1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quốc vương Adulyadej - người kiến tạo hoà bình cho Thái Lan

(Dân trí) - Trong suốt 70 năm trị vì, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã chứng kiến các cuộc đảo chính và bất ổn chính trị. Người đứng đầu hoàng gia Thái Lan đã nhiều lần can thiệp vào chính trường để giúp hạ nhiệt căng thẳng và hạn chế tình trạng bạo lực.


Người dân Thái Lan tiếc thương Nhà vua Bhumibol Adulyadej. (Ảnh: EPA)

Người dân Thái Lan tiếc thương Nhà vua Bhumibol Adulyadej. (Ảnh: EPA)

Là thành viên của triều đại Chakri, vốn nổi lên từ thế kỷ thứ 18 tại Thái Lan, Quốc vương Bhumibol Adulyadej, sinh ra ở Mỹ và được giáo dục tại Thuỵ Sĩ, là nhân vật nhận sự kính trọng của nhiều tầng lớp trong xã hội Thái Lan trong hàng chục năm qua, từ giai cấp lao động nghèo ở các vùng quê cho tới tầng lớp thành thị thượng lưu.

Quá trình trị vì kéo dài 7 thập niên của Quốc vương Bhumibol Adulyadej bắt đầu trong giai đoạn Thái Lan hồi phục sau khi bị Nhật Bản chiếm đóng hồi Thế Chiến II. Trong những biến động của thế kỷ 20, Quốc vương Thái Lan đã khéo léo sắp đặt để chế độ quân chủ luôn giữ vai trò trung tâm trong xã hội Thái Lan, hoạt động như một lực lượng cho cộng đồng và bảo vệ truyền thống kể cả khi quốc gia Đông Nam Á này trải qua những cuộc binh biến hay sự xuất hiện của những phe phái chính trị mới.

Với sự ra đi của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, nhiều nhà phân tích cho rằng Thái Lan đang đứng trước thời điểm quan trọng khi sự đoàn kết sẽ bị thử thách trong thời gian tới. Từ năm 1946, thời điểm ông lên giữ ngai vàng, tới nay, Nhà vua Bhumibol Adulyadej chứng kiến Thái Lan trải qua hơn 20 thủ tướng cũng như hơn một chục cuộc đảo chính và nhiều lần hiến pháp phải sửa đổi.

Người kiến tạo hòa bình

Trong những năm qua, Quốc vương Adulyadej thường xuyên phải can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước, sử dụng sự ảnh hưởng của mình để giải quyết các tình huống có thể gây bất ổn cho Thái Lan. Về mặt pháp lý, ông Adulyadej không có nhiều quyền lực, nhưng với những gì ông đã làm được cho người dân và đất nước Thái Lan, vị vua này đã có một vị trí mạnh mẽ ở quốc gia Đông Nam Á trong hàng chục năm qua.

Năm 1973, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã giúp Thái Lan tránh được những cuộc đụng độ giữa các đám đông sinh viên biểu tình và chính phủ do quân đội cầm quyền.

Sự xuất hiện đáng chú ý nhất của ông là vào tháng 5/1992, giữa thời điểm bạo lực gia tăng giữa những người ủng hộ dân chủ và quân đội. Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã triệu đại diện của các phe phái tới để thảo luận. Hình ảnh được phát trên truyền hình khi đó cho thấy đại diện của các phe phái đã quỳ trước Quốc vương Adulyadej. Căng thẳng sau đó đã được hạ nhiệt.

Với sự can thiệp nêu trên, Nhà vua Bhumibol Adulyadej càng giành được thêm sự kính trọng và tin yêu của người dân Thái Lan. Còn được biết tới với tên gọi Rama IX, ông Adulyadej có vị trí không thể thay thế trong lòng của người dân Thái Lan. Với những ai từng tới Thái Lan, có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh chân dung của ông có trong những khuôn hình trang trọng ở mọi nơi, từ nhà của những người nghèo nhất cho tới những văn phòng sang trọng ở thủ đô Bangkok.

Thay đổi đất nước

Trong số nhiều những thay đổi ở Thái Lan dưới sự trị vì của Quốc vương Adulyadej, tăng trưởng kinh tế được đánh giá có bước tiến ngoạn mục nhất. Từ một quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, từ khi ông lên nắm quyền, Thái Lan đã trở thành "gã khổng lồ" trong khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đứng thứ hai khu vực chỉ sau Indonesia.

Tới nay, Thái Lan vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất với du khách quốc tế. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là một trong những trung tâm trong ngành công nghiệp sản xuất xe gắn máy và điện tử công nghệ cao.

Khi Thái Lan bước vào giai đoạn phát triển thịnh vượng, tiêu chuẩn cuộc sống cũng tăng lên rõ rệt cùng với một sự thay đổi ở quốc gia "quân chủ" mà nhiều học giả cho là "mạng lưới quân chủ" được phát triển trải dài trên khắp đất nước. Khu vực đông bắc Thái Lan cũng chứng kiến sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Đó cũng là khu vực từng được coi là "thành trì" của những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người nổi lên với các chính sách dân tuý. Kể từ khi ông Thaskin bị lật đổ vào năm 2006, Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn chính trị, khi các phe Áo Đỏ và Áo Vàng liên tục tổ chức những cuộc biểu tình quy mô lớn để đưa ra các yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, bất chấp giai đoạn căng thẳng trong những năm gần đây, tất cả đều thể hiện sự kính trọng và tin yêu với Nhà vua . Sự ủng hộ của người dân với Quốc vương Adulyadej rõ ràng tới mức đã có hàng triệu người Thái bước xuống đường với màu Áo vàng của Hoàng gia nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của ông vào năm 2007.

Ngọc Anh

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm