1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quan hệ Mỹ - Nga đi đến đâu nếu bà Hillary trở thành Tổng thống

Bà Hillary Clinton ngày 12/4 chính thức tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống và ngay lập tức truyền thông Nga đã đưa ra những nhận định về quan hệ Mỹ - Nga trong viễn cảnh bà Hillary chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Nút reset đỏ bà Hillary tặng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov năm 2009. (Ảnh:
Nút "reset" đỏ bà Hillary tặng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov năm 2009. (Ảnh: AP)

Trong một bài viết trên trang mạng PolitRussia.com, nhà phân tích Ivan Proshkin nhấn mạnh rằng Nga hy vọng có thể thảo luận tích cực với bất kỳ người kế nhiệm nào của ông Barack Obama. Nhưng các phân tích về viễn cảnh của cuộc bầu cử cho thấy điều đó khó có thể xảy ra.

Đánh giá về cơ hội của bà Hillary, các nhà quan sát đều đặc biệt chú trọng đến kinh nghiệm trên chính trường của cựu ngoại trưởng, bên cạnh đó là những người ủng hộ giàu có, vững chãi và đặc biệt là sự thiếu vắng của đối thủ đáng gờm ở đảng Cộng hòa.

Vậy nếu bà Hillary trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ thì điều gì sẽ xảy ra đối với mối quan hệ Washington- Moskva?

Ông Proskin cho biết các nhà quan sát Nga và Mỹ đều có chung dự đoán nếu bà Hillary trở thành Tổng thống, mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ trở nên xấu hơn và có thể đi đến một dạng Chiến tranh Lạnh mới.

Lý do được đưa ra là bởi vì trong khi bà Hillary luôn tìm cách đặt Nga vào vị trí thì Moskva tiếp tục nỗ lực nhảy ra khỏi vòng trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Các nhà phân tích đều cho rằng chiến thắng của bà Hillary cũng đồng nghĩa với 4 năm quan hệ đóng băng giữa Nga và Mỹ.

Điểm đầu tiên là bà Hillary có lập trường không thân thiện với Nga. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hơn 1 năm trước đây, bà Hillary đã có phát biểu gây tranh cãi so sánh Tổng thống Nga Vladimir Putin với độc tài Hitler. Bà Hillary thậm chí vẫn bảo thủ với phát biểu của mình, ngoài ra còn dùng những cụm từ "táo tợn" khác để miêu tả ông Putin là “máu lạnh” hay “cựu điệp viên KGB tính toán”.

Trong tháng 10/2014, bà Clinton có nhắc đến ông Putin như một “kẻ bắt nạt” mà Mỹ cần phải “đứng lên phản kháng, bao vây ngăn chặn khả năng khiến ông ta hung hăng”. Cựu ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn thể hiện quan điểm và cảnh cáo việc một số nước châu Âu lảng tránh các biện pháp trừng phạt Nga là “sai lầm”.

Bà Hillary cũng thường xuyên tỏ ra hoài nghi về khả năng cải thiện mối quan hệ Nga Mỹ. Trong tháng 7/2014, bà nói: “Tôi cho rằng ông Putin sẽ không bao giờ bỏ tham vọng đưa 'Đất mẹ Nga' về vị trí hàng đầu”.

Cũng trong bài viết trên trang PolitRussia, ông Proshkin khẳng định rằng chính sách của bà Hillary có trọng tâm quan điểm cô lập Nga và điều này đã nhen nhóm trong thời kỳ bà đương nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Năm 2009, nút đỏ “reset” (thiết lập lại) được bà Hillary tặng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã trở thành tâm điểm chú ý xuất hiện trên nhiều mặt báo. Các phóng viên Nga đã quan sát thấy một lỗi nhỏ trong chiếc nút đỏ đó là từ "perezagruzka" ("thiết lập" trong tiếng Nga) đã bị sai lỗi chính tả thành "peregruzka" (quá tải).

Các nhà phân tích cho rằng nếu bà Hillary trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ thì "peregruzka' trong mối quan hệ với Nga có thể đạt tầm cao mới.

Theo Hà Linh/Sputnik/baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm