1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc đảo thiên đường du lịch lo bị sa lầy trong “bẫy nợ” của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Maldives, quốc đảo được gọi là "thiên đường du lịch", đang đối mặt với những khoản nợ khổng lồ với Trung Quốc từ chính quyền tiền nhiệm. Nước này lo ngại sẽ bị sa lầy trong "bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Quốc đảo thiên đường du lịch lo bị sa lầy trong “bẫy nợ” của Trung Quốc - 1

Cầu Sinamale nối sân bay chính của Maldives với thủ đô Male do Trung Quốc xây dựng (Ảnh minh họa: AFP)

Khi ông trùm kinh doanh Maldives Ahmed Siyam bắt đầu xử lý khoản vay 127,5 triệu USD từ Ngân hàng quốc doanh Xuất Nhập khẩu Trung Quốc, Siyam đã xoa dịu nỗi lo ngại về việc quần đảo ở Ấn Độ Dương rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, khoản thanh toán nợ vào tháng 8 của ông Siyam đã gợi nhắc cho nhiều người nỗi lo ngại về rủi ro liên quan tới việc Maldives đang phải gánh những khoản nợ tổng trị giá hàng tỷ USD với Trung Quốc từ thời chính quyền tiền nhiệm.

Phía ngân hàng Trung Quốc đã đẩy chính phủ Maldives vào thế khó hồi tháng 7 khi phát đi thông báo yêu cầu ông Siyam phải trả 10 triệu USD vào đầu tháng 8. Công ty của ông Siyam, Ahmed Siyam Holdings (ASH), được cho không thể thanh toán khoản tiền vào thời điểm mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Ngân hàng Trung Quốc sau đó đã yêu cầu chính phủ Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih xử lý khoản tiền trên nếu công ty của Siyam vỡ nợ. Phía ngân hàng có lý do để làm như vậy, vì khoản vay tới ASH đã được chính phủ Maldives bảo lãnh trước đó.

“ASH phải trả lãi, trả nợ và phí cam kết vào tháng 7. Nếu ASH không trả được nợ đúng hạn, chính phủ, với tư cách là bên bảo lãnh, sẽ bị yêu cầu thanh toán”, một quan chức cấp cao từ văn phòng Tổng thống Solih trả lời Nikkei. Quan chức trên nói nếu ASH vỡ nợ, chính phủ Maldives sẽ buộc phải gánh nợ thay vì các điều khoản trong thỏa thuận.

Động thái siết chặt của Trung Quốc với doanh nhân Siyam và chính phủ Maldives được xem là chưa từng có tiền lệ và các nhà quan sát ở Nam Á nhận định rằng đây là lời cảnh báo tới các quốc gia khác trong khu vực.

Cách xử lý khoản nợ cho ASH của ngân hàng Trung Quốc đã làm gợi nhắc lại hàng loạt khoản tiền với những điều khoản không rõ ràng mà Bắc Kinh đã cho Maldives vay từ lúc cựu Tổng thống quốc đảo Abdulla Yameen còn tại vị. Nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của ông Yameen kết thúc vào năm 2018 với dấu ấn rõ rệt nhất là chính sách nồng ấm với Trung Quốc. Ông Yameen bị bắt năm 2019 với cáo buộc thực hiện hoạt động rửa tiền.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đạt được thỏa thuận với ASH hồi đầu năm 2016 về việc xây khu nghỉ dưỡng lớn nhất Maldives. Tuy nhiên, chỉ có những thông tin chung chung về dự án được đăng tải rộng rãi.

Ông Siyam từng là thành viên Quốc hội Maldives và là một người ủng hộ liên minh cầm quyền của ông Yameen. Khoản vay của doanh nhân này nằm trong tổng số tiền 1,4 tỷ USD mà Maldives nợ Trung Quốc. Tuy nhiên, các đồng minh của Tổng thống đương nhiệm Solih tin rằng khoản nợ thực tế cao hơn rất nhiều, từ 3,5 tới 5 tỷ USD. Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này.

Sau khi lên nắm quyền 2 năm trước, Tổng thống Solih đã yêu cầu mở một cuộc điều tra liên quan tới những giao dịch tài chính trong những năm mà người tiền nhiệm Yameen cầm quyền, bao gồm cả các khoản vay từ Trung Quốc. Tới nay, các nhà điều tra thuộc Ủy ban về Tham nhũng và Thu hồi Tài sản vẫn đang sàng lọc các tài liệu do "tính chất phức tạp của vụ việc", theo Nikkei.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính Maldives, Trung Quốc đã cho các công ty của quốc gia Ấn Độ Dương vay 935 triệu USD dưới dạng chính phủ Maldives bảo lãnh. Từ năm 2014, các khoản cho vay của Trung Quốc tới Maldives đã bùng nổ sau chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới quốc đảo. Sau đó, ngân sách từ sáng kiến “Vành đai con đường” của Trung Quốc đã đổ vào loạt dự án ở Maldives như việc xây cầu, mở rộng sân bay, nâng cấp mạng lưới điện.

Các công trình xây dựng của Trung Quốc đã diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy tại Maldives. Theo các nguồn tin được tiếp cận với các hợp đồng xây dựng của Trung Quốc tại Maldives, gần như toàn bộ các dự án xây dựng này đều được thực hiện với các điều khoản bí mật, không thông qua đấu thầu và có mức giá thổi phồng khiến nhiều người hoài nghi về nguy cơ tham nhũng.