1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Nhật - Hàn tan băng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hàn Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 16/3 đến Tokyo, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản sau 12 năm với trọng tâm "đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng".

Quan hệ Nhật - Hàn tan băng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hàn Quốc - 1

Tổng thống Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee đến sân bay Haneda ở Tokyo vào ngày 16/3 (Ảnh: Yonhap)

Chuyến thăm lần này được xem là đánh dấu sự cải thiện đáng kể mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai nước đồng minh tại khu vực Đông Bắc Á.

Mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo căng thẳng đỉnh điểm kể từ sau phán quyết vào năm 2018 của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.

Chính phủ Nhật Bản bác bỏ lệnh của tòa án Hàn Quốc, khẳng định toàn bộ vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ song phương.

Theo thỏa thuận đó, Nhật Bản đã cung cấp cho chính phủ Hàn Quốc lúc bấy giờ khoản tài trợ và khoản vay trị giá 800 triệu USD, tuyên bố rằng mọi vấn đề liên quan đến tài sản, quyền và lợi ích của hai nước và người dân của họ "đã được giải quyết hoàn toàn và rốt ráo".

Nội dung thỏa thuận trên từng làm bùng phát các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Hàn Quốc. Căng thẳng giữa hai "ông lớn" tại châu Á tiếp tục âm ỉ suốt nhiều năm, ảnh hưởng tới quan hệ song phương trên các lĩnh vực như chính trị, thương mại.

Hy vọng tan băng đã nhen nhóm khi Tổng thống Yoon Suk-yeol lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2022. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống  Yoon đã kiên trì tìm cách hàn gắn quan hệ với Nhật Bản, và gần đây mô tả Tokyo là "đối tác chia sẻ các giá trị phổ quát với chúng tôi".

Nhà lãnh đạo này cũng cho biết sự hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ "đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giúp Seoul vượt qua các mối lo ngại hạt nhân từ Triều Tiên".

Chính phủ Tổng thống Yoon, vốn thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên, đã bắt đầu tham vấn với các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến ngay sau khi nhậm chức.

Và đầu tháng này, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã tiết lộ một kế hoạch đề nghị bồi thường cho các nạn nhân và gia đình thông qua một quỹ do nhà nước hậu thuẫn. Kế hoạch này không yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan đến tranh chấp lao động cưỡng bức thời chiến đóng góp.

Chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố hoan nghênh kế hoạch của Hàn Quốc và cho biết sẽ cho phép các công ty Nhật Bản tự nguyện quyên góp cho quỹ này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đề xuất của Tổng thống Yoon là "chương mới mang tính đột phá về hợp tác và đối tác giữa các đồng minh thân cận nhất của Mỹ".

Ngay sau đó, Hàn Quốc và Nhật Bản tuyên bố đàm phán để khôi phục quan hệ thương mại, và Bộ công nghiệp Hàn Quốc cũng cho biết sẽ đình chỉ một vụ kiện đã đưa ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết sẽ hợp tác với Nhật Bản để tăng cường hợp tác an ninh, trong đó có quan hệ ba bên với Mỹ.

Những tín hiệu lạc quan từ hội nghị thượng đỉnh Nhật-Hàn

Chuyến thăm của Tổng thống Yoon được đánh giá là "một cột mốc quan trọng" nhằm bình thường hóa quan hệ song phương với Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng hy vọng mở rộng các lĩnh vực an ninh, kinh tế và văn hóa khác nhau cũng như khôi phục giao lưu giữa người dân hai nước "nhằm vượt qua lịch sử không may trong quá khứ và hướng tới tương lai".

Quan hệ Nhật - Hàn tan băng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hàn Quốc - 2

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) duyệt binh danh dự trước cuộc hội đàm thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 16/3 (Ảnh: Yonhap).

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có cuộc hội đàm cấp cao với Thủ tướng Fumio Kishida trong ngày 16/3, với trọng tâm thảo luận là bình thường hóa quan hệ song phương.

Ngoài ra, cả hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận một loạt các vấn đề bao gồm: Thỏa thuận An ninh chung về thông tin quân sự, một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự, vấn đề bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu các mặt hàng linh kiện chủ chốt của Nhật Bản sang Hàn Quốc... Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida có cuộc họp báo chung và ăn tối cùng nhau tại một nhà hàng ở thủ đô Tokyo.

Mối quan hệ được cải thiện giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể mở đường cho hai nước láng giềng, đều là đồng minh của Mỹ, hợp tác chặt chẽ hơn trong các mối quan tâm chung liên quan đến nhiều vấn đề cùng quan tâm khác.

"Chuyến thăm này rất quan trọng vì cùng với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với thủ tướng Nhật Bản, tất cả sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để phá vỡ thế bế tắc giữa hai quốc gia cần hợp tác vì nhiều lý do: tăng cường phòng thủ và răn đe chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên", giáo sư quan hệ quốc tế Jaechun Kim tại Đại học Sogang, Hàn Quốc, cho biết. 

"Giải pháp của Yoon đối với việc bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức trong thời chiến mới là một cốc một nửa, như Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã nói bởi vì Nhật Bản cần đáp lại cử chỉ thiện chí của Hàn Quốc", giáo sư Kim nói thêm.

Hiện nay sự chú ý sẽ hướng về bất kỳ động thái nào của Thủ tướng Kishida sau những động thái được đánh giá là "chìa cành ô liu" của phía Tổng thống Yoon.

Hiện chưa rõ kế hoạch chi tiết của Thủ tướng Kishida, nhưng truyền thông Nhật Bản trong những ngày gần đây cho biết nhà lãnh đạo này đang xem xét thăm Hàn Quốc "nhằm đẩy nhanh nỗ lực đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng", ngay sau khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng 5 tới.

Theo Al Jazeera