Quốc gia NATO dựng "răng rồng" gần biên giới Nga
(Dân trí) - Các quan chức cấp cao cho biết Estonia đang chuẩn bị siết chặt, thậm chí đóng cửa hoàn toàn, các cửa khẩu biên giới với Nga.
Hãng tin RT dẫn lời các quan chức cấp cao cho biết, vào rạng sáng 17/11, chính quyền Estonia, thành viên của NATO, đã đưa các chướng ngại vật chống tăng giống phòng tuyến "răng rồng" đến cây cầu bắc qua sông ở thành phố Narva, nằm ngay bên kia biên giới với thị trấn Ivangorod của Nga.
Hình ảnh từ đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy các chướng ngại vật được một xe tải quân sự vận chuyển và đưa lên cầu.
Cho đến nay, các chướng ngại vật "răng rồng", gồm các khối bê tông hình kim tự tháp, vẫn chưa được triển khai và vẫn được đặt bên đường.
Khi báo địa phương tiếng Nga Rus.Postimees đề nghị đưa ra bình luận, lực lượng biên phòng đã xác nhận hoạt động này, mô tả các chướng ngại vật chống tăng chỉ là "các khối bê tông" nhằm ngăn chặn người di cư.
"Chúng tôi đã chuẩn bị những khối bê tông này trong trường hợp chính phủ Estonia quyết định hạn chế việc nhập cảnh từ Nga nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp, tương tự các nước láng giềng của chúng tôi", lực lượng biên phòng Estonia cho biết.
Ngày 16/11, người đứng đầu lực lượng biên phòng Estonia, Veiko Kommusaar, cho biết nước này đang xem xét khả năng đóng cửa hoàn toàn biên giới với Nga. Quan chức này cũng cảnh báo người dân không nên đi từ Estonia đến Nga, cảnh báo rằng "do hành động của Nga, việc quay trở lại có thể trở nên rất khó khăn".
Na Uy cũng đang xem xét hành động tương tự, Bộ trưởng Tư pháp nước này, Emilie Mehl, xác nhận hôm 16/11.
Đầu tuần này, Phần Lan tuyên bố đóng cửa cả 4 cửa khẩu biên giới với Nga với lý do ngăn dòng người di cư bất hợp pháp. Phần Lan cáo buộc Nga đã cố tình thay đổi chính sách để hướng người di cư từ các nước thứ ba qua lãnh thổ nước này tới Phần Lan, nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho những cáo buộc như vậy.
Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen nhấn mạnh mối quan tâm chính của Phần Lan không phải là số lượng người di cư mà là việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng người di cư quy mô lớn tương tự cuộc khủng hoảng đã gây chấn động châu Âu vào năm 2015.
Động thái này của Phần Lan bị Moscow lên án là một "diễn biến tiêu cực", đồng thời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cảnh báo hành vi của Phần Lan "chắc chắn" sẽ dẫn đến phản ứng trả đũa.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet thông báo nước này đã chính thức yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập một trung tâm chỉ huy có khả năng giám sát các hoạt động quân sự của hơn 10.000 binh sĩ của khối tại vùng Baltic.
Động thái trên được cho là nhằm đối phó với ảnh hưởng của Nga, đặc biệt sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Estonia gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) năm 2004. Nằm ở cực bắc của 3 quốc gia Baltic (cùng với Latvia và Lithuania), Estonia là một phần của tuyến phòng thủ đầu tiên của NATO ở châu Âu và đóng vai trò an ninh quan trọng đối với Tổ chức này. Hiện tại, NATO có khoảng 2.000 binh sĩ, chủ yếu đến từ Anh và Pháp, đang đồn trú tại Estonia.