1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ Nga-Israel liệu có sứt mẻ vì vụ máy bay bị bắn rơi?

(Dân trí) - Nga và Israel vốn duy trì mối quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp những bất ổn ở Trung Đông. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể sẽ rạn nứt phần nào sau khi Moscow quy trách nhiệm cho Tel Aviv vì vụ máy bay trinh sát Il-20 bị phòng không Syria bắn rơi hôm 17/9.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters)

Mối quan hệ chiến lược

Bất chấp căng thẳng kể từ khi Mùa xuân Ả rập nổ ra ở Trung Đông, Nga và Israel vẫn luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Chỉ tính riêng trong năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 3 lần hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội dung các cuộc hội đàm luôn được giữ kín với truyền thông. "Ngoại giao họp kín" là cách mà Moscow đang duy trì quan hệ tốt với Israel ngay cả khi Israel là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Với Nga, Israel không chỉ là một đối tác địa chính trị quan trọng được cho là có sở hữu năng lực hạt nhân, mà còn là nơi sinh sống của khoảng 1,3 triệu người sinh ra ở các quốc gia hậu Xô Viết.

Trong cuộc chiến ở Syria, Israel đã nhiều lần thực hiện các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Syria, thậm chí tấn công các máy bay quân sự Syria. Nga có lên tiếng chỉ trích các hành động này của Israel nhưng dường như không bao giờ thực sự mạnh tay.

Tuy nhiên, vụ việc máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị phòng không Syria bắn rơi trong lúc đối phó với cuộc tấn công của Israel có thể phần nào làm rạn nứt mối quan hệ này.

Nga có nhiều cách đáp trả


Một máy bay Il-20 của Nga (Ảnh: AFP)

Một máy bay Il-20 của Nga (Ảnh: AFP)

Theo giới chuyên gia, nếu quyết định đáp trả, Nga sẽ có rất nhiều lựa chọn để gây ảnh hưởng đến lợi ích của Israel. Sergey Balmasov, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông cho rằng, sau vụ việc, Nga có thể thúc đẩy hoàn tất bàn giao hệ thống phòng không hiện đại S-300 cho Syria, giúp Syria nâng cao năng lực phòng thủ.

Ngoài ra, Nga có thể bí mật cung cấp vũ khí cho các bên đối đầu với Israel như Iran hay Hezbollah - lực lượng từng tuyên bố sẵn sàng tuyên bố bắn hạ máy bay Israel vi phạm không phận Syria. Tất nhiên, một kịch bản leo thang như vậy không có lợi cho cả Nga và Israel.

Phản ứng bất ngờ

Ngay khi xác nhận Il-20 chở 15 quân nhân bị hệ thống phòng không S-200 của Syria bắn rơi, Nga cũng đổ lỗi cho Israel khi không thông báo sớm kế hoạch quân sự ở Syria và hơn nữa cố ý lấy máy bay trinh sát của Nga làm "lá chắn". Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo, Nga có quyền đáp trả hành động "thù địch" này của Israel.

Nikolay Surkov, chuyên gia tại Viện Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới, nhận định những bình luận nhanh chóng và công khai này của Nga cho thấy Moscow đã phẫn nộ thế nào với hành động của Israel.

Tuy nhiên, bình luận sau đó, Tổng thống Putin được cho là tìm cách hạ nhiệt căng thẳng khi cho rằng vụ bắn rơi Il-20 là một tai nạn ngoài ý muốn. Người đứng đầu chính phủ Nga cho rằng, sự việc lần này hoàn toàn khác vụ máy bay chiến đấu Su-24 bị bắn rơi năm 2015 vốn khiến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng một thời gian dài.

Nga và Israel có thể đang tiếp tục thảo luận để giải quyết vụ việc liên quan đến Il-20.

Chuyên gia về đối ngoại của Nga Gevorg Mirzayan cho rằng, Israel có thể xoa dịu tình hình với việc đưa ra lời xin lỗi công khai. Ngược lại, nếu im lặng hoặc đổ lỗi cho Syria, Israel có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả lớn hơn.

Thực tế, về phía Israel, quân đội nước này đã chia buồn với sự mất mát của Nga và cho rằng Syria phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.


Đồ họa: BBC

Đồ họa: BBC

Minh Phương

Theo RT, Independent