1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Nhật-Mỹ sau cuộc gặp giữa ông Abe và ông Trump

Với những gì đạt được trong cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Donald Trump, giới quan sát cho rằng, chuyến thăm Mỹ của ông Abe đã thành công.

Tuyên bố chung về quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ đã được công bố sau hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản tại Washington ngày 10/2.

Trong Tuyên bố chung, hai bên đã xác nhận lại quyết tâm mạnh mẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh và kinh tế giữa hai nước. Đây cũng là hai nội dung quan trọng nhất đáp ứng được nguyện vọng của ông Abe trước khi thực hiện chuyến thăm, thể hiện rõ ông Donald Trump vẫn coi Nhật Bản là nước đồng minh quan trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Getty)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Getty)

Quan hệ đồng minh

Về quan hệ đồng minh, hai bên đã nhất trí rằng quan hệ đồng minh hai nước là nền tảng của hòa bình, phồn thịnh và tự do ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh an ninh của khu vực đang gia tăng những vấn đề nóng, Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh, trong khi đó Nhật Bản sẽ giữ vai trò và trách nhiệm lớn hơn với tư cách là nước đồng minh.

Hai bên nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện và mở rộng hợp tác quốc phòng dựa trên phương châm hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ năm 2015. Hai nước sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác đối tác và các nước đồng minh khác ở khu vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự xã hội dựa trên luật pháp quốc tế.

Hai bên xác nhận điều 5 của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ là phù hợp với vấn đề liên quan tới quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), phản đối những hành động đơn phương làm tổn hại tới hoạt động của Nhật Bản tại khu vực này, thống nhất sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực biển Hoa Đông.

Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự Biển dựa trên luật pháp quốc tế bao gồm tự do hàng hải và các tự do trên biển hợp pháp khác. Đồng thời, phản đối mạnh mẽ những chủ trương uy hiếp, cưỡng chế, bạo lực xâm hại tới Biển.

Đặc biệt, hai bên đã yêu cầu các bên liên quan tránh hành động gây căng thẳng bao gồm quân sự hóa ở khu vực Biển Đông, yêu cầu hành xử dựa trên luật pháp quốc tế.

Đối với vấn đề Triều Tiên, hai bên đã yêu cầu mạnh mẽ nước này bãi bỏ kế hoạch phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Khẳng định đồng minh Nhật-Mỹ có hoàn toàn có khả năng đảm bảo an ninh của Nhật Bản. Mỹ hoàn toàn đáp ứng những vấn đề liên quan tới lãnh thổ, quân đội của mình và nước đồng minh. Đồng thời xác nhận tầm quan trọng của hợp tác ba nước Nhật-Hàn-Mỹ trong vấn đề Triều Tiên trong đó Nhật Bản-Mỹ yêu cầu Triều Tiên thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề hạt nhân.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác kỹ thuật ở việc cải cách quân đội nhằm ứng phó với những biển đổi của an ninh trong thời gian tới, mở rộng hợp tác an ninh trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Hai bên cũng phê phán mạnh mẽ hành vi khủng bố, nhất trí tăng cường hợp tác đấu tranh chống khủng bố đe dọa mang tính toàn cầu.

Hợp tác kinh tế

Trong bản Tuyên bố hai bên đưa ra những cam kết kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên đã thảo luận sâu về những cơ hội, chủ đề mà các nền kinh tế đang đối diện, cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thống nhất việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước nói riêng và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung dựa trên con đường thương mại tự do và công bằng. Bởi đây sẽ là vấn đề bao gồm việc xác định tiêu chuẩn cao liên quan tới đầu tư thương mại, giảm thiểu rào chắn thị trường, mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh tế và việc làm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Liên quan tới việc Mỹ không tham gia vào Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hai bên cam kết sẽ nghiên cứu sâu biện pháp tối ưu để đat được mục đích chung.

Cụ thể trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Aso Taro cho biết, trong khung đối thoại mới đã đạt được thỏa thuận giữa hai bên, thì những vấn đề cụ thể trong lĩnh vực kinh tế mà đầu tiên là thương mại đã được hai bên trao đổi thẳng thắn và thống nhất.

Hai bên đã đưa ra quan điểm về tăng trưởng kinh tế nằm trong chính sách về tài chính, tiền tệ. Đây là thỏa thuận hết sức quan trọng cho hợp tác kinh tế hai nước sau này.

Dư luận đánh giá cao

Dư luận Nhật Bản hết sức quan tâm tới kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump lần này. Giới chính trị cũng yên tâm hơn và nhân dân Nhật Bản thêm một lần nữa tin tưởng vào khả năng của Thủ tướng Abe.

Ông Takamura, Phó Chủ tịch đảng Tự do dân chủ cho rằng, bước đầu ông Donald Trump đã có thể bày tỏ những gì mà ông không thể nói hết trong cuộc bầu cử vừa qua trong mối quan hệ với Nhật Bản và ông Abe đã có thể làm tốt vai trò của mình trong chuyến thăm này, tạo nên mối quan hệ tốt với ông Trump. Và những thỏa thuận về hợp tác kinh tế giữa hai bên là rất tốt.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí liên quan tới vấn đề TPP, Ngoại trưởng Fumio Kishida cho rằng điều quan trọng nhất là Nhật Bản đã nói rõ được với ông Trump về cách suy nghĩ và nhận thức cơ bản của Nhật Bản về TPP. Do vậy, điều đáng nói là cuộc hội đàm giữa hai bên đã cam kết sẽ nghiên cứu sâu biện pháp tối ưu để đat được mục đích chung về vấn đề này.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều về lập trường của Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump. Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản Shii Kazuo cho rằng, lập trường “quan hệ đồng minh là số 1” của Thủ tướng Abe và “Mỹ là số 1” của Tổng thống Trump, hay quan điểm về chính sách an ninh, kinh tế của hai nhà lãnh đạo này là sự “bắt chước dị thường”.

Nhưng dù sao đi nữa, những gì mà hai bên đã đạt được trong cuộc hội đàm được coi là thành công của ông Abe trong chuyến thăm Mỹ lần này./.

Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo