1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quan tham Trung Quốc trốn ra nước ngoài cũng không thoát

Công an Trung Quốc còn thành lập đơn vị chuyên trách bí mật truy lùng các đối tượng tham nhũng ngay trong lãnh thổ nước khác.

Mỹ lo ngại Trung Quốc dùng tiền lũng đoạn chính trị Úc Trung Quốc nói quan hệ với Philippines đang ở ngã rẽ mới Philippines muốn chấm dứt tuần tra chung biển Đông với Mỹ

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai màn cuộc chiến chống tham nhũng, hàng loạt quan tham từ “ruồi” đến “hổ” đều phải rơi vào vòng lao lý. Không chỉ mở các chiến dịch triệt phá những “đại án tham nhũng” như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch hay Bạc Hy Lai, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập còn vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc.

Sau nhiều thập niên tham nhũng tràn lan, hàng ngàn quan tham Trung Quốc đã “hạ cánh an toàn” ở nước ngoài, mang theo khối tài sản tham nhũng hàng trăm tỉ đô.

Các nghi phạm tham nhũng lẩn trốn tại Indonesia bị dẫn độ về Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ.
Các nghi phạm tham nhũng lẩn trốn tại Indonesia bị dẫn độ về Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ.

123 tỉ USD bị đánh cắp khỏi Trung Quốc

Vào năm 2011, một bản báo cáo mật dài 67 trang của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bị rò rỉ gây chấn động báo giới nước này. Tài liệu này chỉ ra các địa điểm “hạ cánh” ưa thích của các quan tham Trung Quốc và cách thức mà họ chuyển tiền ra nước ngoài.

Theo bản báo cáo này, có gần 18.000 quan chức tham nhũng của chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã bỏ trốn ra nước ngoài và “mất tích” kể từ giữa những năm 1990. Bản báo cáo này ước đoán đã có gần 123 tỉ USD, tương đương gần 2% GDP Trung Quốc trong năm 2010, đã bị các quan tham chuyển ra nước ngoài.

Nhiều người tin rằng số tiền tham nhũng tại Trung Quốc bị tuồn ra nước ngoài thậm chí còn nhiều hơn thế. Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Tài chính Toàn cầu, có đến 2,83 ngàn tỉ USD tài sản bất chính đã bị chuyển ra khỏi Trung Quốc từ năm 2005 đến 2011. Vấn đề là trong khối lượng tiền khổng lồ đó, tiền tham nhũng chiếm tỉ lệ bao nhiêu.

Tờ Wall Street Journal cho biết các quan chức có chức vụ càng cao thì càng ưa thích địa điểm “hạ cánh” là các nước phương Tây. Những quốc gia như Mỹ, Úc, Canada và Hà Lan là những điểm đến hàng đầu của những quan tham Trung Quốc. Trung Quốc hiện có hiệp định dẫn độ với 38 quốc gia nhưng lại không bao gồm bốn nước trên.

Những quan chức cấp thấp hơn thì không dám đi một mạch đến các nước phương Tây. Họ thường đến các nước ngoài phương Tây một thời gian rồi mới quyết định tiếp tục “Tây tiến” hay ở lại ẩn náu. Các địa điểm nổi bật là Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ và Nga.

Các quan tham Trung Quốc có vô vàn chiêu thức để chuyển tài sản bất chính của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo bản báo cáo bị rò rỉ này, điểm chung của các chiêu thức này là thường thông qua một người thân nào đó đang sống bên ngoài Trung Quốc.

Số tiền tham nhũng có thể “đội lốt” tiền du học chuyển khoản cho con cái của các quan chức đang ở nước ngoài, hoặc có thể được chuyển vào tài khoản của những cô tình nhân đang sống tại Hong Kong, hay đốt trên các sới bạc ở Macau.

Mở “săn cáo”, tung “lưới trời”

Nhóm Phối hợp chống tham nhũng trung ương của Trung Quốc họp chuẩn bị cho việc triển khai chiến dịch “lưới trời”. Ảnh: SCMP
Nhóm Phối hợp chống tham nhũng trung ương của Trung Quốc họp chuẩn bị cho việc triển khai chiến dịch “lưới trời”. Ảnh: SCMP

“Các nước phương Tây không thể trở thành thiên đường an toàn cho những kẻ phạm tội tham nhũng. Cho dù chúng có trốn đến đâu đi nữa chúng tôi sẽ tìm mọi cách để đưa chúng trở về nước” - ông Tập Cận Bình phát biểu vào năm 2014. Cũng trong năm đó, Bộ Công an Trung Quốc đã phát động chiến dịch “săn cáo” nhằm truy lùng quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế đang lẩn trốn toàn cầu.

Sang năm 2015, Trung Quốc lại mở thêm chiến dịch “lưới trời” để truy lùng quan tham với quy mô còn lớn hơn nữa. Theo Tân Hoa Xã, “lưới trời” không chỉ bao gồm Bộ Công an Trung Quốc, mà còn thu thập danh sách đối tượng cần bắt giữ từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung Quốc (CDDI), cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của chính quyền Bắc Kinh.

Chiến lược này còn có cả sự phối hợp của nhiều cơ quan cấp cao của đảng và chính phủ. Theo Tân Hoa Xã, VKSND Tối cao Trung Quốc cũng tiến hành xử lý những đối tượng vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thì nhắm đến các ngân hàng tư nhân bất hợp pháp và các tài khoản tại nước ngoài. Trong khi đó ban tổ chức trung ương thì thắt chặt quản lý các giấy tờ du lịch của quan chức, ngăn không cho ra nước ngoài và tẩu thoát.

Trung Quốc trong năm 2014 cũng đã đưa ra danh sách 100 quan chức tham nhũng bị truy nã hàng đầu đang lẩn trốn tại nước ngoài. Năm 2015, Interpol đã phát đi “cảnh báo đỏ”, tương đương với một lệnh truy nã toàn cầu, đối với các đối tượng này. Trong số đó, 40 đối tượng bị tình nghi đang ẩn náu tại Mỹ, 26 người tại Canada và 10 người tại Úc. 1/3 số đối tượng trong danh sách này đã bị dẫn độ về Trung Quốc.

Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu, CDDI ra tuyên bố đã đưa về 33 đối tượng trong danh sách đen trên. Cũng theo tuyên bố của cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc, đã có 1.915 đối tượng tình nghi tham nhũng của Trung Quốc đã buộc phải “hồi hương”. Các đối tượng này trở về từ hơn 70 quốc gia trên thế giới. Bắc Kinh cũng đã thu hồi về hơn 1,12 tỉ USD, theo tuyên bố của CDDI. Những con số này cho thấy mức độ hiệu quả vô cùng lớn của các chiến dịch truy lùng quan tham tại nước ngoài của Trung Quốc.

Trốn ở nơi nào cũng run sợ

Những chiến dịch càn quét tham nhũng vô cùng quyết liệt của Bắc Kinh đã khiến nhiều quan tham đang lẩn trốn tại nước ngoài phải run sợ mà đầu thú. Năm 2014, cựu bí thư thành ủy TP Phong Thành, thuộc tỉnh Liêu Ninh, đã về nước đầu thú sau hai năm tám tháng lẩn trốn tại Mỹ. Ông bị cảnh sát Trung Quốc tình nghi tham nhũng. Tờ Tân Hoa Xã dẫn lời của vị quan tham cho biết cả ông và vợ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị bắt khi sử dụng hộ chiếu của mình. Cả hai vợ chồng ông thậm chí còn không dám đi gặp bác sĩ hay đi gặp người thân, bạn bè tại Mỹ.

Chiến dịch truy lùng quan tham lẩn trốn của Trung Quốc được tiến hành vô cùng quyết liệt. Công an Trung Quốc còn thành lập đơn vị chuyên trách bí mật truy lùng các đối tượng tham nhũng ngay trong lãnh thổ nước khác.

Tháng 10-2015, Washington đã lên tiếng chỉ trích hoạt động này và cảnh báo sẵn sàng có các biện pháp truy tố. Tờ Tân Hoa Xã cho biết phía Mỹ đã yêu cầu các nhân viên chấp pháp Trung Quốc đang hoạt động ngầm tại nước này phải “quay về nước ngay lập tức”. Theo tờ The New York Times, các mật vụ Trung Quốc đã sử dụng rất nhiều biện pháp mạnh tay để gây áp lực buộc những nghi phạm tham nhũng phải về nước.

Trong khi đó, người thân và bạn bè của các quan tham cũng là “yếu huyệt” mà lực lượng chống tham nhũng Trung Quốc khai thác triệt để. Theo tờ South China Morning Post, CDDI năm 2015 tuyên bố rằng 40% trong tổng số 738 nghi phạm tham nhũng quay về nước là do được “thuyết phục”, thay vì bị ép buộc dẫn độ về nước. Trả lời tuần san Xinmin, một sĩ quan cảnh sát tại Thượng Hải khẳng định rằng những thành viên gia đình của các đối tượng thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực “thuyết phục” này.

“Phương pháp này vô cùng hiệu quả. Các nghi phạm giống như con diều vậy. Cho dù họ đã cao chạy xa bay ra nước ngoài, nguồn gốc sợi dây của họ vẫn nằm ở Trung Quốc. Chúng tôi có thể lùng ra họ thông qua người thân của họ” - người sĩ quan này cho biết. Tạp chí Red Notice Law Journal cho biết để thuyết phục các đối tượng đang lẩn trốn phải trở về nước, các đơn vị điều tra chống tham nhũng của Trung Quốc cũng sẵn sàng đe dọa, tịch thu tài sản hay gây sức ép đuổi việc người thân và bạn bè của các nghi phạm.

Trong thời gian đảm nhiệm chức chủ nhà Thượng đỉnh G20, Trung Quốc đã phải tạm thời cho ngưng hoạt động đơn vị truy lùng quan tham lẩn trốn ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đã từ chối tài trợ cho các sự kiện do không hài lòng trước các phương pháp quá cứng rắn, theo Reuters.

Tuy nhiên, chiến dịch truy lùng nghi phạm tham nhũng toàn cầu của Trung Quốc chắc chắn sẽ vẫn được đẩy mạnh trong tương lai.

Tháng 4-2016, Bắc Kinh đã tuyên bố mở chiến dịch “lưới trời 2016”, siết chặt vòng điều tra nhiều đối tượng đang lẩn trốn tại nước ngoài và các tài khoản ngân hàng bất hợp pháp. Còn theo tuyên bố của CDDI sau Hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo thế giới cũng đã thống nhất xây dựng một trung tâm nghiên cứu về chống tham nhũng toàn cầu. Trung tâm này sẽ được đặt ngay tại Bắc Kinh với sự tham gia của các chuyên gia pháp lý hàng đầu thế giới từ các nước thành viên G20.

Theo Trung Nhân

Pháp luật TPHCM