1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quốc gia đông dân nhất thế giới thích nghi với lệnh cấm TikTok

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cấm mạng xã hội TikTok vào 4 năm trước, người dân và doanh nghiệp hoạt động ở nước này đã dần thích nghi với sự thiếu vắng của ứng dụng trên.

Quốc gia đông dân nhất thế giới thích nghi với lệnh cấm TikTok  - 1

Ấn Độ đã cấm TikTok từ năm 2020 (Ảnh minh họa: AFP).

Giữa tuần này, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu chủ sở hữu TikTok, công ty Trung Quốc ByteDance bán hết cổ phần, hoặc đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa trong 6 tháng tới.

Diễn biến này đã khiến cho nhiều người trong số 170 triệu người dùng tại Mỹ bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, theo CNN, việc không có TikTok không phải là chưa có tiền lệ vì điều đó từng xảy ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay, Ấn Độ.

Vào tháng 6/2020, sau cuộc đụng độ gây chết người ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, chính quyền New Delhi bất ngờ ban hành lệnh cấm TikTok và một số ứng dụng nổi tiếng khác của Bắc Kinh.

Ấn Độ cho rằng đây là những ứng dụng ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Nam Á. Lệnh cấm cũng nhằm bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng nước này.

Quyết định có phần chớp nhoáng của Ấn Độ đã gây ra cơn "sốc" cho 200 triệu người dùng TikTok của nước này. Tuy nhiên, sau 4 năm, nhiều người đã quen với cuộc sống không TikTok và tìm ra những lựa chọn thay thế.  

"Lệnh cấm Tiktok đã tạo ra cơ hội kinh doanh trị giá hàng tỷ USD… 200 triệu người dùng TikTok cần một nền tảng khác để chuyển sang", Nikhil Pahwa, người sáng lập trang web công nghệ MediaNama có trụ sở tại Delhi, cho biết.

Theo Pahwa, cuối cùng thì các công ty công nghệ của Mỹ đã chớp thời cơ với các lựa chọn mới tới khách hàng.

Cuộc sống không TikTok

Lệnh cấm của Ấn Độ đã ảnh hưởng tới không ít người. Nhiều người làm nội dung trên TikTok (TikToker) thừa nhận cảm thấy bối rối và không vui trước quyết định này.

Đến năm 2020, TikTok đã trở nên rất phổ biến đối với những người Ấn Độ bị phong tỏa do dịch Covid-19.

Saptarshi Ray, người đứng đầu nền tảng tiếp thị người ảnh hưởng Viralo có trụ sở tại Bengaluru, cho biết: "Mọi người ở Ấn Độ đều muốn trở thành ngôi sao Bollywood và TikTok đã biến ước mơ đó thành hiện thực bằng cách biến mọi người, kể cả những người ở các thị trấn nhỏ, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm".

Tuy nhiên, sau khi TikTok bị cấm, họ đã nhanh chóng có lựa chọn thay thế. Một cuộc cạnh tranh dữ dội diễn ra ngay sau đó giữa những gã khổng lồ công nghệ Mỹ và các công ty khởi nghiệp trong nước để lấp đầy khoảng trống TikTok để lại.

Trong vòng một tuần kể từ lệnh cấm, Instagram thuộc sở hữu của Meta đã tung ra Reels, mạng xã hội video khá tương đồng với TikTok. Google giới thiệu mạng xã hội video ngắn của riêng mình, YouTube Shorts, tại Ấn Độ.

Các ứng dụng do Ấn Độ tự phát triển như MX Taka Tak và Moj cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm từ người dùng với độ phổ biến gia tăng.

Tuy nhiên, những công ty khởi nghiệp địa phương đó cũng "hụt hơi" khi cạnh tranh với các "ông lớn" Mỹ sở hữu phạm vi tiếp cận và sức mạnh tài chính nhỉnh hơn.

Trích dẫn một nghiên cứu từ công ty tư vấn Oxford Economics, một phát ngôn viên của Google cho biết "hệ sinh thái sáng tạo YouTube" đã đóng góp khoảng 2 tỷ USD cho nền kinh tế Ấn Độ vào năm 2022.

Những người làm nội dung Ấn Độ cũng nhanh chóng chuyển các video cũ trên TikTok lên nền tảng mới, một số đã thu về hàng triệu người theo dõi trong vòng một năm.

An toàn trên không gian mạng

Các quan chức và nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, giao nộp dữ liệu được thu thập từ người dùng Mỹ.

Trung Quốc và TikTok nhiều lần bác bỏ những thông tin này.

CNN dẫn lời chuyên gia an ninh mạng cho rằng, các lo ngại nói trên phần lớn vẫn đang ở dạng giả thuyết. Tuy nhiên, các chuyên gia Ấn Độ cho biết việc cấm một ứng dụng khó có thể khiến môi trường không gian mạng trở nên hoàn toàn an toàn với người dùng.

Vivan Sharan, chuyên gia từ công ty tư vấn chính sách công nghệ Koan Advisory Group, cho rằng chính người dùng cần có một sự thay đổi lớn trong nhận thức về an ninh mạng, các ứng dụng trên điện thoại, hoặc những gì họ tải xuống từ internet nguồn mở, để không gian mạng trở nên an toàn hơn.

Ngoài ra, các nhà làm luật Mỹ lo ngại TikTok có thể là một công cụ để Trung Quốc tuyên truyền thông tin gây ảnh hưởng tới người Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kể cả TikTok có vấn đề và bị cấm, mối đe dọa trên không gian mạng với người dùng vẫn tồn tại. Ví dụ, tin tức giả mạo vẫn có thể lan truyền qua các nền tảng khác. Ngoài ra, việc kẻ xấu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng gây ra nguy cơ mất an ninh mạng trong tương lai. 

Theo MSN