1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Trung - Nhật chưa hết căng thẳng vì đảo tranh chấp

(Dân trí) - Khi tin tức về việc Thủ tướng Trung Quốc và Nhật có thể gặp song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội đang mở ra hi vọng giảm căng thẳng giữa hai nước, thì đến cuối ngày 29/10, hi vọng đó đã thay đổi do kế hoạch gặp bị hủy bỏ.

 
Quan hệ Trung - Nhật chưa hết căng thẳng vì đảo tranh chấp - 1
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (trái) và Thủ tướng Nhật Naoto Kan tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17, ngày 29/10.

Trung Quốc đã chỉ trích Nhật Bản làm nóng vấn đề quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông và sau đó phó chánh văn phòng Nội các Nhật “phản pháo” rằng cuộc gặp đã định giữa hai thủ tướng đã bị chính Bắc Kinh làm hỏng vào phút cuối.

 

“Tôi không thể nói không có bất kỳ tác động nào (đối với quan hệ song phương), phó chánh văn phòng Nội các Nhật Tetsuro Fukuyama cho biết với các phóng viên tại Hà Nội khi được hỏi về bước “lùi” này trong quan hệ hai nước. “Nhưng điều quan trọng là phải có một phản ứng bình tĩnh”, ông nói.

 

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã trở nên xấu đi vào tháng trước, sau khi Nhật giam giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc, tàu đã va chạm với hai tàu tuần tra Nhật gần quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư, trong khi Nhật gọi là Senkaku.

 

Hai bên đã có những bước tiến, nhằm hàn gắn quan hệ trong thời gian vừa qua. Và mới khoảng 7h30 tối 29/10, phó chánh văn phòng Nội các Nhật Noriyuki Shikata còn cho biết cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Naoto Kan có thể diễn ra vào ngày mai, 30/10, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội. Trước đó, trong cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp song phương kéo dài hơn một giờ đồng hồ nhằm cải thiện quan hệ và đều nhấn mạnh hai bên cần phải bình thường hóa quan hệ.

 

Phía Nhật cho biết Trung Quốc quyết định hủy cuộc gặp song phương giữa hai thủ tướng là dựa vào một “sự hiểu nhầm” từ một bài báo đưa ra rằng Bắc Kinh đã đồng ý nối lại các cuộc thương thảo với Nhật về thăm dò cho các dàn khoan dầu và khí đốt trên biển Hoa Đông.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đưa ra cách lý giải khác, cho rằng Nhật Bản đã “hâm nóng” vấn đề tranh chấp trên Hoa Đông và reo rắc thông tin vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

 

“Hành động của họ đã gây tổn hại tới bầu không khí (giữa hai nước)”, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hu Zhengyue cho biết với các phóng viên tại Hà Nội. “Họ phải chịu trách nhiệm cho tất cả”.

 

Phan Anh