1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Mỹ-Hàn trong chiến lược “xoay trục” của Washington

(Dân trí) - Trong bối cảnh mới, với vị thế “cường quốc tầm trung”, Hàn Quốc vừa là đồng minh “chí cốt” vừa đóng vai trò then chốt trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ.

 


Lãnh đạo Mỹ, Hàn hội đàm tại Nhà Trắng ngày 26/10 (Ảnh: Yeongnam)

Lãnh đạo Mỹ, Hàn hội đàm tại Nhà Trắng ngày 26/10 (Ảnh: Yeongnam)

Trong các ngày 13 đến 17/10, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tới thủ đô Washington, thăm chính thức Mỹ. Cùng đi có nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ Hàn Quốc và hơn 160 đại diện doanh nghiệp. Tổng thống Obama tiến hành hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, thảo luận hàng loạt vấn đề trong quan hệ giữa hai đồng minh, trong đó có tình hình bán đảo Triều Tiên, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản, sự trỗi dậy của Trung Quốc…

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang ở thăm Mỹ tuyên bố rằng, Seoul là một đối tác đáng tin cậy của Washington và đánh giá mối quan hệ đồng minh giữa hai nước là một yếu tố then chốt trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống hai nước đã hội đàm, thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ đồng minh, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như: chống khủng bố, tôn trọng nhân quyền, chế độ pháp quyền, cũng như nỗ lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Phát biểu ngày 14/10 tại Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS), trước 630 quan khách, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Tổng thống Park Geun-hye khẳng định mối quan hệ đồng minh năng động và tiến triển tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Mỹ đang hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn. Bà Park lý giải về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ Mỹ-Hàn là do cùng chia sẻ những giá trị và lý tưởng chung.

Ngoại trưởng nước chủ nhà, ông Kerry còn cho biết hai nước đã tiến hành tham vấn và hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề quan trọng, tập trung vào các vấn đề của tương lai, năng lượng sạch, sự cần thiết phải giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu, đảm bảo những quy định hợp lý để duy trì một không gian mở cũng như một mạng Internet đáng tin cậy và an toàn.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc còn tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo đã nêu vấn đề “chuyển giao 4 công nghệ then chốt trong việc sản xuất các máy bay KF-X” của Mỹ cho Hàn Quốc.

Được biết, Dự án tự sản xuất 120 máy bay chiến đấu KF-X của Hàn Quốc đang lâm vào bế tắc sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 vừa qua không cho phép tập đoàn sản xuất thiết bị quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) chuyển giao 4 trong số 25 công nghệ liên quan mà họ đã cam kết với Seoul.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Ca-tơ đã từ chối đề nghị của Hàn Quốc vì lý do “từ trước tới nay chưa bao giờ chuyển giao các loại công nghệ này cho nước ngoài” và khẳng định sẽ xem xét cách thức phù hợp để hợp tác trên lĩnh vực này.

Mỹ cho biết sẽ xem xét các cách thức để hợp tác về công nghệ quốc phòng và hai bên đã nhất trí thiết lập một diễn đàn tham vấn để thảo luận cách tăng cường hợp tác về công nghệ quốc phòng, nhằm đạt tới hiệu quả cao, trong đó có cả Dự án KF-X.

Tuy không tiết lộ nhiều chi tiết, nhưng báo giới cũng cho biết hai bên đả trao đổi ý kiến khá kỹ càng về tình hình Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở các vùng Biển Đông, Hoa Đông liên quan đến những động thái làm thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc, cũng như khả năng Triều Tiên sẽ có thêm những động thái mới mang tính khiêu khích.

Vấn đề căng thẳng và khó dự đoán trên bán đảo Triều tiên cũng là lý do mà phía Hàn Quốc đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ “xem xét lại quyết định từ chối chuyển giao cho Seoul các loại công nghệ hiện đại phục vụ dự án chế tạo máy bay chiến đấu KF-X.

Các quan chức quốc phòng hai nước chỉ nhất trí được vấn đề: “tiếp tục chuyển giao một cách có điều kiện quyền chỉ huy tác chiến từ phía Mỹ cho các lực lượng của Hàn Quốc”, đồng thời tăng cường hợp tác vũ trụ, không gian mạng, công nghiệp quốc phòng và tuyên bố hai nước sẽ duy trì thế trận phòng thủ chung có khả năng đối phó với các hành động khiêu khích trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, quan chức quốc phòng hai nước còn cho biết hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề khác liên quan đến mối quan hệ đồng minh và tình trạng sẵn sàng chiến đấu chung trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu ý kiến tại Trung tâm CSIS trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye để ngỏ khả năng tiến hành hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Bà Pắc Park Geun-hye nhấn mạnh: “Về vấn đề liên quan tới việc tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Abe, tôi thực sự cảm thấy có thể tiến hành một cuộc gặp như vậy với ông ấy. Tuy nhiên để sự kiện này trở nên có ý nghĩa, điều quan trọng là hai nước có thể tiến tới một sự thay đổi hướng tới tương lai nhiều hơn trong quan hệ song phương”.

Được biết, trước đó, Tổng thống Mỹ Obama nhiều lần lên tiếng thúc đẩy sự hòa giải giữa hai quốc gia đồng minh chủ chốt của Washington tại Đông Á này. Mỹ luôn luôn là người “mong muốn được chứng kiến sự hòa giải của hai đồng minh” Nhật-Hàn.

Như vậy, trong bối cảnh mới, với vị thế “cường quốc tầm trung”, Hàn Quốc vừa là đồng minh “chí cốt” vừa đóng vai trò then chốt trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ, khiến cho chuyến thăm của bà Park Geun-hye càng có tầm quan trọng hơn, phù hợp với “Chủ nghĩa Obama” theo đó, “sự vận động các nước đồng minh và đối tác, áp dụng hành động tập thể, chia sẻ trách nhiệm, phân tán rủi ro, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh” được đặc biệt coi trọng.

Nguyễn Nhâm