Quốc gia EU cảnh báo nguy cơ chiến tranh nếu kết nạp Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết các điều kiện hiện tại không phù hợp để Liên minh châu Âu xem xét kết nạp Ukraine làm thành viên.
"Bằng cách kết nạp Ukraine, EU cũng sẽ tham chiến, điều mà rõ ràng là không ai muốn xảy ra. Việc mở rộng thành viên nên nhằm mục đích lan tỏa hòa bình, chứ không phải mang chiến tranh vào EU", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố hôm 8/11.
Ông Szijjarto cho rằng, việc EU đánh giá sự tiến bộ của Ukraine trong việc thực hiện cải cách, pháp quyền hoặc bất kỳ tiêu chí nào khác để kết nạp Ukraine trong bối cảnh xung đột là điều "vô lý".
"Đang có chiến sự ở Ukraine, vì vậy chúng ta có thể thấy rằng cả quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận đều không được thực thi, chúng ta có thể thấy rằng các cuộc bầu cử cũng không được tổ chức", ngoại trưởng Hungary cho biết thêm.
"Theo Ủy ban châu Âu, Ukraine chưa đáp ứng các điều kiện đặt ra để trở thành thành viên (EU), do vậy chúng tôi không coi bất kỳ bước tiếp theo nào là kịp thời đối với các cuộc đàm phán gia nhập của Ukraine", ông Szijjarto nhấn mạnh.
Theo ông Szijjarto, EU đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và ngày càng suy yếu, vì vậy nếu EU muốn kết nạp thành viên mới như một cách để lấy lại sức mạnh, khối này nên hướng tới các nước Tây Balkan, trước hết là Serbia.
Hungary là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO nhưng theo đuổi đường lối trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Nước này từ chối hỗ trợ vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự bùng nổ hồi tháng 2/2022.
Hungary được xem là nước có thể phản đối kế hoạch của EU nhằm khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, dự kiến diễn ra vào tháng 12. Động thái này cần toàn bộ 27 thành viên của EU thông qua, nên lá phiếu của Hungary rất quan trọng. Ngoài ra, EU cũng cần sự đồng thuận của Hungary để tăng cường các gói viện trợ cho Ukraine trong tương lai.
Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức EU cho biết để thuyết phục Hungary thay đổi lá phiếu, Liên minh châu Âu dự kiến sẽ xem xét kích hoạt các khoản viện trợ cho Budapest mà EU đóng băng thời gian qua do những bất đồng trong khối về chính sách của chính phủ Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Hồi tháng trước, Budapest tuyên bố sẽ không ủng hộ Ukraine trong bất cứ vấn đề quốc tế nào cho đến khi quyền ngôn ngữ của người dân tộc Hungary sống ở Tây Nam Ukraine được khôi phục.
Hungary và Ukraine đã xung đột về quyền của người thiểu số kể từ khi quốc hội Ukraine năm 2017 thông qua luật "về việc đảm bảo chức năng của ngôn ngữ Ukraine là ngôn ngữ quốc gia". Hungary cho rằng luật này đã ảnh hưởng đến quyền của người dân tộc thiểu số Hungary ở Ukraine.
Nhiều chuyên gia cho rằng, EU là một tổ chức chủ yếu là kinh tế và chính trị, không phải là một liên minh quân sự như NATO. Do vậy, việc Ukraine được chấp nhận tư cách thành viên sẽ không đồng nghĩa với việc các nước thành viên EU sẽ trực tiếp tham chiến để hỗ trợ Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, tư cách thành viên có thể tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế, tương tự Bulgaria và Romania từng nhận được. GDP của các nước này lần lượt tăng gấp đôi và gần gấp ba kể từ khi trở thành thành viên của EU.
Ngoài ra, việc gia nhập EU cũng có lợi ích quân sự. EU có một điều khoản bảo vệ lẫn nhau, trong đó quy định rằng nếu một quốc gia EU là nạn nhân của "hành động xâm lược có vũ trang" trên lãnh thổ của mình, các quốc gia EU khác có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của mình.
Mặc dù vị thế ứng viên chủ yếu mang tính biểu tượng, động thái này sẽ giúp Ukraine nâng cao tinh thần vào thời điểm khó khăn trong cuộc xung đột với Nga.
EU đã đặt ra loạt bước đi để Ukraine thực hiện, bao gồm củng cố nhà nước pháp quyền và chống tham nhũng, trước khi có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo bao gồm các cuộc đàm phán gia nhập. Giới ngoại giao dự đoán Ukraine sẽ mất ít nhất 10 năm để đáp ứng các tiêu chí gia nhập EU.