1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quay cuồng với nợ nần, châu Âu tăng tốc chính sách khắc khổ

(Dân trí) - Một loạt nước châu Âu trong tầm ngắm của các thị trường đang phải “mắm môi” thực hiện chính sách khắc khổ để đối phó với nợ nần chồng chất. Họ phải chứng minh quyết tâm giảm mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2013 theo thỏa thuận với Ủy ban châu Âu.

 
Quay cuồng với nợ nần, châu Âu tăng tốc chính sách khắc khổ  - 1

Italia hôm 12/8 đã thông qua kế hoạch thắc lưng buộc bụng khổng lồ với mục tiêu là tiết kiệm được 45,5 tỷ euro từ nay đến năm 2013 bằng biện pháp tăng thuế, giảm số lượng dân biểu địa phương và hợp nhất các cơ quan hành chính.

Tại Italia, rất nhiều người lập luận rằng tình hình hiện nay cũng giống như cuộc khủng hoảng năm 1992. Tuy nhiên, tình hình hiện nay hoàn toàn khác và nghiêm trọng hơn rất nhiều. Hồi tháng 7, nước này cũng đã thông qua một kế hoạch khắc khổ 48 tỷ euro trong thời hạn 3 năm.

Italia phải thực hiện chính sách trên trong bối cảnh mức nợ công lên đến 120% GDP, đẩy nước này đến bờ vực trở thành nạn nhân của khủng hoảng nợ. Việc nước này cho tăng lãi suất trái phiếu đến mức kỷ lục vào tuần rồi đã buộc ngân hàng châu Âu quyết định mua lại nợ công của Italia kèm theo những điều kiện ngặt nghèo về chính sách khắc khổ.

Báo chí phương Tây nhận định: Các nước châu Âu hiểu rằng sau những kế hoạch cứu trợ Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, sự sụp đổ của Italia sẽ đe dọa nghiêm trọng đồng tiền chung euro.

Italia hiện là quốc gia yếu nhất trong số những nước lớn: nợ của Italia tương đương với nợ của Đức, và nếu Đức đảm nhận trách nhiệm giúp đỡ Italia, Berlin sẽ bị vỡ nợ.

Trong khi đó, Tây Ban Nha đang chuẩn bị thông qua vào cuối tháng 8 này một chính sách khắc khổ tăng cường nhằm tiết kiệm thêm 4,9 tỷ euro. Năm 2010, một chính sách khắc khổ cũng đã được thông qua với chỉ tiêu tiết kiệm 65 tỷ euro trong thời hạn 3 năm.

Trước đó, hồi đầu tháng, các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã ra sức hạ nhiệt các căng thẳng “vô căn cứ” trên các thị trường, do lo ngại về tình hình Tây Ban Nha và Italia. Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi tuyên bố trước Nghi viện sẵn sàng thực hiện “một kế hoạch hành động tức thì” để phục hồi tăng trưởng của nước này, mà trong quý một chỉ đạt 0,1%.

Hiện tại, châu Âu chưa có biện pháp nào sẵn sàng để ngăn chặn sự lây lan khủng hoảng sang một nước mới trong khối euro. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu loại trừ mọi tranh cãi về một kế hoạch cứu trợ cho Italia và Tây Ban Nha. Trước mắt, biện pháp chính là mua lại các khoản nợ do Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu thực hiện. Nhưng việc mua lại này phải được Quốc hội các nước thông qua.

Hy Lạp hồi cuối tháng 6 đã thông qua một kế hoạch theo đó việc tăng thuế, giảm chi tiêu công sẽ tiết kiệm 28,4 tỷ euro, và biện pháp tư nhân hóa mang lại 50 tỷ euro. Đó là điều kiện mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các đối tác châu Âu đặt ra với Athen trước khi cho giải ngân tiền cứu trợ nước này.

Kịch bản của Hy Lạp ít nhất cho đến nay là sự lặp lại những gì đã xảy ra với Argentina. Hy Lạp cũng có những vấn đề tài chính và lạm phát, những căn bệnh đã được chữa lành sau nước này gia nhập Liên minh Tiền tệ và Kinh tế của Liên minh châu Âu (EMU) vào năm 2001 (trùng hợp một cách ngẫu nhiên với thời điểm Argentina sắp vỡ nợ).

Châu Âu rất lo ngại trước nguy cơ khủng hoảng Hy Lạp lan rộng, làm sụp đổ dự án thống nhất tiền tệ, 12 năm sau khi khối euro ra đời.

Hồi tháng 7, Bồ Đào Nha đã thông báo những biện pháp tiết kiệm thông qua tăng thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Trước đó, nhiều biện pháp khác cũng đã được thực hiện, dù gây mất lòng dân, như việc tăng giá giao thông hay đóng cửa trường tiểu học.

Ngày 12/8, Phái đoàn hỗn hợp gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và IMF đã bật đèn xanh cho Bồ Đào Nha nhận khoản cứu trợ thứ hai trị giá 11,5 tỷ Euro, tương đương 16,4 tỷ USD.Trước đó, Bồ Đào Nha đã nhận được 19,8 tỷ Euro trong gói cứu trợ tài chính trị giá 78 tỷ Euro được thông qua hồi tháng 5/2011.

Người đứng đầu phái đoàn IMF Poul Thomsen cho biết: "Chương trình khắc khổ của Bồ Đào Nha là đi đúng hướng và Chính phủ Bồ Đào Nha đã sớm triển khai các biện pháp quan trọng của chương trình này".

Châu Âu đang tăng tốc chính sách khắc khổ, trong khi ban lãnh đạo và giới tài chính khu vực này lo ngại Mỹ đang trên đường trở thành một nhà nước phúc lợi kiểu Hy Lạp.

“Nhờ” sự chi tiêu hào phóng của hai Tổng thống G.W.Bush và Barack Obama, gánh nặng chi tiêu liên bang hiện đã tăng lên khoảng 25% GDP, so với mức 18,2% GDP khi ông Bill Clinton rời Nhà Trắng. Nhưng đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Trong 4 năm tới, nước Mỹ dường như sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, với khoản nợ ròng lên tới hơn 100% GDP. Với rất ít đồng thuận về chính sách tài chính, một số nhà kinh tế cho rằng giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề nợ của Mỹ là lạm phát. Theo đó, cần giữ mức lạm phát khoảng 6-7%/năm cho đến khi gánh nặng nợ nần của Mỹ trở nên ổn định.

Nguyễn Viết
Tổng hợp