1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Nga - NATO: Nguy cơ đối kháng lâu dài

80 vụ phóng tên lửa, 30 đợt cất cánh của các máy bay tiêm kích, khoảng 800 lần bắn đạn pháo... nằm trong kế hoạch tập trận của hơn 45.000 binh sĩ kéo dài từ ngày 16-3 đến ngày 10-4 trên toàn lãnh thổ, được đánh giá là một trong những đợt phô diễn quân sự lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Trong khi đó, cách đây ít ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh, năm 2015, khối quân sự này sẽ tăng cường các cuộc tập trận với cường độ và quy mô lớn nhất kể từ sau cuộc chiến không tiếng súng này, cũng như đẩy nhanh quá trình thành lập lực lượng phản ứng nhanh (VJTF) gồm 5.000 người triển khai ở các nước đồng minh phía đông, trong đó có Ba Lan và các nước Baltic. Những cuộc điều động lực lượng quân sự liên tiếp được cả Nga và phương Tây thực hiện từ đầu năm tới nay khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về việc mở ra một thời kỳ đầy nguy hiểm. Đó là một giai đoạn đối kháng lâu dài với quá trình hàn gắn mâu thuẫn trở nên xa vời giữa hai bên.

 

Máy bay chiến đấu Su-25 của Nga trong một cuộc diễn tập tại khu vực Stavropol, LB Nga

Máy bay chiến đấu Su-25 của Nga trong một cuộc diễn tập tại khu vực Stavropol, LB Nga

Có thể nói rằng, khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu từ cuộc cách mạng có tên gọi Maidan, dẫn tới việc lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia đã khiến cấu trúc an ninh, quân sự tại Châu Âu thay đổi đáng kể. Để giữ thế thượng phong trên bàn cờ địa chính trị, các nước lớn trong đó có Nga, Đức, Mỹ và cả NATO bắt buộc phải thay đổi chiến lược quốc phòng, an ninh nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ. Điều này có nguy cơ đẩy Cựu lục địa vào cuộc chạy đua vũ trang mới với những diễn biến khó lường, nhất là khi Hiệp định về lực lượng thông thường ở Châu Âu (CFE) đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.

Trên thực tế, CFE được các thành viên NATO và thành viên của khối Hiệp ước Warzsawa trước đây gồm Nga, Ukraine, Kazakhstan và Belarus ký kết khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1990. Hiệp định này đã được điều chỉnh một lần vào năm 1999 với nội dung nhằm hạn chế số lượng xe tăng, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công triển khai và tập hợp tại khu vực giữa Đại Tây Dương và dãy núi Ural của Nga.
 
Vì thế không phải ngẫu nhiên từ nhiều năm nay, CFE được coi là "hòn đá tảng" của an ninh Châu Âu. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ George Bush triển khai dự án xây dựng Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) vào năm 2002 và NATO thực hiện chiến dịch Đông tiến ồ ạt bằng việc kết nạp 7 thành viên Đông Âu năm 2004, quan hệ Nga và phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng.
 
Nói một cách khác, điện Kremlin và phương Tây đã không thành công trong việc thiết lập được cơ chế đối thoại trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Kết quả là, "thời kỳ lãng mạn" trong quan hệ giữa hai bên nhanh chóng kết thúc và thay thế bằng một cuộc đối đầu ngày càng gay gắt mà đỉnh cao là những gì đang diễn ra ở Ukraine.
 
Tuyên bố rút khỏi CFE cách đây ít ngày của Nga đồng nghĩa với việc thời gian tới, số lượng vũ khí hạng nặng có khả năng nhanh chóng được lấp đầy ở khu vực quy định trong hiệp ước - điều mà dư luận bấy lâu nay vẫn lo ngại khi nhắc tới sự sống lại của bóng ma Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến lần này có thể khốc liệt hơn nhiều so với cuộc chiến trước vì tâm điểm của nó đã lan tới Ukraine, sát biên giới với Nga.
 
Nhìn lại quá khứ, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, NATO và xứ Bạch dương đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác mới, thay thế cho sự đối đầu. Trong suốt hơn 25 năm qua, mối quan hệ này dù trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn được duy trì với một phương thức hợp tác đặc biệt. Bất kể là rạn nứt sau khủng hoảng tại Kosovo, chiến tranh Iraq hay vấn đề Gruzia, quan hệ Nga và phương Tây luôn sẵn sàng được điều chỉnh để tái lập trạng thái cộng sinh, dù không vững chắc và ổn định.
 
Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự lớn dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và những bất ổn ở khu vực Trung Đông cùng với những nguy cơ đe dọa cuộc sống loài người như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu thì một cuộc chiến giữa các cường quốc sẽ phá vỡ hình thái quan hệ từng được thiết lập giữa nhiều quốc gia từ năm 1989. Rõ ràng, điều đó khiến trật tự toàn cầu đứng trước những thay đổi không mong muốn.
Theo Quỳnh Dương
Hà Nội mới