung tâm Không gian Goddard thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nói: "Chúng tôi ước tính vụ nổ có sức công phá 10 megaton, tương đương 10 triệu tấn thuốc nổ TNT". Sức nổ này tương đương 666 quả bom nguyên tử được Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cuối Thế chiến II. 

Theo graphics.reuters.com