1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Việt - Nga: Đặt ra mục tiêu cao hơn

Đó là khẳng định của ông Konstantin Vasilievich Vnukov, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với TG&VN trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam (5-7/4/2015) của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Đại sứ LB Nga Konstantin Vasilievich Vnukov.
Đại sứ LB Nga Konstantin Vasilievich Vnukov.

Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Dmitry Medvedev lần này?

Phát triển quan hệ với Việt Nam - đối tác lâu đời tin cậy của chúng tôi không chỉ tại Đông Nam Á mà cả trong Châu Á - Thái Bình Dương nói chung - luôn là một trong các hướng quan trọng nhất của chính sách đối ngoại Liên bang Nga, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nga chủ động hơn ở châu Á – Thái Bình Dương

Chia sẻ với phóng viên TG&VN bên lề Hội nghị IPU-132 đang diễn ra tại Hà Nội, ông Konstantin Yosifovic Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, đánh giá quan hệ Việt – Nga đang phát triển rất tốt đẹp và tin cậy. Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược gần gũi nhất của Nga, với mối quan hệ hợp tác song phương toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục…

Ông Kosachev nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Dmitry Medvedev tới Việt Nam (5-7/4) không chỉ thể hiện sự gắn kết của Nga đối với Việt Nam, mà còn với khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Ông Kosachev cho rằng, trên thực tế, Nga chưa bao giờ “quay lưng” lại với châu Á – Thái Bình Dương, cũng như luôn tích cực phát triển quan hệ với khu vực này trên nhiều khía cạnh khác nhau. “Hiện nay chúng tôi đang gặp một số vấn đề khó khăn với các nước phương Tây, nhưng chính điều đó lại càng khiến chúng tôi chủ động hơn ở châu Á – Thái Bình Dương”, ông Kosachev nhấn mạnh.

Nhờ sự phát triển năng động trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước đã lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ hợp tác này có đặc thù riêng là có được đối thoại tin cậy thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao của Nga và Việt Nam, cho phép phối hợp hỗ trợ hai nước chúng ta trong phạm vi nhiều lĩnh vực và do vậy nhanh chóng giải quyết các vấn đề phức tạp nhất.

Trong năm vừa qua, thực tế hữu ích này tiếp tục được duy trì. Tháng 11 đã đánh dấu chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 12 Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga S.E. Naryshkin đã đến thăm Việt Nam. Chính từ góc độ như vậy, chúng tôi đánh giá về chuyến thăm tới đây của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A. Medvedev. Chúng tôi mong đợi rằng kết quả của các cuộc trao đổi thẳng thắn với nội dung phong phú sẽ dẫn đến các quyết định quan trọng về tiếp tục tăng cường toàn bộ các quan hệ song phương.

Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thành phần phái đoàn Nga có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và các công ty đang hoạt động năng động nhất với đối tác Việt Nam. Họ cũng sẽ có một loạt cuộc gặp và đàm phán về các chủ đề và dự án cụ thể. Mong đợi lớn cũng dành cho cuộc gặp tại TP. Hồ Chí Minh giữa người đứng đầu Chính phủ Nga với doanh nghiệp tiêu biểu hai nước.

Đại sứ từng nói trong cuộc họp báo đầu tiên tại Việt Nam rằng sứ mệnh hàng đầu của ông với tư cách Đại sứ Nga là tăng cường quan hệ song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư. Vậy ông đã lên kế hoạch cụ thể để thực hiện sứ mệnh này?

Phải thừa nhận rằng, vì nhiều nguyên nhân, hợp tác Nga - Việt tạm thời chưa cân xứng với tiềm năng to lớn hiện có. Trên cơ sở đối thoại chính trị năng động, các chỉ số quan hệ thương mại-kinh tế và đầu tư, dù có tăng trưởng đáng kể những năm gần đây, chưa làm chúng ta hài lòng. Điều này càng thấy rõ nếu so sánh trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với các nước dẫn đầu khác.

Chính vì lý do đó, tôi cho rằng một trong các nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ công tác của mình là xúc tiến tăng cường khối lượng và đa dạng hóa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Chúng tôi có các kế hoạch quan trọng trong năm nay. Chúng tôi phải hoàn thiện khối lượng công việc lớn và phức tạp về dự thảo Hiệp định thương mại tự do giữa các nước thành viên Liên minh kinh tế Á- Âu và Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định mở ra các khả năng to lớn để đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại.

Mùa Thu năm nay sẽ diễn ra khóa họp lần thứ 18 của Ủy ban liên Chính phủ Nga - Việt về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Các thành viên sẽ phải thảo luận nhiều chủ đề và dự án mà đôi bên cùng quan tâm, trong đó có lĩnh vực dầu khí, năng lượng điện, chế tạo máy, liên lạc viễn thông, sử dụng công nghệ cao... Bên cạnh đó, hai nước sẽ tiếp tục hoạt động của Tổ công tác cấp cao Nga - Việt về các dự án đầu tư ưu tiên nhằm tăng cường hợp tác đầu tư.

Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư của chúng tôi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ luật pháp hiện hành. Nhân đây, tôi cũng muốn mời các doanh nghiệp Việt Nam đến Siberia và Viễn Đông cũng như các vùng khác của Nga để xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, gỗ, hải sản.

Phát triển quan hệ giữa các địa phương có vai trò quan trọng để xúc tiến tổng thể mối quan hệ hai bên. Tại nhiều vùng của Nga, nơi tập trung các xí nghiệp sản xuất công nghiệp lớn, các trung tâm khoa học - sản xuất, các trường đại học, có nhiều cơ sở đang mong muốn thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài. Các vùng này, về phía mình, có thể nhập khẩu từ Việt Nam thực phẩm và các hàng hóa khác hiện đang có nhu cầu tại Nga bởi sự tối ưu về sự hài hòa giữa giá cả và chất lượng.

Thừa nhận tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại, tuy vậy chúng ta không nên xem nhẹ hợp tác trong lĩnh vực xã hội nhân văn, trong đó có hợp tác về giáo dục đào tạo, trao đổi văn hóa, du lịch.

Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa LB Nga và Việt Nam trong năm qua cũng như triển vọng quan hệ hai nước?

Chúng tôi đánh giá cao kết quả phát triển quan hệ Nga-Việt trong năm vừa qua. Thực sự là đã đạt được các thành quả đáng ấn tượng trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, không thỏa mãn với các kết quả đạt được, chúng tôi đặt ra cho mình các mục tiêu cao hơn. Cơ sở để đạt được các mục tiêu này chính là quan tâm của đôi bên đối với việc phát triển hợp tác trên cơ sở bề dày kinh nghiệm và truyền thống hữu nghị tốt đẹp và giúp đỡ lẫn nhau.

Theo Trịnh Quang (thực hiện)
Thế giới và Việt Nam
 
795 suất học bổng cho Việt Nam
"Các trường đại học Nga" là một dự án dài hạn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực giáo dục, được khởi động từ tháng 3/2014.
 
Từ ngày 29/3-4/4, dự án "Các trường đại học Nga" bước vào giai đoạn ba. Trong khoảng thời gian này, đại diện các trường đại học hàng đầu của Nga sẽ có các cuộc gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu thông tin tại các trường đối tác ở Việt Nam như Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội... Bên cạnh đó, đại diện các trường đại học Nga sẽ tham gia thảo luận với các đồng nghiệp Việt Nam về khả năng cùng tổ chức các hoạt động như hội thảo và hội nghị, cũng như thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên...
 
Hiện nay, Nga là một trong những nước cung cấp học bổng lớn nhất cho Việt Nam. Theo Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, trong năm 2015, Chính phủ Nga sẽ dành 795 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở, sinh hoạt. Đến năm 2018, học bổng Nga dành cho Việt Nam dự kiến đạt con số 1.000 suất. 
 
Q.C