1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc gia EU cảnh báo lệnh trừng phạt Nga hủy hoại kinh tế châu Âu

Thành Đạt

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Hungary cảnh báo các lệnh trừng phạt kinh tế của EU có thể hủy hoại nền kinh tế của khối này.

Quốc gia EU cảnh báo lệnh trừng phạt Nga hủy hoại kinh tế châu Âu - 1

Đường ống khí đốt của Hungary (Ảnh: AP).

Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover ngày 13/8 cảnh báo, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga "sai từ cốt lõi" và sẽ khiến nền kinh tế châu Âu bị "hủy hoại".

Ông Kover cho rằng lịch sử và địa lý của Hungary đã khiến đất nước này trở thành "cầu nối giữa Đông và Tây". Ông nhận định thành công của Hungary phụ thuộc vào sự hợp tác với cả phương Đông và phương Tây.

"Khi phương Đông và phương Tây đối đầu nhau, điều đó chỉ mang lại sự suy yếu. Nhưng nếu họ cùng hợp tác, điều đó đã mang lại cho Hungary cơ hội vươn lên", ông Kover nhấn mạnh.

Mặc dù là một thành viên của EU, song Hungary phản đối các lệnh trừng phạt của khối nhằm vào Nga do lo ngại các hậu quả về kinh tế.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng có quan điểm tương tự Chủ tịch Quốc hội Kover về chính sách trừng phạt Nga của EU. Trong một bài phát biểu vào tháng trước, ông Orban nói rằng "các lệnh trừng phạt không gây bất ổn cho Moscow" như tính toán của EU. Ông Orban cảnh báo EU đang "tự bắn vào chân mình".

Nhà lãnh đạo Hungary cho biết, các lệnh trừng phạt của EU, bao gồm với mặt hàng dầu mỏ của Moscow, đã gây ra tác dụng ngược khi chúng còn gây thiệt hại cho châu Âu nặng nề hơn cho Moscow. Đồng thời, các lệnh trừng phạt này đã không hiệu quả trong mục tiêu khiến Nga phải dừng chiến dịch quân sự đã kéo dài 6 tháng qua ở nước láng giềng Ukraine.

Ông Orban đã chỉ trích kế hoạch của EU nhằm kêu gọi các nước tự nguyện cắt giảm sử dụng 15% lượng khí đốt để có dự trữ cho mùa đông tới. Ông cảnh báo, nếu EU không thúc đẩy một kịch bản hòa bình ở Ukraine, châu Âu có thể sẽ đối mặt với "khủng hoảng năng lượng, suy thoái và bất ổn chính trị".

EU phụ thuộc vào Nga khoảng 40% lượng khí đốt và 1/3 lượng dầu. Khối này đang phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát kỷ lục.

Hungary, quốc gia vẫn đang nhận khí đốt Nga qua 2 đường ống chính, sẽ ít có khả năng bị Moscow cắt nguồn cung, nhưng Hungary cũng phải đối mặt với giá năng lượng tăng vọt nếu chiến sự tiếp tục kéo dài và căng thẳng Nga - phương Tây không hạ nhiệt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra hậu quả "thảm khốc" cho thị trường năng lượng toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 5 tuyên bố, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.

Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng. Châu Âu có thể tìm cách xoay xở khi không còn mua dầu Nga, nhưng họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao.

Theo RT